Hà Nội

12 vị tướng trận thời bình: Bài ca người lính

17-05-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Điều gì tạo nên tính cách một vị tướng trận? Họ có gì đặc biệt, quá khứ, hiện tại và tương lai của họ ra sao?

Hơn 4.000 năm trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh. Quân đội Việt Nam không phải là đội quân hùng mạnh nhất nhưng đã chiến thắng bất kỳ đội quân hùng mạnh nào xâm lược đất nước. Và những vị tướng trận, những người con ưu tú trong đội quân bách chiến bách thắng của quân đội Việt Nam luôn là những biểu tượng anh hùng của các thế hệ kế tiếp. Điều gì tạo nên tính cách một vị tướng trận? Họ có gì đặc biệt, quá khứ, hiện tại và tương lai của họ ra sao không chỉ nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Văn tò mò, mà trong chúng ta, hình như cũng muốn biết điều đó.

Tướng Giáp với các học viên Học viện Quân sự. Ảnh: Việt Văn
Tướng Giáp với các học viên Học viện Quân sự. Ảnh: Việt Văn

70 tấm ảnh, 12 chân dung tướng trận, khai mạc vào ngày 19/5 (19 – 24/5) và là cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân lần thứ 9. Thưa NSNA Việt Văn, anh có thể nói thêm ý nghĩa về những con số này?

Từ năm 2005 - 2011, tôi làm 8 cuộc triển lãm cá nhân với nhiều mảng đề tài khác nhau từ chính trị, tôn giáo (đạo Phật) và cuộc sống xã hội đời thường: Hai giờ... Một ngày..., Đạo và Đời - 1 & 2, Tồn tại hay không tồn tại, Màu mặt trời, Tướng trận thời bình, Hà Nội: Động & Tĩnh, Đứt đoạn và Kết nối. Bẵng đi 2 năm 2012-2013, tôi không thể làm triển lãm vì những lý do khác nhau. Năm nay là sự trở lại của dự án Tướng trận thời bình mà phần 1 tôi đã triển lãm cũng tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài vào tháng 10/2009. Lần triển lãm này vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 - 7/5/2014, 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) 22/12/1944 - 22/12/2014... Ngày khai mạc 19/5 là kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ - Người gắn liền với lịch sử QĐNDVN. 12 tướng trận thời bình là chân dung 12 vị tướng đều có mặt trong các cuộc chiến lớn của dân tộc, đã cùng đồng đội, cùng cả lực lượng QĐNDVN làm nên những kỳ tích bảo vệ đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ảnh: Việt Văn
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ảnh: Việt Văn

 

Trong bộ ảnh triển lãm 12 tướng trận thời bình có những bức ảnh mang tính biểu tượng rất cao, đặc biệt là những bức ảnh về bàn tay. Câu chuyện gì được “ẩn” trong những bàn tay ấy?

Hình ảnh bàn tay trở đi trở lại trong nhiều bức ảnh mang ý nghĩa biểu trưng. Lúc nó là biểu tượng cho sức mạnh, lúc là biểu tượng của đỉnh vinh quang, lúc là sự khẳng định đường đời của cá nhân vị tướng gắn liền với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Bàn tay của các tướng - nếu không có những cuộc chiến tranh, nếu họ không dành hết tuổi thanh xuân và cả cuộc đời để chiến đấu dành độc lập, tự do, hòa bình thống nhất cho Tổ quốc thì có lẽ những bàn tay này sẽ là của bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhà văn, nghệ sĩ... Nhưng rồi Tổ quốc lâm nguy và họ phải cầm súng để bảo vệ sự bình yên, để chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Một kỷ niệm về một nhân vật trong bộ ảnh của anh?

Thực ra, kỷ niệm khi chụp ảnh về 12 vị tướng thì rất nhiều. Và khó mà nói kỷ niệm nào là mạnh mẽ nhất trong tôi. Từ việc chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông năm 2009, vẻn vẹn 40 phút, từ những lần chụp ảnh Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại nhà riêng khi thấy ông chăm sóc người vợ bị bệnh, rồi lần đi cùng Trung tướng Phạm Xuân Thệ, chụp cảnh hai vợ chồng tập thể dục, cảnh hai người ăn sáng ấm áp và giản dị... Và những lần chụp ảnh Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đến thăm đồng đội cũ, nghĩa trang Hà Nội cho đến những giờ phút trầm tư của riêng ông. Tướng Huy là nhân vật tôi chụp ảnh nhiều nhất và được nghe nhiều nhất những câu chuyện về chiến tranh, về tình đồng đội, về tính nhân văn của QĐNDVN.

Anh là một nhà báo chuyên viết về văn hóa nghệ thuật. Anh cũng là một NSNA có nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật quốc gia và quốc tế uy tín, vậy điều gì “dẫn” anh đến với những “câu chuyện ảnh” ở 12 tướng trận thời bình?

Tôi sinh ra vào những năm cuối của cuộc chiến tranh 10.000 ngày giữa Việt Nam - Mỹ. Khi lớn lên, học lịch sử, rồi trưởng thành, làm một nhà báo, được tiếp cận với các vị tướng trận, tôi có nhiều câu hỏi đặt ra với họ và với cả bản thân tôi: Điều gì tạo nên tính cách một vị tướng trận? Họ có gì đặc biệt, quá khứ, hiện tại và tương lai của họ ra sao?... Và dự án Tướng trận thời bình đã hình thành thông qua hình ảnh nguyên mẫu từ những vị tướng mà tôi được gặp gỡ tiếp xúc, trò chuyện thân tình nhiều lần. Bộ ảnh được thực hiện từ năm 2009 gồm nhiều ảnh, được chia ra nhiều phần như nhiều chương của một tiểu thuyết về cuộc đời các vị tướng trận, về những biểu tượng mà các vị tướng trận đại diện cho thế hệ của mình, đại diện cho những người lính của QĐNDVN. Đó là biểu tượng của tình yêu, sức mạnh, sự hy sinh, đỉnh vinh quang và cả sự vô danh...

Khi tiếp cận các vị tướng để chụp ảnh họ, anh làm thế nào để chụp được những khuôn hình tự nhiên nhất, ấn tượng nhất?

Tìm hiểu trước về nhân vật, tạo mối quan hệ gần gũi với nhân vật và nhạy cảm khi bấm máy cũng chưa đủ. Tôi cũng phải kiên nhẫn, trở đi trở lại gặp nhân vật nhiều lần, bởi cuộc sống rất tinh tế và kỳ lạ, bạn không thể áp đặt, sắp xếp nó một cách khiên cưỡng. Lẽ dĩ nhiên, các vị tướng dù đã nghỉ hưu, không phải ai cũng có nhiều thời gian và bạn phải tranh thủ. Một bức ảnh may mắn tôi chụp được là hình ảnh Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và phu nhân ngồi xe lăn. Ông bảo: “Bà hôm nào dễ tính mới cho chụp, còn không nhiều khi truyền hình đến quay, bà cũng không cho”. Thời chiến tranh, ông xa nhà đánh giặc, bà ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi con. Thời bình, ông lại việc dân việc nước bận rộn, bà ốm, bao nhiêu thời gian ngoài công việc, ông lại chăm bà tận tình. Tình vợ chồng là nghĩa tao khang. Đây là nhân vật mà khi tiếp xúc gây cho tôi nhiều cảm xúc.

Bàn tay của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
 Ảnh: Việt Văn
Bàn tay của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.  Ảnh: Việt Văn

12 tướng trận thời bình là 12 chân dung khác nhau, nhưng anh đã tạo nên một sự thống nhất về câu chuyện của họ, lại không có sự trùng lặp. Từ những hồi ức chiến trận, những kỷ niệm chiến tranh, tình đồng đội, cuộc sống bình dị trong gia đình, thú vui thư nhàn, trách nhiệm với xã hội..., công việc nhà báo với hơn 20 năm trong nghề phải chăng đã cho anh sự linh hoạt khi thể hiện bộ ảnh?

Đúng là rất khó trong thể hiện bộ ảnh. Làm sao 12 vị tướng phải có những nét khác nhau không trùng lặp, phần nào toát lên cá tính nhân vật nhưng phải có mẫu số chung xuyên suốt tạo nên hình ảnh một vị tướng trận kiêu hùng của QĐNDVN, dũng cảm, kiên cường, mưu lược trong chiến tranh nhưng thật bình dị trong thời bình mà vẫn đầy ý thức trách nhiệm công dân, nghĩa vụ với Tổ quốc. Làm báo tạo cho tôi sự linh hoạt nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Nhanh nhưng vẫn sâu sắc luôn là thách thức lớn nhất.

Sau bộ ảnh triển lãm này, anh có ý định tiếp tục phát triển thêm đề tài Tướng trận thời bình?

Có thể tôi sẽ phát triển làm đầy đặn thêm dự án này và điểm kết thúc sẽ là một cuốn sách ảnh về các vị tướng. So với triển lãm, hình ảnh in sách sẽ phong phú hơn, đa dạng hơn và quan trọng nhất phải thể hiện được thần thái, tính cách “Tướng” riêng của mỗi cá nhân. Tình cảm với gia đình, với đồng đội và ý chí mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh là những điểm cần đi sâu khai thác kỹ hơn.

Và anh muốn gửi gắm ý nghĩa gì từ Tướng trận thời bình?

Không phải ai cũng trải qua và biết về chiến tranh, nhưng thế hệ trẻ Việt Nam luôn có quyền tự hào về một thế hệ tướng lĩnh anh hùng - đại diện cho QĐNDVN đã làm nên những chiến công hiển hách trong chiến tranh, có một cuộc sống bình dị thời bình. Không thể và không bao giờ được lãng quên họ - những người con của Tổ quốc đã chiến đấu, đổ bao mồ hôi, xương máu vì 4 chữ Độc lập - Tự do. 12 tướng trận thời bình ngoài Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng kiệt xuất không chỉ của dân tộc Việt, các vị tướng còn lại đều là những huyền thoại Việt, bên cạnh nhiều tướng anh hùng khác mà tôi chưa có may mắn được tiếp cận, khám phá là hình ảnh đẹp mãi khắc sâu trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Cảm ơn NSNA Việt Văn. Chúc triển lãm của anh thành công!

Hoàng Nam (thực hiện)


Ý kiến của bạn