Liên quan đến việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam, quá trình thanh tra, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nêu trên. Theo TTCP, 3 tập đoàn, tổng công ty nêu trên được Nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng diện tích rất lớn về đất đai tại 30 tỉnh, thành phố nhưng đã để xảy ra nhiều sai phạm như bị lấn chiếm với diện tích lớn, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí, thậm chí cho phép chuyển đổi trái quy định gây thất thoát tài sản Nhà nước.
TTCP phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Theo kết quả thanh tra, đến cuối năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam có 842 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp lại. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có 759 cơ sở nhà, đất nhưng mới sắp xếp, xử lý được 43 cơ sở, chiếm 5,7% cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Cơ quan thanh tra xác định, tại cơ sở nhà, đất số 117 Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM) và số 56 Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), Tập đoàn cho một số đơn vị thuê một phần diện tích làm văn phòng làm việc là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013. Một số cơ sở nhà, đất khác tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) và quận Bình Thạnh (TP.HCM) đem cho thuê và để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc không sử dụng gây lãng phí.
Tổng công ty Lâm nghiệp VN có 83 cơ sở nhà, đất và đã sắp xếp xử lý được 7 cơ sở. Trong đó, sai phạm rõ ràng nhất là tại thửa đất số 67 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng), khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội. TTCP cho rằng, việc Sở TN&MT TP. Hà Nội thực hiện thủ tục đổi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 343m² thuộc quyền quản lý và sử dụng của Tổng công ty Lâm nghiệp cho Công ty thương mại Lâm sản Hà Nội là vi phạm nhiều quy định của pháp luật. Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản xác nhận khu “đất vàng” này nằm trong danh mục tài sản cố định.
Bên cạnh đó, quá trình thanh tra cũng xác định, khu đất số 25D Cát Linh (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) với diện tích hơn 60m² do Tổng Công ty Chè Việt Nam ký hợp đồng với Sở TN&MT thuê có thu tiền thuê đất hằng năm. Nhưng cơ sở nhà đất này được Tổng Công ty Chè Việt Nam đem góp vốn liên doanh liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh để xây dựng khu nhà trung tâm thương mại và dịch vụ. Đáng chú ý, thời điểm thanh tra thì khu đất trên đã bị Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh thoái vốn.
Cùng với đó, TTCP cũng xác định, các khu đất 1.500m² tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) và khu đất diện tích hơn 1.800m² tại số 126 Lạch Tray (TP. Hải Phòng) cũng là đất công sản được giao cho chi nhánh của Tổng Công ty Chè Việt Nam xây dựng hoặc cho thuê nhưng đến nay đều rơi vào tay tư nhân.
Tình trạng trên cũng xảy ra đối với khu đất số 225 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM) có diện tích 446,8m² thuộc quản lý của Tổng Công ty Chè Việt Nam cũng đã bị doanh nghiệp tư nhân chiếm dụng (Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ GB).
Từ những sai phạm liên quan tới quản lý, sử dụng nhà đất trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra tại các nhà, đất số 67 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), số 25D Cát Linh (quận Đống Đa, TP. Hà Nội), khu đất 1.500m² tại đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), số 59 An Bình (quận 5, TP.HCM), số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM) cùng 7 khu đất khác tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình và Sơn La.