Bệnh vảy nến biểu hiện không giống nhau trên từng cá thể. Nó có những đợt bùng phát và những kỳ nghỉ dài ngắn khác nhau. Các tác nhân gây bùng phát bệnh cũng tác động không như nhau tùy từng người bệnh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, có 11 tác nhân thường gây kích hoạt bệnh vảy nến đang trong thời kỳ yên ổn, bao gồm:
Căng thẳng
Căng thẳng có thể khiến bùng phát các triệu chứng của bệnh. Căng thẳng, stress luôn xuất hiện trong cuộc sống của đa số chúng ta. Các cách để giảm căng thẳng, giảm stress được đề xuất có thể là tăng cường tập thể dục, thiền hoặc hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia, bạn bè, người thân.
Thuốc
Một số loại thuốc có liên quan tới bùng phát vảy nến, như thuốc chống sốt rét (plaquenil hoặc chloroquine), một số thuốc truyền thống được cho là có tác dụng hạ huyết áp, oindomethacin, lithium, quinidine. Đáng ngại là thuốc có thể không khiến bệnh vảy nến bùng phát ngay lập tức. Các triệu chứng có thể xuất hiện vài tuần sau khi người bệnh bắt đầu dùng thuốc. Hơn nữa, những loại thuốc này thường là thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, nếu người bệnh ngừng dùng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế việc ngưng dùng thuốc phải do bác sĩ quyết định giữa lợi ích điều trị và tác dụng phụ.
Tình trạng viêm
Người bệnh có thể bùng phát bệnh vảy nến sau 2 đến 6 tuần bị viêm nhiễm. Do tình trạng viêm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, mà bệnh vảy nến thường có liên quan chặt chẽ với hệ thống miễn dịch. Các tình trạng viêm có thể gây bệnh vảy nến bao gồm: viêm họng liên cầu khuẩn, viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm trùng tai...
Tổn thương da
Bệnh vảy nến có nhiều khả năng ảnh hưởng khi người bệnh bị thương. Những tổn thương như vậy có thể bao gồm: Vết cắt, vết bầm tím hoặc vết trầy xước; Côn trùng cắn, đốt; Tiêm chủng; Cháy nắng... Điều trị sớm tổn thương có thể tăng tốc độ chữa lành và tránh bùng phát bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến cũng có thể không xảy ra ngay lập tức nhưng có thể xuất hiện từ 10 - 14 ngày sau khi da bị tổn thương.
Bị tổn thương da do côn trùng đốt có thể làm bùng phát bệnh vảy nến.
Hút thuốc
Hút thuốc có hại cho sức khỏe và thuốc lá có thể gây ra bệnh vảy nến. Hút thuốc cũng có thể làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc dùng để điều trị viêm khớp vảy nến. Ngoài ra, thuốc lá còn được coi là làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến trong một số nghiên cứu.
Rượu
Uống rượu có thể ảnh hưởng tới tác dụng của một số loại thuốc điều trị bệnh vảy nến, chẳng hạn như methotrexate - một loại thuốc để điều trị viêm khớp vảy nến. Vì thế, tránh uống rượu hoặc uống ít là một biện pháp giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng bệnh vảy nến của mình.
Tăng cân
Nghiên cứu gần đây đã xem xét mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và chế độ ăn uống. Phát hiện chính là những người mắc bệnh vảy nến và thừa cân có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh. Vì thế, nếu người bệnh bị thừa cân nên tìm cách giảm cân về số cân khỏe mạnh. Điều này sẽ cải thiện các triệu chứng của bệnh vảy nến theo thời gian.
Ăn kiêng
Theo các nghiên cứu, một số người mắc bệnh vảy nến có sự cải thiện sau khi bỏ rượu, loại bỏ gluten và cà chua, khoai tây và cà tím ra khỏi thực đơn. Những người trong nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, việc bổ sung rau xanh và vitamin D đã cải thiện các triệu chứng của họ. Một số người tuân theo chế độ ăn chay hoặc chế độ ăn Địa Trung Hải có thể cải thiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên điều này không giống nhau ở tất cả bệnh nhân. Vì thế, người bệnh vảy nến nên ghi chép lại tác động của từng loại thực phẩm đối với triệu chứng bệnh của mình để điều chỉnh thích hợp.
Thay đổi nội tiết
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy sự thay đổi nồng độ hormone ở nữ giới có thể gây ra các triệu chứng bệnh. Bệnh vảy nến bùng phát có xu hướng xảy ra vào những thời điểm mà mức độ của một số hormone thấp, chẳng hạn như ở tuổi dậy thì, mãn kinh và sau khi sinh. Các triệu chứng bệnh vảy nến có thể cải thiện trong thai kỳ khi một số mức độ hormone cao hơn.
Thời tiết
Yếu tố thời tiết, nhiệt độ có thể kích hoạt bệnh vảy nến. Bảo vệ da trong thời tiết lạnh hoặc khô, sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà... có thể giúp giảm bớt triệu chứng bệnh. Thời tiết nóng hoặc phơi nắng cũng có thể gây bùng nổ triệu chứng bệnh ở một số người.
Hình xăm và xỏ khuyên
Bệnh vảy nến có thể phát triển ngay sau khi người bệnh xăm hoặc xỏ khuyên vì vết thương trên da. Vì lý do này, một người bị bệnh vảy nến nên tránh xăm trên da hoặc xỏ khuyên làm da bị tổn thương.
Các yếu tố kích hoạt trên có tác động cụ thể khác nhau ở mỗi người. Bước đầu tiên là tìm ra nguyên nhân gây ra bùng phát các triệu chứng của bệnh, và sau đó thực hiện các bước để hạn chế, phòng tránh chúng.
Người bệnh nên ghi lại về các đợt bùng phát triệu chứng, và cố gắng phát hiện ra nguyên nhân kích hoạt có thể giúp ích cho việc ngăn ngừa, giảm số lượng các đợt bùng phát bệnh vảy nến mà họ gặp phải.
Giữ cho da được ẩm có thể giúp kiểm soát các cơn bùng phát bệnh vẩy nến và ngăn ngừa một số khó chịu. Sử dụng nước ấm thay vì nước nóng để tắm có thể giúp giảm kích ứng da.