12 bài thuốc từ cây dâu tằm

07-05-2022 07:00 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Quả dâu giàu vitamin và khoáng chất... tuy nhiên tất cả các bộ phận của cây dâu đều được dùng làm thuốc và có nhiều công dụng khác nhau.

1.Những vị thuốc từ cây dâu

1.1. Rễ dâu

Rễ dâu, tên thuốc trong y học cổ truyền là tang bạch bì, có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, được dùng chữa ho, hen, thổ huyết, phù thũng.

Liều dùng hàng ngày: 6 - 12g, có thể đến 20g, dưới dạng nước sắc.

Vỏ trắng trong rễ dâu có tác dụng hạ huyết áp, trấn tĩnh. Cao chiết với nước và methanol từ vỏ rễ dâu làm giảm mức đường huyết.

Rễ dâu thu hoạch vào mùa hạ - thu, rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ ngoài, tước lấy lớp vỏ trắng bên trong, cắt thành đoạn dài 20 - 50cm, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng thái nhỏ, tẩm mật, sao cho vàng thơm.

1.2. Lá dâu

Lá dâu lấy tên thuốc là tang diệp, có vị ngọt, đắng, tính mát, chữa cảm, sốt, ho, viêm họng, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, cao huyết áp.

Liều dùng hàng ngày: 6 - 12g dưới dạng nước sắc.

Lá dâu thu hái vào đầu mùa hạ, hái lá non và lá bánh tẻ ở những cây dâu chưa có quả, loại bỏ lá vàng úa, phơi trong râm mát cho khô. Khi dùng để sống hoặc tẩm rượu sao.

Lá dâu có tác dụng hạ huyết áp. Chế phẩm an thần gồm lá dâu, lạc tiên, vông nem, lá sen, thảo quyết minh, hạt tơ hồng, hạt keo giậu, củ sâm đại hành giúp ngủ dễ dàng và ngon giấc.

photo-1651800499008

Các bộ phận của cây dâu đều được làm thuốc

1.3. Cành dâu

Cành dâu tên thuốc trong y học cổ truyền là tang chi, có vị đắng, nhạt, tính bình, chữa tê thấp, đau xương, sưng chân, mỏi gối, phù thũng.

Liều dùng hàng ngày: 12 - 20g dưới dạng nước sắc hoặc cao pha rượu.

Dược liệu, thu hái quanh năm, dùng cành có đường kính 0,5 - 1,5cm, tuốt bỏ lá, cạo vỏ ngoài, thái phiến dày khoảng 1cm, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, sao vàng hoặc tẩm rượu sao.

1.4 Quả dâu

Quả dâu, tên thuốc là tang thầm, có vị ngọt, chua, tính ôn, chữa thiếu máu, ù tai, mắt mờ, kém ngủ, đau khớp, tràng nhạc, táo bón.

Mỗi ngày dùng 12 - 20g quả tươi theo các dạng sau:

-Rửa sạch quả dâu, để ráo nước, cho vào lọ rộng miệng cùng với đường kính với tỷ lệ 1/1 cứ một lớp dầu lại một lớp đường, rồi đậy kín. Sau 5 - 7 ngày, sẽ được một thứ dịch màu đỏ, thơm gọi là sirô dâu. Ngày uống hai lần, mỗi lần 2 - 3 thìa cà phê dịch này pha với nước nguội. Có thể pha dịch dâu với rượu 30° để thành rượu dâu. Thuốc nhuận tràng, giải khát.

-Quả dâu tươi 1kg nấu với nhiều lần nước, lọc sau mỗi lần nấu, rồi trộn các nước lọc lại, cô thành cao lỏng, thêm mật ong. Ngày uống hai lần, mỗi lần 10g. Hoặc ép lấy dịch dâu rồi cô thành cao mềm, ngày uống 6 - 9g. Thuốc chữa gan, thận yếu, đau lưng, táo bón, chân tay tê bại ở người cao tuổi.

-Để làm cho tóc đen, hàng ngày ăn 50 - 100g quả dâu chín hoặc uống dịch dâu, kết hợp lấy nước ép quả dâu pha loãng dùng chải tóc đều đặn.

-Thu hái khi quả đã chín có màu đỏ hoặc đen loại đen tốt hơn, để nguyên hoặc đồ chín, rồi phơi hoặc sấy khô.

photo-1651800504679

Tầm gửi cây dâu

1.5. Tầm gửi cây dâu (cây tầm gửi mọc ký sinh trên cây dâu)

Tầm gửi cây dâu (tang ký sinh) có vị đắng, tính bình, chữa đau lưng, đau mình, chân tay tê bại, đại tiện ra máu, tắc sữa, ho hen, động thai.

Liều dùng hàng ngày: 15 - 30g.

Dược liệu được dùng riêng theo cách sau: Để tươi, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm nước, gạn lấy một bát uống chữa đau xóc hai bên hông. Nếu phơi khô, tán bột, mỗi ngày uống 4g với nước ấm chữa đại tiện ra máu, lưng gối nặng nề, sức khỏe yếu (Nam dược thần hiệu)

Dược liệu thu hái quanh năm, chặt ngắn, phơi hoặc sấy khô.

1.6. Tổ bọ ngựa bao trứng đính trên cây dâu tằm

Tổ bọ ngựa tên thuốc trong y học cổ truyền là tang phiêu tiêu, có vị ngọt, mặn, hơi tanh, tính bình, không độc, chữa mồ hôi trộm, tiểu đêm, di tinh, liệt dương, xuất tinh sớm, đau lưng, khí hư, trẻ em đái dầm, người cao tuổi đái són, phụ nữ kinh bế.

Liều dùng hàng ngày: 6 - 12g.

Dùng riêng, tang phiêu tiêu 100g, tẩm rượu, sao khô, tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với nước gừng để chữa bạch đới, khí hư.

Thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 1, đem về, đồ khoảng nửa giờ cho chín trứng bên trong, rồi nướng vàng hoặc sao giòn, tán bột, rây mịn. Có thể sao với rượu, giấm hoặc đốt tồn tính.

photo-1651800507820

Tang phiêu tiêu

1.7. Sâu dâu

Sâu dâu là ấu trùng của một loài xén tóc, sống và lớn dần trong thân cây dâu, thường dài 3 - 5cm, toàn thân mềm nục, có màu trắng như sữa.

Sâu dâu có vị ngọt, mặn, béo, mùi thơm khi sao, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu tích, tiêu độc, giảm ho, cầm máu.

Theo kinh nghiệm dân gian, sâu dâu 3 - 5 con cho vào một chén nhỏ cùng với ít mật ong, hấp chín rồi nghiền nát cho trẻ uống làm nhiều lần trong ngày, chữa đau mắt, chảy nhiều nước mắt, họ sốt, kinh phong.

Sâu dâu nướng qua ngâm vào rượu trắng trong nhiều ngày, uống chữa suy nhược, gầy yếu, hay mệt mỏi ở người cao tuổi. Nếu nướng sâu vàng giòn, tán bột, trộn với mật ong, uống chữa ho. Phụ nữ bị băng huyết, lấy sâu dâu nướng cho gần cháy đen, tán bột, uống với rượu hâm nóng mỗi lần 4 - 6g. Ngày 2 - 3 lần.

Khi cần dùng, tìm những thân cây dâu có phân đùn ra ngoài, cắt lấy và chẻ dọc để lấy sâu. Chỉ dùng những con to. Dùng ngay hoặc phơi, sấy khô.

2. Những bài thuốc từ cây dâu

2.1. Chữa ho lâu ngày, viêm họng

Vỏ rễ dâu 10g, thiên môn 10g, bách bộ 10g, bỏ lõi, sao vàng, sâm bố chính 10g, cam thảo dây 8g, để tươi, xạ can 5g, vỏ quýt 5g.

Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày. Có thể nấu thành cao lỏng, mỗi lần uống 1 thìa cà phê.

2.2. Chữa ho gà

Vỏ rễ dâu, quả hồng bì, củ sả, bách bộ, ô mai, cát cánh, hạnh nhân, kinh giới, cam thảo, bạc hà, mỗi vị 50g. Sắc với nhiều lần nước. Cô lấy nước đặc, thêm đường nấu thành sirô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1 thìa cà phê.

2.3. Chữa đau dây thần kinh tọa

Cành dâu, ngưu tất, thổ phục linh, thiên niên kiện mỗi thứ 12g, cà gai leo, lá lốt, đỗ đen sao mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang. Dùng thời gian dài.

2.4. Chữa ho trẻ em

Lá dâu non 12g, lá hẹ 10g. Hai thứ giã nhỏ, trộn với 3 thìa cà phê mật ong, đem hấp cơm cho chín. Để nguội, chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày.

2.5. Chữa sốt nóng, tức ngực, ho nhiều có đờm

Lá dâu 12g, kim ngân 12g, cúc hoa vàng 10g, bạc hà 10g, ngải cứu 10g, xạ can 8g. Sắc uống ngày một thang. Dùng 5 - 6 ngày.

2.6. Chữa mồ hôi trộm ở trẻ em

Quả dâu chín 20g, lá dâu non 20g, đậu đen 30g, ô mai mơ 12g, vỏ hàu 12g, nướng vàng. Sắc uống trong ngày.

2.7. Chữa kém ăn, mất ngủ, đau lưng, mỏi gối

Quả dâu chín phơi khô 100g, hạt vừng đen 100g, hạt sen bỏ tâm 100g, đỗ đen 100g. Tất cả sao vàng, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật ong vừa đủ để làm viên bằng hạt ngô.

Ngày uống hai lần, mỗi lần 30 viên với nước đun sôi để nguội.

2.8. Chữa chân tay tê bại, tắc tia sữa

Tầm gửi cây dân 30g, rễ ngưu tất 20g. Hai thứ thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày.

2.9.Chữa ho ra máu

Tầm gửi cây dâu 30g, thài lài tía 30g, rễ cây chuối hột 10g, rễ cỏ tranh 10g. Sắc uống ngày một thang.

2.10.Chữa động thai, đau bụng

Tầm gửi cây dâu 30g, lá ngải cứu 20g, cao ban long 20g, nướng cho thơm. Sắc uống trong ngày.

2.11.Chữa đái són, đau lưng

Tổ bọ ngựa cây dâu 30g, ba kích 30g, thạch hộc 20g, đỗ trọng 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, tán rây bột mịn, luyện với mật ong làm viên 6g. Ngày uống hai lần, mỗi lần 1 viên với ít rượu hâm nóng.

Hoặc dùng bài: Tổ bọ ngựa cây dâu 10g, liên tu 10g, kim anh 10g, sơn dược 12g, sắc uống làm hai lần trong ngày.

2.12.Chữa đái dầm

Tổ bọ ngựa, cây dâu 12g, đảng sâm 12g, phá cố chỉ 12g, ích trí nhân 8g, thỏ ty tử 8g, ba kích 8g. Sắc uống.

Trên đây là 12 bài thuốc từ cây dâu tằm xin giới thiệu bạn đọc tham khảo. 

Mời bạn xem thêm video:

Phát động chương trình truyền thông thường niên hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5.

DS Đỗ Bảo
Ý kiến của bạn