12 cách ăn uống giúp giảm ngay đau bụng, rối loạn tiêu hóa trong hội chứng ruột kích thích

SKĐS - Trong hội chứng ruột kích thích (hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt), giải pháp quan trọng là người bệnh cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Vậy người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn uống thế nào để cải thiện triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hóa?

Tìm hiểu về hội chứng ruột kích thích - Nỗi phiền toái khó nói của rất nhiều ngườiTìm hiểu về hội chứng ruột kích thích - Nỗi phiền toái khó nói của rất nhiều người

SKĐS - Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh tiêu hoá phổ biến, có xu hướng ngày càng tăng. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng những triệu chứng của hội chứng ruột kích thích khiến người bệnh luôn khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Mối liên quan giữa chế độ ăn uống và hội chứng ruột kích thích

Mặc dù nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích đến nay chưa rõ ràng nhưng ngoài một số yếu tố được cho là điều kiện thuận lợi để khởi phát hội chứng ruột kích thích như: căng thẳng, stress, nhiễm khuẩn đường ruột, dùng kháng sinh kéo dài, thay đổi thời tiết, chu kỳ kinh nguyệt… thì có mối liên quan mật thiết giữa chế độ ăn uống với hội chứng ruột kích thích.

Người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hoá. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khi ăn một số thực phẩm không phù hợp.

Việc xác định thực phẩm có phù hợp hay không thì còn tuỳ theo cơ địa của từng người. Có người không thích hợp với loại thực phẩm này nhưng người khác lại thích hợp. Ví dụ, có người cứ ăn hải sản là bị đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Nhưng có người lại chỉ ăn ngao, hến hoặc một số thực phẩm khác mới bị. Và khi ngừng sử dụng các thực phẩm này thì các triệu chứng sẽ biến mất.

Một số thực phẩm sau có thể làm nặng hơn triệu chứng hội chứng ruột kích thích, bao gồm: Lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch, sô cô la, các thức uống có chứa caffeine như trà, cà phê, đồ uống có gas, rượu, sữa…

Bệnh nhân có thể có tình trạng không dung nạp lactose (một loại đường trong sữa). Khi uống sữa và dùng các sản phẩm từ sữa có thể bị trướng bụng, buồn nôn, đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy.

Ngoài ra, có một số trường hợp không dung nạp thực phẩm chứa Gluten. Gluten có trong bánh mì, ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen... Những thực phẩm này có thể gây vấn đề về tiêu hóa như: chướng bụng, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy và một số vấn đề về sức khỏe, trong đó có hội chứng ruột kích thích.

Cách ăn uống giúp giảm ngay cơn đau bụng, rối loạn tiêu hóa ở người bị hội chứng ruột kích thích - Ảnh 2.

Người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hoá sau khi ăn một số thực phẩm không phù hợp.

Người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn uống thế nào?

* Dinh dưỡng lành mạnh, cân đối các loại thực phẩm

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối các loại thực phẩm là giải pháp cơ bản giúp phòng ngừa và cải thiện hiệu quả hội chứng ruột kích thích.

1 - Người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

2 - Người bị hội chứng ruột kích thích nên sử dụng các thức ăn được chế biến mềm, dễ tiêu hóa. Ăn chậm, nhai kỹ. Không nên ăn quá no. Tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi lần ăn lượng thức ăn vừa phải để giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hoá.

3 - Trường hợp có biểu hiện táo bón thì nên tăng cường chất xơ để thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa. Nên ăn các loại thực phẩm như: ngũ cốc, rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, chuối, bơ, đu đủ…

4 - Nếu bị tiêu chảy nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ.

5 - Uống đủ nước, trung bình 2 lít/ngày.

6 -  Bổ sung nhóm thực phẩm  giàu omega - 3 chống oxy hóa, bảo vệ hệ tiêu hóa trước sự tấn công của các gốc tự do. Các thực phẩm có hàm lượng omega-3 cao gồm: cá hồi, quả hạnh, bơ, dầu oliu,…

7 - Không nên vận động mạnh hoặc nằm ngủ ngay sau bữa ăn.

Cách ăn uống giúp giảm ngay cơn đau bụng, rối loạn tiêu hóa ở người bị hội chứng ruột kích thích - Ảnh 3.

Rau lang, khoai lang tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích có biểu hiện táo bón.

* Thực phẩm không nên dùng

8 - Tránh ăn các đồ ăn gây kích thích, rối loạn tiêu hoá: Tùy theo cơ địa từng người, nếu đã ăn một loại thực phẩm mà có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa vài lần thì nên hạn chế. Tốt nhất là tránh không ăn loại thực phẩm đó nữa.

9 - Nếu có tình trạng đầy hơi, chướng bụng cần tránh các thực phẩm sinh hơi như đồ uống có gas, một số loại rau như: bắp cải, bông cải xanh, bông cải trắng…

Cách ăn uống giúp giảm ngay cơn đau bụng, rối loạn tiêu hóa ở người bị hội chứng ruột kích thích - Ảnh 4.

Nên tránh các thực phẩm sinh hơi như đồ uống có gas.

10- Hạn chế sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa nếu có biểu hiện không dung nạp lactose. Nên dùng ít một hoặc kết hợp sữa với các loại thực phẩm khác để hạn chế tình trạng này.

11- Trường hợp người bệnh không dung nạp Gluten thì nên tránh ăn các thực phẩm chứa  Gluten như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen...

12- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, cafe, gia vị cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ.

Cách ăn uống giúp giảm ngay cơn đau bụng, rối loạn tiêu hóa ở người bị hội chứng ruột kích thích - Ảnh 5.

Đồ ăn nhiều dầu mỡ và gia vị cay nóng không tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích.

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống, người bị hội chứng ruột kích thích cần thực hiện lối sống khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tập luyện đều đặn. Tránh lo âu, căng thẳng kéo dài… 

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Thông thường, người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hoá.

Đau bụng: Thường đau quặn cơn, cũng có khi đau âm ỉ, tức nặng dọc khung đại tràng.

Rối loạn tiêu hoá: Phân lỏng, táo hoặc táo lỏng xen kẽ, thường có nhầy trong phân nhưng không có máu.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có một số triệu chứng khác như: Đầy hơi, tức nặng bụng, trung tiện nhiều, ăn xong muốn đi vệ sinh ngay, cảm giác đi ngoài không hết…

Các triệu chứng này thường liên quan đến chế độ ăn uống. Khi ăn các thức ăn không phù hợp ngay lập tức sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, đầy hơi óc ách, muốn đi vệ sinh. Nếu kiêng khem thì các triệu chứng sẽ biến mất.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hạnh phúc của bác sĩ khi thấy F0 liên tục khỏi bệnh COVID-19



BS. Thu Lan
Ý kiến của bạn