Ung thư nội mạc tử cung bắt đầu từ các tế bào của lớp nội mạc tử cung. Đây là loại ung thư phổ biến nhất trong tử cung. Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung, bao gồm:
1. Yếu tố nội tiết tố
Sự cân bằng hormone của phụ nữ đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh ung thư nội mạc tử cung. Nhiều yếu tố nguy cơ của ung thư nội mạc tử cung ảnh hưởng đến nồng độ estrogen. Trước khi mãn kinh, buồng trứng là nguồn cung cấp chính của 2 loại nội tiết tố nữ chính là estrogen và progesterone.
Sự điều chỉnh cân bằng giữa các hormone này thay đổi theo quy luật mỗi tháng trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Điều này tạo ra kinh nguyệt hàng tháng của phụ nữ và giữ cho nội mạc tử cung khỏe mạnh. Sự thay đổi của các hormone này theo hướng nhiều estrogen hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung của phụ nữ.
Sau khi mãn kinh, buồng trứng ngừng sản xuất các hormone này, nhưng một lượng nhỏ estrogen vẫn được tạo ra tự nhiên trong mô mỡ. Estrogen từ mô mỡ có tác động lớn hơn sau khi mãn kinh so với trước khi mãn kinh.
2. Béo phì
Béo phì là một yếu tố nguy cơ lớn đối với ung thư nội mạc tử cung có liên quan đến sự thay đổi hormone.
Buồng trứng của phụ nữ sản xuất hầu hết estrogen trước khi mãn kinh. Nhưng mô mỡ có thể thay đổi một số hormone khác (gọi là nội tiết tố androgen) thành estrogen. Điều này có thể ảnh hưởng đến mức độ estrogen, đặc biệt là sau khi mãn kinh. Có nhiều mô mỡ hơn có thể làm tăng nồng độ estrogen của phụ nữ, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
So với những phụ nữ giữ cân nặng hợp lý, ung thư nội mạc tử cung phổ biến hơn gấp đôi ở phụ nữ thừa cân và hơn 3 lần ở phụ nữ béo phì.
3. Liệu pháp estrogen
Điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh bằng hormone được gọi là liệu pháp hormone mãn kinh (liệu pháp thay thế hormone). Estrogen là một phần chính của phương pháp điều trị này. Điều trị bằng estrogen có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa, cải thiện tình trạng khô âm đạo và giúp ngăn ngừa sự suy yếu của xương (loãng xương) có thể xảy ra khi mãn kinh.
Nhưng chỉ sử dụng estrogen (không có progesterone) có thể dẫn đến ung thư nội mạc tử cung ở những phụ nữ vẫn còn tử cung. Để giảm nguy cơ đó, phải dùng progestin (progesterone hoặc một loại thuốc tương tự) cùng với estrogen. Đây được gọi là liệu pháp hormone kết hợp.
Phụ nữ dùng progesterone cùng với estrogen để điều trị các triệu chứng mãn kinh không bị tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, dùng kết hợp này làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú của phụ nữ và cũng làm tăng nguy cơ đông máu nghiêm trọng.
Nếu bạn đang dùng (hoặc dự định dùng) hormone sau khi mãn kinh, điều quan trọng là phải thảo luận với bác sĩ về những rủi ro có thể xảy ra (bao gồm ung thư, cục máu đông, đau tim và đột quỵ).
Giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, hormone nên được sử dụng ở liều thấp nhất cần thiết và trong thời gian ngắn nhất có thể để kiểm soát các triệu chứng. Bạn sẽ cần đi khám bác sĩ thường xuyên. Nếu có bất kỳ hiện tượng chảy máu hoặc tiết dịch bất thường nào từ âm đạo, cần đi khám ngay.
4. Chưa từng mang thai
Sự cân bằng nội tiết tố thay đổi theo hướng nhiều progesterone hơn khi mang thai. Vì vậy, mang thai nhiều lần giúp bảo vệ khỏi ung thư nội mạc tử cung. Những phụ nữ chưa từng mang thai, đặc biệt là vô sinh có nguy cơ cao hơn.
5. Khối u buồng trứng
Một loại khối u buồng trứng nhất định là khối u tế bào hạt thường tạo ra estrogen. Estrogen được tạo ra bởi một trong những khối u này không được kiểm soát theo cách giải phóng hormone từ buồng trứng và đôi khi nó có thể dẫn đến nồng độ estrogen cao.
Kết quả là sự mất cân bằng hormone có thể kích thích nội mạc tử cung và thậm chí dẫn đến ung thư nội mạc tử cung. Trên thực tế, đôi khi chảy máu âm đạo do ung thư nội mạc tử cung là triệu chứng đầu tiên của một trong những khối u này.
6. Hội chứng buồng trứng đa nang
Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nồng độ hormone bất thường như nồng độ androgen (nội tiết tố nam) và estrogen cao hơn và mức progesterone thấp hơn.
Sự gia tăng estrogen so với progesterone có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung ở phụ nữ.
7. Tuổi tác
Nguy cơ ung thư nội mạc tử cung tăng lên khi phụ nữ lớn tuổi. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ độ tuổi trung niên, quanh giai đoạn mãn kinh.
8. Thuốc điều trị ung thư vú tamoxifen
Tamoxifen là một loại thuốc được sử dụng để giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư vú. Tamoxifen hoạt động như một chất chống estrogen trong mô vú, nhưng nó hoạt động giống như một loại estrogen trong tử cung. Ở phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh, nó có thể khiến niêm mạc tử cung phát triển, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung do tamoxifen là thấp (dưới 1% mỗi năm). Phụ nữ dùng tamoxifen phải cân bằng nguy cơ này so với lợi ích của thuốc này trong điều trị và ngăn ngừa ung thư vú. Nếu bạn đang dùng tamoxifen cần đi khám phụ khoa định kỳ và lưu ý hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường, vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung.
9. Chế độ ăn nhiều chất béo
Chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư nội mạc tử cung. Bởi vì thực phẩm béo cũng là thực phẩm có hàm lượng calo cao, một chế độ ăn uống nhiều chất béo có thể dẫn đến béo phì, là một yếu tố nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là cách chính khiến chế độ ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Thực phẩm chất béo cũng có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến cách cơ thể sử dụng estrogen, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
10. Bệnh đái tháo đường
Ung thư nội mạc tử cung có thể phổ biến gấp đôi ở phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Bệnh đái tháo đường cũng phổ biến hơn ở những người thừa cân và ít vận động. Đây cũng chính là yếu tố nguy cơ của ung thư nội mạc tử cung.
11. Ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng
Phụ nữ từng bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng cũng có thể tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Một số yếu tố nguy cơ về chế độ ăn uống, hormone và sinh sản đối với ung thư vú và buồng trứng cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
12. Tăng sản nội mạc tử cung
Tăng sản nội mạc tử cung là sự phát triển tăng lên của nội mạc tử cung. Tăng sản nhẹ hoặc đơn giản, loại phổ biến nhất, có rất ít nguy cơ trở thành ung thư. Nó có thể tự biến mất hoặc sau khi điều trị bằng liệu pháp hormone.
Nếu sự tăng sản quá mức được gọi là "không điển hình" có khả năng trở thành ung thư cao hơn. Tăng sản không điển hình đơn giản biến thành ung thư trong khoảng 8% trường hợp nếu nó không được điều trị. Tăng sản không điển hình phức tạp có nguy cơ trở thành ung thư lên đến 29% trường hợp nếu nó không được điều trị và nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung không được phát hiện thậm chí còn cao hơn.
Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn ung thư nội mạc tử cung. Nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh như: duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì, tăng cường hoạt động thể chất thường xuyên, tư vấn bác sĩ khi lựa chọn liệu pháp hormone để điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh…
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, ở tuổi mãn kinh, tất cả phụ nữ nên được thông báo về các nguy cơ và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung. Đặc biệt nếu có bất kỳ hiện tượng chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo cần đi khám sớm.
Xem thêm video đang được quan tâm
Bạn đã hiểu đúng về thuốc kháng sinh chưa?