Chỉ cần căn cước công dân gắn chip để làm thủ tục khám chữa bệnh
Theo thông tin của BHXH Việt Nam tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học trong khám chữa bệnh BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính diễn ra ngày 21/7 cho thấy ngành BHXH đã rất quyết liệt cùng với Bộ Y tế triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip. Đến nay, đã có 12.504 cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng căn cước công dân gắn chip, chiếm tỷ lệ 97,6% với 31 triệu lượt sử dụng, tra cứu được tích hợp trên ứng dụng VneID - ứng dụng định danh điện tử quốc gia (rất tiện lợi)
Theo đó, trước đây, khi công dân khám chữa bệnh, phải xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân, cán bộ y tế phải tiếp nhận và kiểm tra. Đến nay, chỉ cần căn cước công dân gắn chip để làm thủ tục khám chữa bệnh (đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian cho công dân và cán bộ y tế). Cơ quan BHXH tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT.
Liên quan đến việc triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH các cấp, tại cơ sở khám chữa bệnh trước đây, cán bộ y tế khi tiếp đón bệnh nhân phải qua 4 bước (tối thiểu), đến nay, khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học, từ 4 bước nay chỉ còn 2 bước; Người dân tự check in và tự xác thực sinh trắc.
Cùng đó, thời gian rút ngắn từ 10-15 phút cho 1 điểm, nay chỉ còn 6-15 giây; Chỉ cần 01 cán bộ y tế hỗ trợ cho tất cả các quầy xác thực (1 buổi cơ sở y tế đẩy nhanh, tiết kiệm 1-1,5 giờ); Người bệnh được phân luồng sớm hơn, tiết kiệm chi phí tuân thủ, di chuyển, công bằng trong việc lấy số thứ tự KCB.
Đối với cơ quan BHXH, việc này khắc phục tình trạng mượn thẻ BHYT, căn cước công dân, giúp tiết kiệm chi phí…; Quản lý chặt chẽ (chính xác), tránh trục lợi, phục vụ tốt công tác giám định, kiểm tra, thanh tra, quản lý với khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT 1 năm.
Về xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến BHXH, theo BHXH Việt Nam, trước đây bộ phận 1 cửa kiểm tra căn cước công dân khó xác định thật, giả. Hiện nay, người dân thực hiện sinh trắc, xác định chính xác. Khi sử dụng căn cước công dân được lưu lại phục vụ công tác quản lý, tra cứu sau này.
Ngoài lợi ích như công tác khám chữa bệnh BHYT, cơ quan BHXH xác định xác thực căn cước công dân thật, giả; xác định danh tính công dân; Phát hiện, hạn chế trục lợi, gian lận, giả mạo giấy tờ để trục lợi (3 vụ việc ở Bình Dương chuyển cơ quan chức năng).
"Với hơn 11 triệu người dân hưởng các chế độ BHXH 1 năm, việc triển khai xác thực sinh trắc học trên căn cước công dân gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là rất ý nghĩa, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí và tăng cường quản lý của các cơ quan, chống lãng phí, trục lợi"- BHXH Việt Nam khẳng định.
Tiếp tục tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính "bước ngoặt" trong mọi hoạt động của ngành BHXH Việt Nam.
Đây là tiền đề để toàn Ngành tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới với quyết tâm kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá, BHXH Việt Nam là đơn vị luôn đồng hành, có sự phối hợp rất sớm, thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
"BHXH Việt Nam đã chủ động, đồng hành cùng với Bộ Công an trong thực hiện thu thập dữ liệu, phục vụ cho việc xác thực cơ sở dữ liệu về dân cư để triển khai thành công Đề án 06 của Chính phủ"- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, thời gian qua, BHXH Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ, đội ngũ cán bộ… mà còn chủ động, đi trước đón đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phối hợp, hỗ trợ nhiều Bộ, ngành, địa phương vì mục tiêu chung, góp phần vào làm giàu thêm cơ sở dữ liệu quốc gia.
"Với các dịch vụ công của Ngành được triển khai trực tuyến, liên thông đã đóng góp lớn vào văn minh, văn hóa, kinh tế của xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng chống các hành vi vi phạm, mang lại lợi ích toàn diện"- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.
Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH một số tỉnh, thành phố và bệnh viện đã trình bày các tham luận báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện, phân tích một số khó khăn trong quá trình triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc, từ đó đề xuất các giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Với tinh thần quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, trong 6 tháng cuối năm 2023, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số, Đề án 06, trong đó tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông; triển khai hiệu quả 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông trên phạm vi toàn quốc; an toàn thông tin tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big Data), điện toán đám mây… tiếp tục tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp...