1. Công dụng của bạch chỉ
Bạch chỉ có tên khoa học Angelica dahurica Benth. et Hook. và Angelica anomala Lallem, thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
Tên thường gọi ở nước ta là bạch chỉ, bách chiểu, chỉ hương, cửu lý trúc căn, đỗ nhược, hòe hoàn, lan hòe… Bộ phận thường dùng là rễ cây phơi khô hoặc sấy khô.
Trong Đông y, bạch chỉ là vị thuốc có vị cay, tính ôn, quy vào 3 kinh Phế, Vị và Đại trường.
Vị dược liệu này có tác dụng kháng khuẩn giảm đau, tán hàn (trừ lạnh), tiêu mủ, trừ phong, giải độc, chỉ thống (làm cho hết đau nhức), hoạt huyết, táo thấp.
Do đó, bạch chỉ thường được chủ trị trong điều trị giảm đau, chữa nhức đầu, cảm mạo, hoa mắt, đau chân răng, đau mắt, các bệnh hậu sản, xích bạch đới (khí hư đới hạ ra nhiều), thông kinh nguyệt. Ngoài ra, bạch chỉ còn dùng làm thuốc cầm máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam.
Dùng ngoài, bạch chỉ có thể dùng chữa sưng vú, tràng nhạc (lao hạch), ghẻ lở, đỡ đau hút mủ.
Liều dùng thường từ 5 – 10g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột, chia làm nhiều lần uống, mỗi lần uống 1 – 2 g.
2. Một số bài thuốc chữa bệnh từ bạch chỉ
Theo BSNT. Hương Trà, Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội, một số bài thuốc có bạch chỉ dưới đây trị một số bệnh thường gặp:
- Trị đau đầu, cảm mạo: Bạch chỉ 12g, xuyên khung 4g, phòng phong 12g, khương hoạt 8g, hoàng cầm 8g, sài hồ 8g, kinh giới 8g, cam thảo 4g.
Cách dùng: Sắc uống cho ra mồ hôi thì thôi. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Trị đau đầu, đau nửa đầu do phong hàn: Dùng bài ' Xuyên khung trà điều tán' gồm bạch chỉ 4g, xuyên khung 8g, kinh giới 8g, bạc hà 16g, khương hoạt 4g, tế tân 2g, phòng phong 3g.
Cách dùng: Các vị tán bột. Ngày uống 24g, uống với nước trà, sau bữa ăn 1-2 giờ.
- Trị cảm mạo phong hàn: Phối hợp bạch chỉ, địa liền, cát căn lượng bằng nhau từ 10 – 12g.
Cách dùng: Dùng dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột, ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Dùng liên tục cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Hoặc: Bạch chỉ, xuyên khung với lượng bằng nhau, mỗi vị 10g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Nếu bào chế dạng bột, ngày uống 3 – 4 lần, mỗi lần 3 – 5g.
- Trị nóng sốt ở trem em: Nấu nước bạch chỉ, tắm thật nhanh cho trẻ ở nơi kín gió.
- Chữa chứng hôi miệng: Bạch chỉ 30g, xuyên khung 30g.
Cách dùng: Hai vị tán nhỏ, dùng mật viên bằng hạt ngô. Hằng ngày ngậm thuốc này. Mỗi ngày ngậm chừng 2-3 viên.
- Trị viêm mũi, đau răng, viêm dây thần kinh ở mặt: Phối hợp bạch chỉ, tân di, thương nhĩ tử mỗi vị 12g, bạc hà 6g.
Cách dùng: Bào chế dưới dạng bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 – 12g, uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng.
Ngoài ra, khi đau răng có thể lấy bột bạch chỉ chấm vào chỗ đau.
- Trị viêm tuyến vú ở giai đoạn đầu: Bạch chỉ, bối mẫu mỗi vị 6g, đương quy 9g, nhũ hương (chế) 4,5g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Dùng nhiều ngày đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Trị khí hư, bạch đới, đau bụng kinh: Bạch chỉ, ô tặc cốt, hương phụ tứ chế, mộc hương mỗi vị 10g.
Cách dùng: Sắc uống trước khi có kinh 2-3 ngày, ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Uống nhiều ngày, nhiều đợt tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Trị mụn nhọt sưng đỏ: Bạch chỉ phối hợp với kim ngân hoa, liên kiều, bồ công anh, lượng bằng nhau 10-12g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Ngoài ra, còn dùng bạch chỉ trị rắn cắn.
- Trị đau vùng trán: Dùng bài 'Hoàn đô lương' gồm bạch chỉ nghiền bột mịn, làm thành hoàn.
Cách dùng: Mỗi lần uống 6-12g, chiêu với nước.
- Trị viêm mũi gây đau đầu: ạch chỉ 12g, thương nhĩ 12g, tân di 12g, bạc hà 6g.
Cách dùng: Tất cả tán thành bột. Mỗi lần uống 6-12g, chiêu với nước.
- Trị đau do sưng lợi răng: Kinh giới 12g, phòng phong 12g, bạch chỉ 12g, thạch cao sống 20g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
3. Lưu ý khi dùng bạch chỉ
Một số đối tượng không nên dùng bạch chỉ như:
- Những người dị ứng với các thành phần của bạch chỉ.
- Người có thể trạng âm hư hỏa vượng, huyết nhiệt.
- Không dùng cho những người đang bị dị ứng ngứa.
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hay cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Các bài thuốc trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh cần được tư vấn và chỉ định dùng thuốc của các bác sĩ Y học cổ truyền.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bạch chỉ: Vị thuốc chuyên trị các chứng đau.