1.Tính chất, đặc điểm dược liệu
Vị thuốc "bạch truật" là thân rễ phơi hay sấy khô của cây bạch truật. Dược liệu được đưa vào sử dụng thường thái dọc hoặc thái vát thành miếng tự nhiên. Bề mặt có sắc nâu xám hoặc vàng xám, có vân dọc và vân khe đứt đoạn, có chỗ nổi bướu và ngấn rễ chùm, có miệng ở đầu mút còn hằn rõ vết gốc cây và mầm.
Bạch truật phơi khô, lớp ngoài mặt cắt có màu vàng trắng, bên trong màu sắc khá đậm, hơi có vân hoa cúc và một ít chấm dầu màu vàng nâu; mùi thơm nhẹ, vị ngọt, hơi cay. Khi cho vào mồm nhấm hơi dính, vị đắng hơi ngọt.
Bạch truật sấy khô, gia công thành miếng, mặt cắt màu vàng nâu, có rất nhiều khe nứt và chấm dầu, chất cứng rắn, có mùi thơm hơn bạch truật miếng phơi tươi.
2.Tác dụng chữa bệnh của bạch truật
Bạch truật tính ôn, vị đắng, ngọt, lợi tỳ vị; có công hiệu bổ tỳ ích khí, trừ thấp lợi niệu, giảm mồ hôi, hòa trung an thai; điều trị rối loạn tiêu hóa do tỳ vị hư nhược, bụng đầy trướng, sôi bụng kinh niên, phù thũng, khí đoản ho suyễn, biểu hư mồ hôi ra nhiều, có mang chân phù nề, thai động bất an.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, tác dụng chính của bạch truật là tăng thể trọng và sức đề kháng của cơ thể, xúc tiến quá trình tổng hợp protein ở ruột non, làm tăng cao IgG (một loại kháng thể) trong huyết thanh, tăng cường chức năng miễn dịch của tế bào, tăng lượng bạch cầu.
Nước sắc bạch truật có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa sự giảm sút glycogen ở gan, tăng tiết mật; hạ đường huyết, chống đông máu, giãn mạch, hạ huyết áp, lợi niệu, chống loét và phòng chống ung thư.
Cây bạch truật
3.Các phương thuốc có bạch truật
3.1. Thang bạch truật uống thay trà
Thành phần: Bạch truật 4,5g, mạch đông (bỏ tâm) 3g.
Cách dùng và công dụng: Sắc 2 vị trên thành thang. Mùa hè uống thay trà. Dùng cho người cao tuổi kém ăn, tiêu hóa yếu, miệng khô họng khát. Dùng lâu dài có tác dụng kéo dài tuổi thọ, chống lão suy.
3.2. Bánh bạch truật trị tiêu chảy
Thành phần: Bạch truật tươi 250g, đại táo 250g, bột mì 500g
Cách dùng và công dụng: Bạch truật xay thành bột mịn sấy chín, đại táo hầm chín bỏ hạt trộn 2 vị trên với bột mì làm thành bánh, ăn điểm tâm.
Dùng cho người tỳ hư ăn kém, tiêu chảy mạn tính. Người nào khí trệ đầy hơi không nên dùng.
3.3. Nước đường bạch truật lợi tiêu hóa
Thành phần: Bạch truật 9g. Đường vừa đủ.
Cách dùng và công dụng: Bạch truật giã nát, cho nước đường vào, bỏ vào nồi hấp, lấy nước uống. Ngày 1 thang chia ba lần. Dùng cho trẻ em tiêu hóa kém, chảy dãi liên tục.
4.4. Thang bạch truật dạ dày dê bổ dưỡng
Thành phần: Bạch truật 30g, dạ dày dê 1 cái.
Cách dùng và công dụng: Hầm chung hai vị trên cho chín, ăn thịt, uống thang. Uống ngày 1 thang, chia ba lần. Dùng cho người ốm lâu ngày, cơ thể hư nhược gầy yếu, ăn uống giảm sút, chân tay buồn bực...
Vị thuốc bạch truật được đưa vào sử dụng
3.5. Cơm bạch truật hạt ý dĩ trị khó tiêu
Thành phần: Bạch truật sao thổ 25g, gạo tẻ vừa phải, hạt ý dĩ 50g, lá sen một tàu, chỉ xác sao 15g, gia vị vừa phải.
Cách dùng và công dụng: Đổ gạo lên lá sen để trong nồi hấp, trên đó đặt các vị thuốc, hấp trong 40-50 phút. Ăn cơm và hạt ý dĩ. Dùng cho người tỳ hư, ăn ít khó tiêu, phù nề.
