Hà Nội

11 món ăn, bài thuốc hỗ trợ điều trị liệt sau đột quỵ não

SKĐS - Đột quỵ não là bệnh lý hay gặp, thường khởi phát đột ngột. Tỷ lệ bệnh nhân liệt nửa người sau đột quỵ rất cao. Việc hồi phục cho người bệnh cần kết hợp nhiều phương pháp, trong đó có món ăn, bài thuốc...

1.Một số phương pháp điều trị liệt nửa người do đột quỵ não

Do người bệnh đột quỵ não thường bị liệt chân tay nên các khớp ít vận động hoặc không thể vận động được, để một vài tuần sẽ dẫn tới teo cơ, khớp cứng, lúc đó vận động rất khó khăn, đau khớp và thậm trí không vận động được. Như vậy để điều trị tốt nhất cho đột quỵ nói chung, liệt chân tay nói riêng cần phải đồng bộ điều trị phục hồi vùng tế bào não bị tổn thương bằng cách:

-Điều trị bằng thuốc giúp phục hồi sức khỏe nhanh, dự phòng bệnh tái phát.

-Phục hồi chức năng tập luyện xoa bóp, bấm huyệt để phòng tránh các biến chứng sớm như loét điểm tỳ, viêm phổi-phế quản, viêm đường tiết niệu do nằm lâu một tư thế; và các biến chứng muộn là tránh cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ

-Bên cạnh việc dùng thuốc, kết hợp sử dụng các món ăn bài thuốc giúp lưu thông khí huyết, thông kinh hoạt lạc, kích thích ngược hệ thần kinh góp phần phục hồi liệt.

Thường bệnh phục hồi khá tốt trong 3 tháng đầu, phục hồi chậm hơn 3 tháng tiếp theo, ngoài 6 tháng ra thì phục hồi rất chậm. 

Đột quỵ não có quá trình phục hồi bệnh chậm và lâu dài. Nếu người bệnh được kết hợp điều trị khoa học và phù hợp sẽ hạn chế được tối đa di chứng và biến chứng sau đột quỵ não.

2. Món ăn bài thuốc kết hợp điều trị liệt sau đột quỵ

Trường hợp liệt mềm nửa người, hình thể béo trệ, mệt mỏi như mất sức, ăn kém, chậm tiêu, sắc mặt vàng nhợt, nói khó, có hội chứng rối loạn lipid máu

Dùng 1 trong số món ăn bài thuốc sau:

Bài 1: Ý dĩ, bạch biển đậu, hoài sơn mỗi thứ 30 g, củ cải trắng 60 g, gạo tẻ 60 g.

photo-1653208082623

 Củ cải rửa sạch, cắt miếng, đem nấu với ý dĩ, bạch biển đậu, hoài sơn và gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, 7 ngày là một liệu trình. 

Công dụng: Kiện tỳ, trừ thấp.

Bài 2: Nhân sâm 10 g, rau hẹ 12 g, trứng gà bỏ lòng đỏ 1 quả, gạo tẻ 50 g. 

Nhân sâm thái vụn, sắc kỹ lấy nước rồi cho gạo tẻ vào ninh thành cháo, khi chín bỏ lòng trắng trứng và rau hẹ vào, chế thêm gia vị, ăn nóng. 

Công dụng: ích khí, trừ đàm.

Bài 3: Trám tươi 500 g, uất kim 250 g, bột minh phàn 100 g, bạch cương tàm 100 g, mật ong lượng vừa đủ. 

Trám đập nát, bạch cương tàm tán vụn. Trám và uất kim sắc kỹ với 1 lít nước trong 1 giờ rồi lọc lấy nước thứ nhất, lại cho tiếp 500 ml nước sắc cô lấy nước thứ hai. Hòa hai nước với nhau, cô lửa nhỏ cho đến khi còn 500 ml rồi cho bột cương tàm, bột minh phàn và mật ong vào cô thành cao, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 ml.

 Công dụng: trừ phong, hóa đàm, khai kết.

* Trường hợp bị bệnh lâu ngày, liệt bại hoặc tê bì nửa người, cơ thể mỏi mệt, ăn uống kém, sắc mặt trắng nhợt, hay vã mồ hôi, có những điểm ứ huyết, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn to

Dùng 1 trong số món ăn bài thuốc sau:

Bài 4: Đẳng sâm 15 g, đương quy 15 g, lươn 500 g. Các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng; lươn làm sạch, cắt khúc. Tất cả cho vào nồi cùng với các gia vị như hành củ, gừng tươi... rồi hầm lửa nhỏ chừng 1 giờ cho nhừ. Nêm đủ mắm, muối, chia ăn vài lần trong ngày, thường 2 ngày làm 1 lần, 15 lần là một liệu trình. 

Công dụng: Ích khí hoạt huyết, thông kinh lạc.

Bài 5: Đẳng sâm, đào nhân, trà mạn mỗi thứ 15 g, sấy khô, tán vụn, trộn đều, mỗi lần lấy 3 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống trong ngày.

 Công dụng: Bổ khí, hoạt huyết, hóa ứ, thông kinh mạch.

photo-1653208087891

Vị thuốc hoàng kỳ

Bài 6: Tôm nõn 200 g, hoàng kỳ 50 g. Hoàng kỳ sắc kỹ lấy nước rồi cho tôm nõn vào nấu thành canh, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày. 

Công dụng: ích khí, thông kinh, hoạt lạc.

Bài 7: Hoàng kỳ 100 g, địa long khô (tẩm rượu) 30 g, hồng hoa 20 g, xích thược 20 g, đương quy 50 g, xuyên khung 10 g, đào nhân (bỏ vỏ và đầu nhọn, sao qua) 15 g, bột ngô 400 g, bột mì 100 g, đường trắng lượng vừa đủ. 

Hoàng kỳ, hồng hoa, đương quy, xích thược và xuyên khung đem sắc kỹ lấy nước. Địa long tán thành bột, trộn đều với đường trắng, bột ngô và bột mì rồi cho nước vào nhào kỹ, nặn thành những chiếc bánh nhỏ, đặt đào nhân lên trên, bỏ vào lò nướng chín là được, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 2 cái.

 Công dụng: Ích khí hoạt huyết, thông kinh lạc.

* Trường hợp liệt nửa người, gân mạch co quắp, duỗi khớp khó khăn, tai ù tai điếc, tinh thần trì trệ, quên nhiều, đại tiện không thông

Dùng 1 trong số món ăn bài thuốc sau:

Bài 8: Hoàng kỳ 30 g, đại táo 10 quả, đương quy 10 g, kỷ tử 10 g, thịt lợn nạc 100 g. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng. Các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi hầm cùng với thịt lợn thật nhừ, bỏ bã hoàng kỳ và đương quy, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, có thể dùng liên tục trong 1 tháng. 

Công dụng: Tư bổ can thận, ích khí.

Bài 9: Đỗ trọng 30 g, ngưu tất 15 g, xương sống lợn 500 g, đại táo 4 quả. Đại táo bỏ hạt, đỗ trọng và ngưu tất rửa sạch, xương lợn chặt miếng, trần qua nước sôi cho hết huyết dịch, tất cả cho vào nồi hầm kỹ chừng 2-3 giờ, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày. 

Công dụng: Bổ can thận, làm mạnh gân cốt.

Bài 10: Kỷ tử 30 g, thận dê 1 quả, thịt dê 50 g, gạo tẻ 50 g. Thận dê và thịt dê rửa sạch, thái miếng, cho vào nồi cùng với kỷ tử và gạo tẻ ninh thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. 

Công dụng: Bổ can thận, thông mạch.

Bài 11: Kỷ tử 30 g, cúc hoa 10 g. Hai thứ hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống trong ngày.

 Công dụng: Tư âm bổ thận, giáng áp, dùng làm nước uống hằng ngày cho bệnh nhân bị di chứng sau đột quỵ.

Mời bạn xem thêm video:

Bỉ cách ly 21 ngày với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; Anh bắt đầu triển khai tiêm vaccine | SKĐS

ThS. BS Xuân Mai
Ý kiến của bạn