Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều 28/10, tổng tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/9/2021 của 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể kết quả của từng ngân hàng như sau:
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.885 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,27 triệu tỉ đồng cho trên 3,18 triệu khách hàng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.975 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,07 triệu tỉ đồng cho 239.384 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.901 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,08 triệu tỉ đồng cho 365.429 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.417 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,22 triệu tỉ đồng cho 533.392 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Quân đội: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 602 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 109.124 tỉ đồng cho 104.036 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội: tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 244 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 129.898 tỉ đồng cho 32.098 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 243 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 62.455 tỉ đồng cho 1.417 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Á Châu: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 203 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 150.566 tỉ đồng cho 93.975 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 224 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 144.509 tỉ đồng cho 232.357 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 123 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 17.667 tỉ đồng cho 14.042 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 121 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 79.782 tỉ đồng cho 55.077 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 97 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 40.744 tỉ đồng cho 12.710 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 93,5 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 38.130 tỉ đồng cho 3.269 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 62 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 40.867 tỉ đồng cho 6.201 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 33 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 24.662 tỉ đồng cho 4.989 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế: Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 12 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 9.596 tỉ đồng cho 7.134 khách hàng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN sẽ tăng cường giám sát việc các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất một cách thực chất. Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, phí, NHNN sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì vậy, để hệ thống ngân hàng giảm được lãi suất cho vay phụ thuộc vào 2 vấn đề. Thứ nhất, tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ; thứ hai là cắt giảm lợi nhuận. Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo 2 hướng này.
"Từ nay đến cuối năm, số tiền mà các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Ngành ngân hàng tiếp tục cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực ưu tiên như thu mua lúa gạo, hàng hóa thiết yếu…", ông Đào Minh Tú cho biết. Hiện, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng đạt 7,42%. Với mục tiêu tín dụng năm 2021 tăng khoảng 12%, tín dụng những tháng còn lại của năm phải đạt khoảng 4,5%. Tùy vào thực tế nền kinh tế, nếu đến cuối năm nhu cầu vốn tăng lên và kiểm soát được lạm phát, NHNN sẵn sàng mở thêm tín dụng.
Theo ông Đào Minh Tú, chính sách điều hành của NHNN tiếp tục góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, khôi phục nền kinh tế nhanh nhất, hiệu quả nhất. Không để cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, phá sản, mà phải hỗ trợ doanh nghiệp. Bài toán hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện không đơn giản. Trong khi đặc thù của Việt Nam khác với các nước trên thế giới khi doanh nghiệp Việt Nam đang dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ tín dụng. Còn trên thế giới, nguồn vốn của doanh nghiệp đến từ nhiều nguồn đa dạng từ cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu…còn lại vốn lưu động thiếu mới vay ngân hàng, chỉ khoảng 30%.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỉ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.