3.6. Rượu bạch truật phục linh trị rối loạn tiêu hóa
Thành phần: Bạch truật 500g, bạch phục linh 750g, hoàng tửu (rượu) 2500ml.
Cách dùng và công dụng: Các vị trên ngâm với nhau trên 10 ngày là dùng được. Uống ngày 3 lần lúc đói, mỗi lần 10-15ml. Dùng cho người mắc chứng ăn ít bụng đầy, rối loạn tiêu hoá, đại tiện lỏng, ho nhiều đờm, phù nề, tiểu tiện bất lợi.
3.7. Cháo bạch truật dạ dày lợn lợi tỳ, ích khí
Thành phần: Bạch truật 30g, cau quả 10g, gừng tươi 10g, dạ dày lợn 1 cái, gạo lức 100g, hành tươi, gia vị vừa đủ.
Cách dùng và công dụng: Ba vị trên giã thành bột thô, dạ dày lợn làm sạch. Cho thuốc vào trong dạ dày, khâu lại. Luộc dạ dày chín, lấy nước. Cho gạo lức vào nước luộc, nấu lên thành cháo, nêm gia vị, ăn lúc đói. Dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, chân tay buồn bực, tỳ hư khí trệ, đầy bụng trướng hơi...
3.8. Rượu bạch truật, độc hoạt trị trúng gió
Thành phần: Bạch truật 40g, độc hoạt 40g
Cách dùng và công dụng: Hai vị trên giã lấy bột thô làm thuốc tán. Rượu lấy 400ml, cho vào sắc còn lại 200 ml, bỏ bã, chia 2 lần uống lúc nóng.
Dùng cho người bị trúng gió co quắp chân tay, toàn thân cứng đờ, cấm khẩu cắn răng không mở được miệng.
3.9. Rượu xương bồ bạch truật tươi thông huyết mạch
Thành phần: Bạch truật tươi (sát bột bỏ vỏ) 7.000g, xương bồ (sát bột hấp chín) 7.000g
Đựng hai thứ đó trong túi vải mỏng, bỏ vào vò, đổ 35.000ml rượu trong vào ngâm, bịt kín miệng vò. Đông xuân ủ 14 ngày. Hè thu ủ 7 ngày. Mỗi ngày uống nóng 20ml. Có công dụng thông huyết mạch, điều hòa lục phủ ngũ tạng.
3.10. Cao nhị truật trị suy nhược thần kinh
Thành phần: Bạch truật 250g, thương truật 250g, phục linh 250g, gừng tươi 150g, đại táo 100 quả.
Cách dùng và công dụng: 3 vị bên trên rửa sạch, sấy khô, xay bột, rây ký. Đại táo bỏ hạt nấu chung với gừng cho chín, bỏ bã gừng. Trộn bột nhị truật phục linh rây được, với nước gừng táo làm thành cao. Uống vào buổi sớm và buổi tối hang ngày, mỗi lần 30g với nước ấm. Dùng cho người thừa cân béo phì, trong lòng buồn bực, thần kinh mệt mỏi, cơ thể biếng nhác, lượng bạch đới nhiều, tắc kinh, buồn nôn, nhiều đờm…
3.11. Rượu bạch truật lợi thấp
Thành phần: Bạch truật 1,8kg, gao 1,8kg. Men vừa phải.
Cách dùng và công dụng: Bạch truật gọt vỏ, giã nát, cho nước vào ngâm 30 ngày, lấy nước, ngâm men gạo vào thành rượu để uống. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 20ml.
Dùng cho người mắc bệnh phong thấp. Có thể giữ gìn nhan sắc, tăng khả năng chịu nóng, chịu lạnh cho cơ thể con người.
3.12. Cháo bạch truật tiêu viêm
Thành phần: Bạch truật 15g, bạch biển đậu 20g, hoài sơn 18g, đường đỏ vừa đủ
Cách dùng và công dụng: Bạch truật sắc lấy thang, bỏ bã, cho 3 vị còn lại vào nấu thành cháo. Ngày 1 thang, uống liền 7 - 8 thang. Dùng cho người viêm tai giữa do tỳ hư sinh ra.
3.13. Thang bạch truật địa cốt bì bổ khí
Thành phần: Bạch truật 50g, địa cốt bì 30g, hoa cúc 18g.
Cách dùng và công dụng: Sắc uống. Dùng cho người tê bì chân tay do khí hư thấp thịnh gây ra
Mời bạn xem thêm video
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi