11 yếu tố gây vô sinh - các cặp đôi hiếm muộn cần lưu ý

22-07-2023 09:46 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Nếu cặp vợ chồng đang cố gắng có thai nhưng không thành công, cần tìm hiểu kỹ những nguyên nhân gây vô sinh, bao gồm sự rụng trứng không đều, các vấn đề về cấu trúc trong hệ thống sinh sản, số lượng tinh trùng thấp, các vấn đề y tế tiềm ẩn hoặc đơn giản là không đủ cố gắng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó trên toàn cầu. Mặc dù vô sinh có thể có các triệu chứng như kinh nguyệt không đều hoặc đau bụng kinh dữ dội, nhưng hầu hết các nguyên nhân gây vô sinh đều thầm lặng. Ví dụ vô sinh nam hiếm khi có triệu chứng. Dưới đây là 11 lý do có thể khiến cặp vợ chồng khó thụ thai.

1. Không cố gắng đủ lâu

Hầu hết các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn đều cảm thấy như mình đã cố gắng rất nhiều nhưng nhiều cặp vợ chồng không thụ thai ngay lập tức sau khi kết hôn và có quan hệ tình dục. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, đa số các cặp đôi sẽ thụ thai thành công sau 3 tháng lên kế hoạch nếu quan hệ tình dục đều đặn và đúng thời điểm. Tuy nhiên, thời gian này sẽ kéo dài hơn do những tác nhân bên ngoài như tuổi tác, môi trường nghề nghiệp, các thói quen xấu của vợ chồng.

Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay cả khi không có triệu chứng của vấn đề sinh sản nếu:

  • Bạn từ 35 tuổi trở lên và đã cố gắng ít nhất 6 tháng.
  • Bạn dưới 35 tuổi và đã cố gắng ít nhất 1 năm.

2. Không rụng trứng

Quá trình thụ thai của con người cần có trứng và tinh trùng. Không rụng trứng là một nguyên nhân phổ biến của vô sinh nữ. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một trong những nguyên nhân gây tình trạng không rụng trứng. Các nguyên nhân khác bao gồm thừa cân hoặc thiếu cân, suy buồng trứng nguyên phát, rối loạn chức năng tuyến giáp,...

11 yếu tố là lý do gây vô sinh các cặp đôi hiếm muộn cần lưu ý - Ảnh 2.

Xác suất thụ thai ở nữ giới phụ thuộc vào việc có rụng trứng hay không cũng như chất lượng trứng.

3. Vô sinh nam

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trong 100 cặp vợ chồng vô sinh, có 40% do vợ, 30% do chồng, do cả hai là 20% và 10% không rõ nguyên nhân.

Vô sinh nam hiếm khi có các triệu chứng có thể quan sát được nếu không được thăm khám và làm các xét nghiệm cụ thể, gồm xét nghiệm đo lường sức khỏe của tinh dịch và tinh trùng.

4. Vô sinh do tuổi tác

Phụ nữ sau 35 tuổi sẽ mất nhiều thời gian hơn để mang thai. Nhiều người cho rằng nếu họ vẫn có kinh nguyệt đều đặn thì khả năng sinh sản của họ vẫn ổn, nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Phụ nữ được sinh ra với số lượng trứng hạn chế. Khi đến năm 30 tuổi, trứng sẽ bắt đầu giảm về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, trứng của phụ nữ lớn tuổi không được thụ tinh dễ dàng như trứng của phụ nữ trẻ. Độ tuổi lý tưởng nhất để sinh con là từ 22 - 35 đối với phụ nữ khỏe mạnh.

5. Tắc ống dẫn trứng

Theo BSCKII Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản & Nam học, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, vòi trứng (vòi tử cung) là bộ phận sinh sản quan trọng của người phụ nữ bên cạnh buồng trứng và tử cung. Vòi trứng nối thông từ buồng tử cung đến buồng trứng, đây là con đường tinh trùng bơi lên để thụ tinh với trứng. Trong trường hợp vì lý do nào đó khiến ống dẫn trứng bị tắc khiến trứng và tinh trùng không đến được với nhau thì sẽ rất khó để mang thai, thậm chí là vô sinh.

6. Lạc nội mạc tử cung

Theo Hướng dẫn Điều trị Quốc gia năm 2019, tỷ lệ mắc lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ Việt Nam hiện nay là 10%, tức cứ 10 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản sẽ có một người phải chịu đựng căn bệnh này và nhiều trường hợp mắc bệnh đến 7 - 10 năm mới được phát hiện. Người ta ước tính rằng có tới 50% những người bị lạc nội mạc tử cung sẽ gặp khó khăn khi muốn thụ thai.

7. Các vấn đề y tế tiềm ẩn

Các vấn đề y tế tiềm ẩn có thể dẫn đến vô sinh nam và nữ. Ví dụ, mất cân bằng tuyến giáp hoặc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán dễ gây vô sinh. Một số bệnh tự miễn dịch như Lupus cũng có thể gây vô sinh. Mặc dù cơ chế chưa được hiểu rõ nhưng các tình trạng sức khỏe tâm thần như lo lắng quá mức và trầm cảm cũng có liên quan đến việc khó thụ thai.

Ngoài ra, các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) không được chẩn đoán cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây vô sinh. Theo ThS.BS. Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi bị viêm nhiễm phụ khoa kéo dài mạn tính thì chị em cần đi khám sớm để tìm nguyên nhân và điều trị dứt điểm.

8. Một số loại thuốc điều trị

Một số loại thuốc điều trị bệnh được kê toa cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng người sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm sẽ khó mang thai hơn.

Nếu bạn lo lắng rằng một loại thuốc được kê đơn có thể cản trở việc mang thai, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

9. Yếu tố lối sống

BS. Phan Chí Thành cho biết, có những thói quen xấu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Lối sống là nguyên nhân thường gặp nhất ở nam giới vô sinh.

Theo BS. Thành, hiện nay, do lối sống ít vận động, nhiều nam giới thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó thói quen hút thuốc lá, thuốc lào và thuốc lá điện tử cũng làm ảnh hưởng tới sự thụ thai.

Thừa cân hoặc thiếu cân đáng kể cũng được biết là làm gián đoạn khả năng sinh sản. Tập thể dục quá mức hoặc không tập thể dục cũng có thể gây ra vấn đề khó mang thai.

11 yếu tố là lý do gây vô sinh - các cặp đôi hiếm muộn cần lưu ý - Ảnh 5.

Chậm mang thai do nhiều nguyên nhân.

10. Căng thẳng, lo lắng quá mức

Cuộc sống với căng thẳng cực độ hoặc lo lắng quá mức, trải qua chấn thương hoặc mất ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác có thể làm giảm khả năng sinh sản. Cũng theo ThS.BS. Phan Chí Thành, các cặp vợ chồng hiếm muộn rất dễ xảy ra mâu thuẫn, stress. Từ đó dẫn đến việc ít quan hệ, quan hệ ít thăng hoa và làm giảm khả năng mang thai.

11. Vô sinh không rõ nguyên nhân

Có nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh không rõ nguyên nhân khi các bác sĩ đã thực hiện đủ các bước thăm khám lâm sàng cũng như làm các xét nghiệm cần thiết mà vẫn chưa phát hiện ra lý do không thụ thai được. Nhiều bác sĩ đưa ra quan điểm rằng thực sự không có cái gọi là vô sinh không rõ nguyên nhân mà chỉ có những vấn đề chưa được phát hiện hoặc chưa được chẩn đoán.

Cách tốt nhất để biết mình có vấn đề về khả năng sinh sản hay không là tham khảo ý kiến của bác sĩ sản phụ khoa/nam khoa. Với các trường hợp cố gắng mang thai lần đầu, sau sảy thai, hoặc phụ nữ đã từng mang thai nhưng gặp khó khăn trong việc thụ thai, đều cần được bác sĩ thăm khám để đánh giá về các vấn đề sinh sản và điều trị. Càng sớm tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ sớm, các phương pháp điều trị sinh sản càng có hiệu quả.

Những điều cần lưu ý khi đi khám vô sinh hiếm muộnNhững điều cần lưu ý khi đi khám vô sinh hiếm muộn

SKĐS - Rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng kết hôn một thời gian dài, quan hệ tình dục bình thường nhưng người vợ vẫn chưa mang thai. Lúc này, cả hai mới đi khám và đa số phát hiện bất thường. Vậy thời điểm nào nên đi khám vô sinh hiếm muộn và cần khám những gì?

Xem thêm video đang được quan tâm

3 loại hải sản đàn ông nên ăn để tăng cường sinh lực.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn