Gần 40 năm dồn dập nỗi đau, người cựu binh ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, trông già hơn rất nhiều so với tuổi. Tuần nào ông Địu cũng ra mộ thắp nhanh cho 12 đứa con đang nằm sâu trong lòng đất lạnh. Mỗi lần như thế, ông lại ngồi phệt xuống nền đất nói một mình cầu nguyện cho con mình siêu thoát và hồi tưởng lại câu chuyện đời mình.
Năm 1972, cuộc chiến đấu của dân tộc đang ở giai đoạn dốc toàn lực cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đát nước. Như bao trai làng khác, ông Địu tạm biệt gia đình lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, ông được biên chế vào một đại đội trực tiếp chiến đấu trên chiến trường rừng Trường Sơn và Mỏ Tàu huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Tôi không nhớ bao lần hành quân xuyên rừng, bao lần uống nước suối nữa. Có bữa, cả đại đội đang hành quân, nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên trời, ngước nhìn lên thấy một vệt màu trắng. Có ai biết đó là chất độc chúng rải để triệt hạ rừng, không cho bộ đội ẩn nấp đâu chứ", ông Dịu nhớ lại.
Có buổi chiều tối, ông Địu cùng đồng đội hành quân đến giữa rừng dừng chân nghỉ, nhìn thấy hàng cây trơ trọi lá mà chẳng hiểu gì. Cả đại đội cứ thế mắc võng ngủ giữa rừng Trường Sơn. Sáng ra tóc người nào người ấy đỏ hoe, trên đầu võng đọng nước trắng đục như nước vo gạo. Anh em hò nhau xuống suối tắm, gội đầu. Mọi người uống luôn cả nước suối rất vô tư mà không hề biết dòng nước ấy đã bị Mỹ rải chất độc da cam. Ai cũng mong chiến đấu cho đất nước thống nhất để trở về với gia đình.
Sau giải phóng, ông Địu được nghỉ phép quê lấy vợ rồi khoác ba lô trở lại đơn vị. Ông không hề biết dòng máu đang chảy trong ông đã nhiễm nặng nề chất độc da cam đioxin. Một năm sau ngày cưới, vợ ông sinh con gái đầu tiên đặt tên là Đỗ Đức Hòa. Hai ngày sau khi chào đời, tự dưng đứa bé tự dưng khóc thét, co rúm người rồi sùi bọt mép. Đầu bé phù to, da vàng như nghệ, mũi, tai, miệng chảy nước nhầy nhầy màu rồi mất trên tay bà Nức. Từ đơn vị, ông Địu viết thư về động viên người vợ trẻ đang đau buồn vì mất đứa con đầu lòng.
Đứa con thứ hai chào đời vào năm 1981 trong niềm mong đợi của hai vợ chồng. Lúc đó ông Địu đã được phục viên về quê. Ông đặt tên con là Đỗ Thị Bình với ý nghĩa đất nước đã hòa bình, không còn chiến tranh, chấm dứt những ngày cầm súng trên chiến trường Trường Sơn, A Lưới. Một năm sau, bà Phạm Thị Nức tiếp tục thai nghén đứa con thứ ba với tâm nguyện có thêm thằng con trai cho “đủ nếp đủ tẻ”. Một buổi chiều bà Nức đang cho con bú thì đứa bé chưa kịp đặt tên khóc thét, co giật liên hồi, máu mồm máu mắt chảy ra rồi chết trong đau đớn, miệng vẫn ngậm bầu sữa mẹ. Lần vượt cạn thứ tư, hai cô con gái sinh đôi cũng lần lượt theo nhau về với cát bụi. Trước nỗi đau tột cùng ấy, bà Nức như hóa điên hóa dại, có lúc chạy ra đường la hét, khóc than.
Ở vùng quê nghèo còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ ngày ấy, ông Địu là con trai độc nhất nên áp lực có “một thằng con chống gậy nối dõi tông đường” luôn đè nặng. Những lần sinh nở không thành công, trong lòng bà Nức cảm thấy có lỗi với chồng, với họ hàng vô cùng. Sức khỏe dần cạn kiệt, song để không hổ thẹn với làng xóm, ông bà cứ gượng đẻ hết lần này đến lần khác. Lần mang thai thứ 5, cái thai mới được 6 tháng thì bị hỏng. Rồi những đứa tiếp theo đều chung số phận đẻ được dăm bữa, nửa tháng là chết. Có đứa chết khi mới lọt lòng. Ông Địu lẳng lặng đưa những đứa con đi chôn phía sau vườn nhà.
“Đứa con thứ hai lớn lên vẫn khỏe mạnh, nên vợ chồng tôi vẫn hy vọng mình sinh thêm con lành lặn. Nhưng từ đứa thứ tư cứ sinh ra được vài ngày, nhiều thì nửa tháng là mất. Lần bà ấy đẻ đứa thứ 12, tôi hy vọng lắm nhưng rồi nó cũng chết khi chưa kịp đặt tên. Tôi phải lấy cuốn sổ ghi lại ngày tháng chết của mỗi đứa để biết mà cúng giỗ”, ông Địu chua xót.
12 lần đem con đi chôn là 12 lần tự tay ông Địu đóng hòm. Có những lần vợ mới mang thai, ông đã âm thầm đóng hòm sẵn để khi con chết có cái mà bỏ xác vào đó. Ông Địu như chiếc bóng lầm lũi, đêm ngày thơ thẩn với 12 ngôi mộ chôn ngay trong vườn sau nhà. Để nhớ ngày tháng cúng giỗ, ông Địu đã đánh số thứ tự trên từng ngôi mộ từ 1 đến 12. Có tháng ông làm giỗ ba lần cúng con.
Mỗi lần đem con đi chôn, ông Địu đều giữ kín chuyện không cho láng giềng biết vì ông vẫn âm thầm hy vọng đứa con lành lặn ra đời. Song cuối cùng chuyện cứ đẻ ra là tự dưng con chết cũng không giấu được mãi. Anh em họ hàng bên gia đình ông Địu nghi ngờ nguyên nhân những đứa con chết non kia là do bà Nức “không biết đẻ”. Rất thương vợ, nhưng ông Địu cũng bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc mới với hy vọng kiếm một thằng nối dõi tông đường lành lặn.
Ông Địu bỏ nhà đi biệt tích và lấy người khác sau đó. Sau gần ba năm chung sống với vợ mới, ông trở về bên bà Nức đau khổ thú thật: “Tôi đã lấy người đàn bà khác với hy vọng sinh một thằng con trai nhưng khi đẻ ra nó cũng chết. Lỗi là do tôi chứ không phải do mình”. Đau khổ, bà Nức giang rộng vòng tay đón chồng và tiếp tục nuôi hy vọng mong manh vào những lần sinh nở kế tiếp. “Lúc đó, tui cũng chẳng biết ông nhà tui nhiễm chất độc da cam. Mãi sau này, ông ấy đi Hà Nội khám mới vỡ lẽ ra”, bà Nức chia sẻ.
Sau khi biết mình bị nhiễm chất độc da cam, hai vợ chồng ông Địu càng thêm nâng niu đứa con sinh lần thứ hai tên Đỗ Thị Bình. Không còn nước mắt để khóc nữa nhưng trong tâm khảm, vợ chồng ông coi đó là một phép mầu. Tuy nhiên, khát khao về đứa con trai lành lặn chưa bao giờ nguôi ngoai trong tim bà Nức.
Lần thứ 14 bà Nức mang thai, bà hồi hộp lo lắng chờ ngày sinh nở. Bà không chắc chắn đứa con chào đời có chết nữa hay không, song bà vẫn tin mãnh liệt nó sẽ sống và khôi ngô. Niềm vui vỡ òa khi Đỗ Thị Hằng ra đời lành lặn và khỏe mạnh. Một năm sau đó, bà Nức lại sinh đứa con thứ 15 đặt tên là Đỗ Thị Nga. “Đây là đứa cuối cùng, nó sống sót thôi chứ không nhanh nhẹn như người thường. Trong ba đứa con còn sống, chỉ mỗi Bình là tương đối bình thường. Hai con thứ mỗi lần giông mưa hay quá nắng là lên cơn sùi bọt mép và co giật”, ông Địu cho biết.
Giải thích việc đẻ nhiều con, ông Địu phân trần: “Lúc cưới, vợ chồng tôi chỉ cam kết với nhau là đẻ 2 đứa để chăm sóc cho nó học hành, nhưng cứ đẻ ra là chúng chết nên tôi cứ hy vọng kiếm một đứa lành lặn để nuôi. Sau này tôi biết mình nhiễm chất độc da cam, mới hiểu rằng có đẻ nhiều hơn nữa các con vẫn chết hoặc dị dạng”.
Mai Thắng - Bá Dũng