11 mẹo xoa dịu chứng ợ nóng sau khi ăn

19-08-2021 15:01 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rất nhiều người thường xuyên bị ợ chua, nóng rát vùng thượng vị sau khi ăn gây khó chịu. Có nhiều bước làm dịu dạ dày, giảm thiểu chứng ợ nóng mà bạn có thể thử trước khi đi khám.

Ợ nóng xảy ra khá phổ biến và không gây nguy hiểm.

Ợ chua, cảm giác nóng rát khó chịu tỏa ra giữa ngực, là chứng bệnh tiêu hóa thường gặp nhất. Các triệu chứng bao gồm cảm giác nóng bỏng ở giữa ngực, có vị đắng hoặc chua trong miệng. Cơn đau thường nặng hơn sau khi ăn, vào buổi tối hoặc khi nằm hay cúi xuống.

Đó là hậu quả của một tình trạng được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), thường được gọi là trào ngược axit, trong đó axit dạ dày rò rỉ từ dạ dày lên thực quản.

Ợ nóng xảy ra khá phổ biến và không gây nguy hiểm. Hầu hết mọi người có thể tự kiểm soát sự khó chịu của chứng ợ nóng bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc trị trào ngược.

May mắn thay, một số mẹo dưới đây có thể giúp làm dịu các triệu chứng của bạn và ngăn ngừa các vấn đề lớn hơn sau này.

Chia nhỏ bữa ăn của bạn

Nên ăn thành các bữa nhỏ hơn, nhưng thường xuyên hơn. Khi dạ dày no căng sẽ tạo áp lực lên cơ thắt thực quản dưới (LES), một cơ giống như van giữ cho axit trong dạ dày không trào ngược lên thực quản.

Hãy thử ăn 4-5 bữa ăn nhỏ thay vì 2 hoặc 3 bữa lớn.

Ăn một cách chậm rãi, thoải mái

Nhanh chóng tiêu thụ hết thức ăn sẽ làm đầy dạ dày của bạn nhanh hơn, gây áp lực nhiều hơn lên cơ thắt thực quản. Vì vậy, hãy ăn chậm, nhai kỹ và thoải mái trong bữa ăn.

11 mẹo xoa dịu chứng ợ nóng sau khi ăn - Ảnh 2.

Chứng ợ nóng tuy không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người bệnh.

Giữ tư thế thẳng lưng sau bữa ăn

Sau khi ăn không nên đi nằm ngay. Nằm xuống làm tăng áp lực lên cơ thắt thực quản, khiến axit dễ trào ngược hơn.

Tránh bữa tối quá khuya

Không nên ăn tối ít hơn 2-3 giờ trước khi đi ngủ. Một bữa ăn trong vòng 3 giờ trước khi ngủ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược và ợ chua. Hãy dành đủ thời gian cho dạ dày tiêu hóa hết thức ăn.

Không tập thể dục ngay sau bữa ăn

Thường mất 2-4 giờ để thức ăn di chuyển hoàn toàn từ dạ dày đến ruột non của bạn.

Mặc dù thường không cần thiết phải đợi đến khi thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn trước khi tập thể dục, nhưng tốt nhất bạn nên tập sau ăn 1-2 giờ.

Nâng cao phần trên cơ thể

Nâng thân của bạn lên một chút với đệm giúp làm giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới và có thể làm dịu chứng ợ nóng vào ban đêm. Nên sử dụng nệm y tế. Đừng chỉ kê đầu và vai bằng gối, điều này thực sự có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược.

Loại bỏ đồ uống có ga

Đồ uống có ga gây ra chứng ợ hơi, thúc đẩy quá trình trào ngược axit trong dạ dày.

Tránh các thực phẩm gây ợ nóng

Một số loại thực phẩm và đồ uống làm tăng tiết axit, làm chậm quá trình rỗng của dạ dày hoặc nới lỏng cơ thắt thực quản dưới - điều kiện tạo tiền đề cho chứng ợ nóng. Những thực phẩm phổ biến bao gồm thực phẩm nhiều chất béo, thức ăn cay, cà chua, tỏi, sữa, cà phê, trà, cola, bạc hà và socola.

Nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn

Nhai kẹo cao su giúp thúc đẩy quá trình tiết nước bọt, giúp trung hòa axit, làm dịu thực quản và rửa axit trở lại dạ dày. Tránh hương vị bạc hà, có thể gây ra chứng ợ nóng.

Kiểm tra thuốc của bạn

Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit hoặc viêm thực quản. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptyline làm lỏng cơ thắt thực quản dưới và các tetracycline như doxycycline có thể gây viêm thực quản.

Giảm cân nếu bạn thừa cân

Thừa cân gây áp lực nhiều hơn cho dạ dày và cơ thắt thực quản.

Nếu tình trạng ợ chua xảy ra thường xuyên hơn hoặc cản trở sinh hoạt hàng ngày của bạn có thể là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng hơn và cần được chăm sóc y tế.

Khi đã thay đổi thói quen ăn uống và các bước phòng ngừa khác mà không kiểm soát được chứng ợ nóng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về loại thuốc nào nên thử và khuyên bạn nên theo dõi thêm nếu cần.

Tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức nếu bạn bị đau hoặc tức ngực dữ dội, đặc biệt khi kết hợp với các dấu hiệu và triệu chứng khác như đau ở cánh tay hoặc hàm hoặc khó thở. Đau ngực có thể là triệu chứng của cơn đau tim.

Xem thêm video đang được quan tâm

Chế độ kiêng giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19.


Thiên Châu (Theo Health)
Ý kiến của bạn