12 tuần sau khi 'vá' tử cung của sản phụ: Bác sĩ và gia đình vỡ oà hạnh phúc vì 'mẹ tròn con vuông'

08-08-2022 16:06 | Camera bệnh viện

SKĐS - Sản phụ mang thai 26 tuần bị vỡ tử cung, được các y bác sĩ 'đánh liều vá lại' thành công, giữ em bé đến 38 tuần và vừa 'mẹ tròn, con vuông' vào sáng ngày 8/8. Niềm vui chào đón con khoẻ mạnh của gia đình sản phụ như tăng thêm bởi họ đã chờ đợi quá lâu để được làm cha, mẹ...

Chia sẻ với các phóng viên sáng 8/8 sau khi rời khỏi phòng mổ 'bắt con' đưa cô con gái 2,8kg chào đời từ cơ thể người mẹ- sản phụ đặc biệt- bị vỡ tử cung khi mang thai ở tuần 26 nhưng đã được các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản TW 'đánh liều vá lại', PGS.TS Trần Danh Cường- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW vẫn chưa thể tin nổi điều kỳ diệu lại hi hữu đã xảy ra bởi ông và nhiều y bác sĩ của bệnh viện cùng gia đình sản phụ đã 'nín thở' từng ngày để mong em bé lớn thêm được ngày nào trong cơ thể người mẹ hãy chào đời... thì tốt cho bé bấy nhiêu. 

12 tuần sau khi 'vá' tử cung của sản phụ: Bác sĩ và gia đình vỡ oà hạnh phúc vì 'mẹ tròn con vuông' - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Danh Cường cùng các đồng nghiệp mổ 'bắt con' cho sản phụ

Và điều kỳ diệu ấy đã đến. Sau 12 tuần 'nín thở', sản phụ  V.T.A.H ( 37 tuổi làm công nhân, quê ở Hà Nam) đã lên bàn mổ ở tầng 38. Bé gái cất tiếng khóc chào đời ở phòng mổ của tầng 4 mang theo bao nụ cười và cả giọt nước mắt của các y bác sĩ cũng như của gia đình sản phụ...

12 tuần trước đó (ngày 2/6), phòng khám của Bệnh viện Phụ sản TW tiếp nhận thăm khám cho sản phụ vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu nhiều, nghi vỡ tử cung, khi thai nhi mới được 26 tuần. Trước đó, bệnh nhân có thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

"Thai 26 tuần khả năng sống thấp. Nếu kỳ tích có đến, em bé vượt qua cũng sẽ để lại nhiều di chứng, khi mà hệ thống thần kinh chưa phát triển toàn diện"- PGS.TS Trần Danh Cường nói

Vì thế, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu, các bác sĩ lập tức kiểm tra, đo tim thai. "Vì nếu tim thai còn, là còn cơ hội".

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, vỡ tử cung, chảy máu trong, đau bụng, nhưng dường như tình trạng sốc của mẹ không gây tác động tới em bé.

"Đây là điều cực kỳ may mắn cho sản phụ bởi thông thường khi vỡ tử cung, khối thai và nhau thai sẽ bị đẩy ra ngoài. Các bác sĩ đã hội chẩn nhanh, quyết định mở ổ bụng, hút sạch máu và dịch trong ổ bụng, sau đó khâu phục hồi vết rách tử cung, tiếp tục duy trì thai kỳ" - Giám đốc Trần Danh Cường chia sẻ.

Khi mổ ra, các bác sĩ phát hiện tử cung của thai phụ rách khoảng 5 cm, trên nền vết mổ u xơ tử cung dài khoảng 10 cm nằm ở phía sau tử cung mà tháng 3/2021 bệnh nhân đã phẫu thuật bóc tách 2 khối u xơ. 

Người nhà sản phụ cho biết vợ chồng chị H. bị hiếm muộn đã điều trị nhiều năm nên chị rất khao khát làm mẹ. Chỉ ít tháng sau ca phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung, chị H. đã làm thụ tinh ống nghiệm và may mắn có thai.

