Hà Nội

12 tác dụng của dầu cá tốt cho sức khỏe

25-11-2022 17:41 | Thông tin dược học

SKĐS - Dầu cá rất giàu axit béo omega-3, có nhiều trong các loại cá béo như cá mòi, cá cơm, cá thu… Dầu cá được chứng minh là có tác dụng trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý.

Sử dụng dầu cá chứa vitamin A và D quá liều dễ gây ngộ độcSử dụng dầu cá chứa vitamin A và D quá liều dễ gây ngộ độc

SKĐS - Dầu cá là loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng (TPCN) có dạng viên nang mềm chứa vitamin, tan trong dầu hoặc chất bổ dưỡng, được dùng để bồi dưỡng sức khỏe.

1. Dầu cá giúp giảm viêm

Chứng viêm mạn tính là tình trạng viêm lâu dài có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm, có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường và bệnh tim mạch.

Dầu cá rất giàu axit béo omega-3 (axit eicosapentaenoic-EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Hai loại axit béo này đã được chứng minh là giúp giảm viêm trong cơ thể. Do đó, tăng cường bổ sung EPA và DHA có thể giúp giảm viêm mạn tính trong cơ thể.

photo-1669309911755

Dầu cá có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh.

2. Làm chậm quá trình mất cơ ở người lớn tuổi

Mất khối lượng cơ và chức năng do lão hóa làm tăng nguy cơ té ngã, kéo dài thời gian hồi phục sau khi nhập viện và tăng nguy cơ tử vong. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở nam giới và phụ nữ từ 60 đến 85 tuổi, việc bổ sung dầu cá làm chậm quá trình suy giảm khối lượng và chức năng cơ bình thường do tuổi tác.

3. Cải thiện chức năng não

Nghiên cứu ở những người khỏe mạnh từ 51 đến 72 tuổi cho thấy, so với giả dược, bổ sung dầu cá trong 5 tuần đã cải thiện hoạt động của não, trong đó có trí nhớ và sự tập trung. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, nồng độ axit béo omega-3 trong máu cao hơn có liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác thấp hơn.

4. Cải thiện về sức khỏe tâm thần

Nghiên cứu cho thấy, nồng độ omega-3 trong máu thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng. Khi được sử dụng với các liệu pháp tiêu chuẩn, bổ sung dầu cá đã được chứng minh là có lợi trong điều trị trầm cảm so với giả dược.

Ngoài ra, bổ sung dầu cá làm giảm nhịp tim và hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, cải thiện sức khỏe tâm thần.

photo-1669309913166

Dầu cá có nhiều trong cá thu, cá mòi, cá cơm…

5. Có thể hỗ trợ làm giảm huyết áp

Các nghiên cứu cho thấy, lượng axit béo omega-3 EPA và DHA kết hợp tối ưu để giảm huyết áp có thể là từ 2g đến 3g/ ngày. Liều hàng ngày của EPA và DHA thấp tới 0,7 gam cho thấy huyết áp giảm đáng kể, nhờ đó hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

6. Hỗ trợ giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19

Nồng độ omega-3 trong máu thấp có liên quan đến việc tăng khả năng phát triển COVID-19 nghiêm trọng (không phụ thuộc vào các yếu tố khác). Một nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tiêu thụ cá hoặc chất bổ sung omega-3 như dầu cá có thể làm giảm tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nặng.

7. Hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp

Viêm xương khớp, một dạng viêm khớp làm mòn sụn trong khớp, là nguyên nhân hàng đầu gây đau mạn tính và tàn tật. Trên toàn thế giới, viêm khớp ảnh hưởng đến 18% phụ nữ và 9,6% nam giới trên 60 tuổi. Một nghiên cứu liên quan đến người lớn bị viêm khớp bị thừa cân hoặc béo phì cho thấy, bổ sung dầu cá làm giảm đau mạn tính và cải thiện sức khỏe tổng thể.

8. Bảo vệ mật độ xương

Ở những người lớn tuổi, việc sử dụng các chất bổ sung omega-3 DHA và EPA có tác động tích cực đến mật độ khoáng của xương ở cột sống. Ngoài ra, việc sử dụng chất bổ sung dầu cá có liên quan đến việc giảm nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

9. Bảo vệ sức khỏe của mắt

Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực không hồi phục ở những người trên 60 tuổi ở Hoa Kỳ. Ở giai đoạn sau, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực trung tâm, vùng mờ hoặc lượn sóng trong tầm nhìn trung tâm.

Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng tăng theo độ tuổi và những người từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn. Nghiên cứu cho thấy, những người lớn tuổi có hàm lượng omega-3 EPA và DHA cao, đã giảm đáng kể rủi ro đối với thoái hóa điểm vàng.

10. Hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là sự tích tụ chất béo trong gan không phải do rượu. Thừa cân hoặc béo phì, tiền đái tháo đường, đái tháo đường loại 2, tăng cholesterol hoặc tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Một nghiên cứu ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy, những người dùng thực phẩm chức năng bổ sung dầu cá đã cải thiện tình trạng tổn thương gan. Những người mắc cả bệnh đái tháo đường và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, việc bổ sung omega-3 trong 12 tuần đã cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu so với dùng giả dược.

11. Có thể giúp những người mắc chứng tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ ảnh hưởng đến cách mọi người giao tiếp, học hỏi và tương tác với người khác. Dầu cá có thể giúp cải thiện sự chú ý và trí nhớ làm việc ở người lớn mắc bệnh rối loạn phổ tự kỷ.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, những trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ uống viên nang omega-3 hàng ngày trong 8 tuần đã có những cải thiện về hành vi và giao tiếp xã hội.

12. Hỗ trợ giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn liên quan đến tình trạng viêm khớp mãn tính với các triệu chứng bao gồm đau, sưng và cứng khớp. Mặc dù một số nghiên cứu không nhất quán nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu cá giúp giảm viêm ở những người bị viêm khớp dạng thấp.

Khi bổ sung dầu cá, có thể gặp các tác dụng phụ tiềm ẩn: Ợ hơi, ợ nóng hoặc tiêu chảy, hôi miệng, buồn nôn, đau đầu, mồ hôi có mùi, lâu cầm máu…

Những người dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen… nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng axit béo omega-3. Lưu ý, dầu gan cá không giống như dầu cá. Dầu gan cá chứa vitamin A và D, do đó có thể gây độc nếu dùng liều cao.

Thông thường, nếu bạn ăn các loại cá béo như cá hồi, cá thu hoặc cá mòi vài lần một tuần, bạn có thể không cần bổ sung dầu cá. Tuy nhiên, có nhiều người không thể nhận đủ lượng omega-3 thích hợp thông qua thực phẩm. Bởi vì lượng omega-3 được hấp thụ qua thực phẩm có thể rất khác nhau nên không có khuyến nghị cụ thể nào về lượng tiêu thụ ở dạng bổ sung hàng ngày.

Tốt nhất, nếu cần thiết phải bổ sung dầu cá cần trao đổi với bác sĩ để tránh những mối nguy có thể xảy ra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên của trường iSchool nguy hiểm thế nào?


Ngọc Nguyễn
(Theo health.com)
Ý kiến của bạn