Chương trình có sự tham gia của các bệnh viện: Bệnh Viện K ( Cơ sở Quán Sứ và Cơ sở Tân Triều), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM.
Theo các chuyên gia ung thư, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca.
Tỷ lệ chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm lên tới 90%. Tầm soát sớm chính là cách tốt nhất để phát hiện nguy cơ mắc bệnh ung thư giúp tăng khả năng bảo tồn và hiệu quả điều trị.
Theo dự kiến, chương trình sẽ chính thức phát động ở Hà Nội vào Thứ 7 tuần này 14/10 tại Quảng Trường Nhà Hát Lớn và chương trình phát động ở TP. HCM sẽ diễn ra tại Đại học Y Dược TP.HCM.
Buổi khám sàng lọc đầu tiên tổ chức tại 2 địa điểm: Bệnh viện K cở sở Quán Sứ khám cả ngày 14/10 - 15/10 và Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM khám Sáng chủ nhật 15/10. Người dân có nhu cầu khám có thể liên hệ hotline: 088.664.9599 - 088.684.9599
Chị em còn lơ là việc tầm soát ung thư vú
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương, có một thực tế là nhiều chị em phụ nữ chưa ý thức được việc đi tầm soát ung thư vú nên phần lớn các ca bệnh ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn 2, 3 - thậm chí có trường hợp bệnh đã ở giai đoạn 4. Theo thống kê có khoảng 60% người bệnh tới khám, phát hiện ung thư ở giai đoạn 3, 4 tức là giai đoạn muộn. Lúc này, khả năng chữa khỏi thấp hơn rất nhiều so với đến sớm. Trong khi đó, ung thư vú là căn bệnh có thể phát hiện sớm, và điều trị khỏi nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỉ lệ chữa khỏi càng cao và chi phí điều trị càng thấp.
Ung thư vú là căn bệnh phổ biến, tuy nhiên đây là căn bệnh có thể dự phòng và phát hiện sớm được. Để phòng bệnh ung thư vú, chị em nên có chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoa quả và rau xanh, hạn chế tối đa mỡ động vật, kết hợp với tập luyện tránh thừa cân, béo phì, hạn chế việc dùng thuốc nội tiết thay thế khi mà chuẩn bị bước sang tuổi mãn kinh, bởi lẽ nếu dùng lâu dài - đặc biệt là các trường hợp dùng quá 10 năm thì có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 4-6 lần so với phụ nữ không có tiền sử như vậy.
Để phát hiện sớm căn bệnh này, các chị em đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên nên đi khám sức khỏe định kỳ và nên quan tâm đến khám tầm soát phát hiện ung thư vú để nếu có mắc bệnh thì có thể điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ chỉ định chụp nhũ ảnh cho phép phát hiện ung thư vú từ lúc khối u chưa xuất hiện trên ngực người phụ nữ - tức là phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng và đương nhiên những trường hợp như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi được.
Ngoài ra, với những trường hợp chị em có tiền sử gia đình mắc ung thư vú và khi xét nghiệm gen ung thư vú (cụ thể gen BRCA1, BRCA2) dương tính thì nên đi khám định kỳ sớm hơn và thậm chí chụp cộng hưởng từ thay vì chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú.
Để hạn chế tái phát di căn ung thư vú, tốt nhất người bệnh nên tuân thủ chế độ, quy định do bác sĩ đề ra. Vì với mỗi trường hợp bệnh, để đưa ra biện pháp điều trị chúng tôi có hẳn một tiểu ban khối u chuyên về từng bệnh ung thư, ví dụ như tiểu ban về bệnh ung thư vú, tiểu ban về bệnh ung thư phổi… Trong mỗi tiểu ban đó đều có các nhà chuyên khoa (về phẫu thuật vú, xạ trị, nội khoa, cận lâm sàng…) đánh giá phân tích tỉ mỉ từ đó mới đưa ra biện pháp tổng thể hợp lý nhất, hiệu quả nhất cho người bệnh.