12 tuần sau khi 'vá' tử cung của sản phụ: Bác sĩ và gia đình vỡ oà hạnh phúc vì 'mẹ tròn con vuông' - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Danh Cường trò chuyện với sản phụ sau khi đón em bé chào đời khoẻ mạnh

Sau cuộc phẫu thuật, thai phụ vượt qua nguy kịch, chỉ số sinh tồn, huyết động của mẹ và nhịp tim thai nhi ổn định, thai phụ đã được cầm máu. Dù ca mổ thành công nhưng nguy cơ vỡ tử cung lần 2 của người mẹ vẫn tiềm ẩn. 

Để đảm bảo an toàn, thai phụ được chỉ định điều trị nội trú tại bệnh viện với sự theo dõi liên tục, sát sao của các bác sĩ và nhân viên y tế. Trong thời gian này, thai phụ được điều trị bằng nhiều phương pháp, trong đó bác sĩ đã truyền 9 liều thuốc chống co bóp tử cung với mục tiêu giữ thai nhi trong bụng càng lâu càng tốt.

Theo đó, một thai nhi mỗi ngày ở trong bụng mẹ sẽ tăng cơ hội sống lên 3%. Mục tiêu được đặt ra đạt 32 tuần là đã lý tưởng, em bé hoàn toàn được sinh ra bình an khi ở tuần thai này.

"Chúng tôi sợ nhất là xuất hiện cơn co bất ngờ trong buổi tối, tử cung có thể vỡ lại, bị vỡ ối, em bé tọt ra ngoài thì sẽ không còn cơ hội. Vì vậy, mọi chỉ số được ghi chép chặt chẽ, bác sĩ theo dõi chặt ca bệnh. Tất cả các ngày, bác sĩ trực chính phải lên khám. Tôi chỉ định sẵn trong hồ sơ bệnh án cứ bệnh nhân đau bụng là mổ ngay không cần khám xét gì nữa"- Giám đốc Trần Danh Cường chia sẻ thêm.

May mắn, thai phụ đáp ứng điều trị tốt, không xuất hiện cơn co tử cung, theo dõi thai nhi vẫn phát triển ổn định mỗi ngày.

Đến sáng 8/8, thai nhi được 38 tuần, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai- tương đương một cuộc chuyển dạ, sinh nở bình bình thường. Gia đình thai phụ thở phào sau 12 tuần thấp thỏm, bởi với thai phụ, có được em bé này là hành trình vô cùng khó khăn, con hiếm muộn.

12 tuần sau khi 'vá' tử cung của sản phụ: Bác sĩ và gia đình vỡ oà hạnh phúc vì 'mẹ tròn con vuông' - Ảnh 4.

Em bé được da kề da với mẹ ngay sau khi chào đời

Gíam đốc Trần Danh Cường chia sẻ thêm: Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghề gần 40 năm của tôi, chúng tôi thực hiện ca "vá" tử cung, bảo đảm an toàn cho em bé trong bụng mẹ thành công. 

Các bác sĩ đánh giá tử cung liền tốt, lành lặn hoàn toàn. Đặc biệt sau ca mổ đẻ này, trong tương lai, sản phụ này vẫn có thể tiếp tục mang thai và sinh nở. Hai mẹ con sản phụ sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Sáng 8/8: Theo dõi chặt các biến thể mới lây lan nhanh của COVID-19; Lên phương án "ngăn" dịch bệnh đậu mùa khỉSáng 8/8: Theo dõi chặt các biến thể mới lây lan nhanh của COVID-19; Lên phương án 'ngăn' dịch bệnh đậu mùa khỉ

SKĐS - Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này bắt đầu chiếm ưu thế; Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của COVID-19; Cùng đó nhiều tỉnh lên phướng án 'ngăn' dịch bệnh đậu mùa khỉ




Thái Bình
Ý kiến của bạn