Hà Nội

12 món ăn bài thuốc từ ba kích bổ thận tráng dương

SKĐS - Ba kích là một vị thuốc được biết nhiều với công dụng bổ thận tráng dương. Dưới đây là 12 món ăn bài thuốc dễ làm có ba kích có tác dụng này.

1. Đặc điểm của ba kích

Ba kích còn có tên gọi khác là ba kích thiên, cây ruột gà, bất điêu thảo, kê trường phong, ba kích nhục, liên châu ba kích… Tên khoa học Morinda offcinalis How, thuộc họ Cà phê Rubiaceae.

Cây ba kích mọc hoang ở ven rừng, trên đồi rậm giữa các bụi bờ, bãi hoang... nhiều nhất ở Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình… Đặc biệt ở Đông Triều (Quảng Ninh) có loại ba kích tốt hay được lựa chọn. 

Bộ phận dùng rễ phơi hay sấy khô, bỏ lõi. Rễ đào quanh năm, tốt nhất vào thu đông. Đào rễ về rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô. Khi gần khô đập dẹt, bỏ lõi, rồi lại phơi cho thật khô.

Trong rễ ba kích chủ yếu có chất anthraglucozit, rất ít tinh dầu, chất đường, nhựa và acid hữu cơ. Rễ tươi có vitamin C.

12 món ăn bài thuốc bổ thận tráng dương có ba kích - Ảnh 1.

Ba kích bổ thận tráng dương.

2. Công dụng và liều dùng 

Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, ba kích có vị cay ngọt, tính ôn, quy kinh can, kinh thận; có tác dụng ôn thận trợ dương, kích tam tiêu, mạnh gân cốt, khử phong thấp; dùng chữa các chứng gân cốt yếu, mềm, lưng gối đau, mỏi. Người âm hư, hỏa thịnh, đại tiện táo bón không nên dùng, hoặc cần kết hợp cho tốt các vị thuốc.

Trong nhân dân, ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng trong các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều...

Ngày dùng 10-30g dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng.

12 món ăn bài thuốc bổ thận tráng dương có ba kích - Ảnh 2.

Lá ba kích hãm trà uống có tác dụng bổ can thận.

3. Món ăn bài thuốc bổ thận tráng dương từ ba kích

Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, một số món ăn bài thuốc dưới đây có tác dụng bổ thận tráng dương:

- Thịt nạc hầm ba kích: Ba kích 8g, thiên đông 5g, thịt lợn nạc 50g, gừng 3g, hành củ 10g, muối một ít.

Cách chế biến: Thịt nạc, ba kích, thiên đông rửa sạch, cắt miếng; gừng cắt lát; hành cắt khúc. Bỏ tất cả vào nồi, đổ vào khoảng 1 lít nước. Dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó vặn nhỏ lửa hầm thêm 50 phút là được. Mỗi ngày ăn một lần.

Tác dụng bổ thận dương, hạ huyết áp.

- Lòng gà hầm ba kích: Lòng gà 1 bộ, ba kích nhục 30g, gừng, muối, tiêu, hành lá mỗi thứ một ít. Đem ba kích rửa sạch, cắt mỏng để ráo. Rửa hành lá cho sạch, cọng hành trắng giã nhuyễn, lá hành cắt khúc, để sẵn. Gừng cạo vỏ cho sạch, cắt thành từng đoạn vừa ăn, để ráo. Đem cả bộ lòng đã làm sạch, ướp với cọng hành trắng giã nhuyễn, ít muối và tiêu rồi trộn với nhau cho thấm. Đem bộ lòng gà đã ướp cho vào nồi cùng với ba kích và thêm nước lạnh đủ hầm.

Nấu nước thật sôi, sau đó cho lửa nhỏ lại, hầm riu riu khoảng 1 giờ. Khi bộ lòng đã chín, nêm chút muối cho vừa miệng rồi thả gừng cắt sợi và rắc ít tiêu cho thơm là ăn được. Ăn liên tục khoảng 7 - 10 ngày.

Người bệnh di tinh, thận dương hư, đau lưng, đi tiểu nhiều nên dùng. Không dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp.

12 món ăn bài thuốc bổ thận tráng dương có ba kích - Ảnh 3.

Ba kích kết hợp với mướp đắng chữa liệt dương.

- Canh lòng gà, ba kích: Lòng gà 100g, nhục thung dung 15g, ba kích 12g, gừng tươi 5g. Lòng gà rửa sạch, cắt đoạn 5cm. Ba kích thiên, nhục thung dung chia ra rửa sạch, cho vào một túi vải nhỏ, buộc chặt miệng. Đem lòng gà và túi thuốc bỏ vào nồi đất, thêm vào lượng nước thích hợp, cho gừng và muối vào, đun trên lửa lớn đến khi sôi thì bớt lửa, nấu thêm 1 giờ nữa thì vớt túi thuốc ra, nêm gia vị vừa dùng.

Tác dụng: Ấm thận, thích hợp cho người bị hội chứng bệnh thận dương suy hư, liệt dương, đái són, ban đêm tiểu tiện nhiều.

- Thận dê bổ dương: Ba kích thiên 10g, thận dê 1 cặp, tiểu hồi hương 0,5g, rau hẹ 0,5g, đỗ trọng 10g, muối ăn. Thận dê rửa sạch, lọc bỏ màng gân, đem mấy vị thuốc trên và muối bỏ vào bên trong thận rồi dùng dây buộc lại, đặt vào nồi đun chừng 30 - 50 phút, loại bỏ dược vật trong, cắt thận dê thành lát ăn vào bữa tối.

Tác dụng: Bổ thận tráng dương, cố tinh dùng cho người tính dục suy thoái, phụ nữ bị bạch đới.

- Tráng cân dưỡng huyết thang: Ba kích thiên 15g, đỗ trọng 30g, hồi hương 5g, thanh diêm 15g, nhục thung dung 15g, phá cố chỉ 20g. Các vị thuốc tán thành bột, dùng thận heo, bổ ra, cho thuốc vào, buộc lại, hấp chín. Mỗi lần ăn một quả uống với chút rượu.

Công dụng: Ích thận, dưỡng huyết, hoạt lạc, cường cân, làm mạnh lưng, chữa lưng đau.

- Ba kích, mướp đắng: Ba kích 100g, hạt mướp đắng 50g. Tất cả sấy khô tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh với rượu ngon, trước khi ăn.

Tác dụng: Chữa liệt dương.

- Trà lá ba kích: Lá ba kích 30g, đường đỏ. Lá ba kích rửa sạch, bỏ vào nồi, đổ vào 200ml nước. Dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó vặn nhỏ lửa nấu 5 phút, thêm chút đường đỏ vào là được. Uống thay trà.

Tác dụng: Bổ can, thận, giảm huyết áp.

- Ba kích nấu thịt nai: Ba kích thiên 30g, thịt nai 50g, gừng tươi, gia vị, nước đủ dùng. Thịt nai rửa sạch, thái miếng. Ba kích rửa sạch. Cho tất cả vào nồi nước đã đun sôi, rồi vặn nhỏ lửa hầm khoảng 3 giờ, nêm gia vị vào là dùng được. Ăn cùng với cơm.

Món ăn có công dụng chữa trị liệt dương, giúp bổ thận dương.

- Ba kích hầm đuôi lợn, đậu đen: Đuôi lợn 100g, đỗ trọng 20g, ba kích 20g, tục đoạn 20g, nhục thung dung 10g, đậu đen 30g, gia vị vừa đủ. Đuôi lợn rửa sạch đem hầm với các vị thuốc trên nêm gia vị vừa dùng. Dùng liên tục 7 - 10 ngày.

Tác dụng: Bổ thận, sinh tinh.

- Cháo ba kích hầm thịt dê: Thịt dê 100g, ba kích 15g, gạo tẻ 150g. Thịt dê thái nhỏ ướp gia vị, ba kích đun sôi với 1 lít nước trong 30 phút lấy nước nấu cháo. Cho tất cả vào nồi hầm thành cháo, nêm gia vị vừa đủ là ăn được.

Món cháo có công dụng ích tỳ thận, sinh tinh.

- Rượu ba kích: Ba kích đã bỏ lõi 40g; thục địa, nhục thung dung, ngũ vị tử mỗi loại 20g; nhân sâm 10g; 1 lít rượu trắng. Các vị thuốc trên cho vào 1 lít rượu trắng 400 ngâm trong vòng 21 ngày có thể dùng được. Mỗi tối uống 30ml.

Những người bị liệt dương, thiểu năng tình dục nên ngâm và sử dụng loại rượu thuốc này.

- Rượu ba kích tươi: Mang củ ba kích tím, bỏ lõi ngâm với rượu nếp, để 1 tháng là dùng được. Rượu giúp cường gân cốt, bổ thận, tráng dương.

Lưu ý: Người âm hư, táo kết không nên dùng. Đối với bệnh nhân mỡ máu hoặc rối loạn đa chuyển hóa cần cân nhắc các món ăn trên và tham khảo ý kiến của các bác sĩ y học cổ truyền.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những thói quen tốt cho thận cần thực hiện ngay nếu muốn có thận khỏe.

Hải Long
Ý kiến của bạn