Trước khi chọn mua bất kỳ sản phẩm sữa nào, bao gồm sữa và các chế phẩm của sữa, người tiêu dùng nên dành thời gian để đọc thông tin trên bao bì, đặc biệt là Bảng thông tin dinh dưỡng và thành phần sản phẩm. Việc đọc kỹ và hiểu thông tin trên bao bì sữa khi chọn sữa không chỉ bạn giúp tối ưu dinh dưỡng mà còn phòng ngừa các nguy cơ sức khỏe như béo phì, đái tháo đường, thiếu vi chất…
Dưới đây là những điểm cần lưu ý:
1. Tên sản phẩm
Ví dụ: "Sữa tiệt trùng ít đường", "Sữa đậu nành nguyên chất", "Sữa công thức dành cho trẻ từ 1–2 tuổi". Việc đọc tên sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng biết loại sữa, đặc tính nổi bật và đối tượng sử dụng.
2. Đọc thành phần cấu tạo khi chọn sữa
Trên nhãn sữa, danh sách thành phần thường được liệt kê theo thứ tự từ nhiều đến ít về khối lượng hoặc từ quan trọng đến ít quan trọng hơn. Cách đọc này giúp người tiêu dùng xác định được sữa chứa những chất gì, tỷ lệ ra sao và liệu có phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng hoặc tình trạng sức khỏe của bản thân hay không.

Có hàng trăm sản phẩm sữa khác nhau khiến người tiêu dùng băn khoăn không biết nên chọn sữa thế nào cho phù hợp.
3. Bảng giá trị dinh dưỡng (Nutrition facts)
Để đọc bảng giá trị dinh dưỡng một cách hiệu quả, trước tiên cần xác định kích thước khẩu phần và số khẩu phần trong mỗi hộp. Ví dụ, một hộp sữa có thể ghi: "Khẩu phần: 1 hộp (180ml)". Tiếp theo là phần năng lượng (calories), phản ánh lượng calo cung cấp từ một khẩu phần, thường dao động từ 100–150 kcal tùy theo loại sữa (nguyên kem, tách béo, có đường hay không đường).
Việc đọc bảng giá trị dinh dưỡng giúp so sánh và chọn sản phẩm theo nhu cầu một cách thích hợp (ví dụ: ít đường, giàu canxi...).
4. Đối tượng sử dụng
Khi lựa chọn sản phẩm sữa, việc đọc kỹ phần đối tượng sử dụng được ghi trên nhãn là rất quan trọng nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe của người dùng. Để đọc đúng, người tiêu dùng cần xác định rõ mục đích sử dụng sản phẩm (cho trẻ em, người trưởng thành, người bệnh, hay vận động viên…) và so sánh với chỉ định trên bao bì.
Việc nắm rõ đối tượng sử dụng không chỉ giúp tránh các tác dụng phụ không mong muốn (như tiêu chảy do không dung nạp lactose ở người lớn uống sữa trẻ em), mà còn tối ưu hóa hiệu quả của sữa trong việc bổ sung dinh dưỡng.
5. Cảnh báo dị ứng
Khi lựa chọn và sử dụng sữa, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người có cơ địa dị ứng hoặc hệ miễn dịch yếu, việc đọc kỹ phần thông tin cảnh báo dị ứng là vô cùng quan trọng để phòng tránh các phản ứng nguy hiểm.
Thông tin dị ứng không chỉ dành cho người có tiền sử dị ứng thực phẩm mà còn quan trọng đối với cha mẹ có con nhỏ, người chăm sóc bệnh nhân hoặc người đang trong quá trình phục hồi sức khỏe. Bỏ qua phần này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nếu sản phẩm sữa được dùng hàng ngày hoặc trong chế độ ăn đặc biệt.
6. Hướng dẫn sử dụng
Hướng dẫn sử dụng thường nằm gần phần mô tả sản phẩm hoặc bên cạnh bảng giá trị dinh dưỡng và bao gồm các nội dung như: Liều lượng khuyến nghị, cách pha (đối với sữa bột), nhiệt độ bảo quản, cách dùng, và thời gian sử dụng sau khi mở nắp.
Ngoài ra, một số sản phẩm còn ghi rõ lượng dùng khuyến nghị theo độ tuổi hoặc tình trạng sức khỏe. Đây là yếu tố quan trọng giúp tránh lạm dụng sản phẩm, đặc biệt với các loại sữa có bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc năng lượng cao.
7. Ngày sản xuất và hạn sử dụng
Khi lựa chọn và sử dụng sữa, ngày sản xuất (NSX) và hạn sử dụng (HSD) thường được in rõ ràng trên bao bì, bao gồm cả ngày, tháng, năm và có thể ghi theo dạng "dd/mm/yyyy" hoặc "yyyy/mm/dd" tùy theo quy chuẩn của nhà sản xuất. Để đọc chính xác, người tiêu dùng cần xác định vị trí của NSX và HSD trên sản phẩm, thường nằm ở mặt trên, đáy hộp, hoặc dập nổi gần mép bao bì.
Việc hiểu đúng ý nghĩa của NSX và HSD giúp người tiêu dùng tránh dùng sản phẩm đã hết hạn, điều có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, giảm giá trị dinh dưỡng, thậm chí nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, chọn sản phẩm có NSX gần thời điểm mua cũng giúp đảm bảo độ tươi mới và hàm lượng dưỡng chất còn nguyên vẹn.
8. Quy cách đóng gói
Quy cách đóng gói là phần thông tin giúp người tiêu dùng hiểu rõ dung tích, khối lượng và hình thức đóng gói của sản phẩm sữa, từ đó lựa chọn loại phù hợp với nhu cầu sử dụng và mục đích bảo quản. Thông tin này thường được in rõ trên bao bì, bên cạnh tên sản phẩm hoặc gần vị trí ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. Việc đọc đúng quy cách đóng gói bắt đầu từ việc xác định: Sản phẩm là sữa nước hay sữa bột, đóng chai, hộp giấy, túi nhôm hay lon thiếc và khối lượng hoặc thể tích tương ứng.
Ý nghĩa của thông tin quy cách đóng gói không chỉ nằm ở việc giúp người tiêu dùng tính toán số lượng cần mua, mà còn ảnh hưởng đến việc bảo quản, vận chuyển và chi phí.

Nên đọc kỹ và hiểu thông tin trên bao bì sữa khi chọn sữa.
9. Thông tin nhà sản xuất/phân phối
Thông tin về nhà sản xuất và nhà phân phối thường được in ở mặt sau hoặc mặt bên của sản phẩm, gần phần mã vạch, ngày sản xuất hoặc dưới mục "Thông tin liên hệ". Những thông tin này cho biết ai là đơn vị chịu trách nhiệm chính về chất lượng sản phẩm, ai là đơn vị nhập khẩu hoặc phân phối trên thị trường nội địa. Điều này đặc biệt quan trọng khi người tiêu dùng cần liên hệ khi gặp vấn đề về sản phẩm như sữa bị hỏng, đóng cặn, thay đổi mùi vị, hay cần xác minh xuất xứ thật – giả. Ngoài ra, thông tin nhà sản xuất cũng phản ánh công nghệ, tiêu chuẩn vệ sinh – an toàn thực phẩm, vì nhiều công ty sẽ ghi kèm các chứng nhận như ISO, HACCP, GMP, Organic, Halal…
Đối với các sản phẩm nhập khẩu, thông tin nhà sản xuất còn giúp người tiêu dùng xác định quốc gia sản xuất, từ đó hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn chất lượng và thời gian vận chuyển. Với người tiêu dùng cẩn trọng, họ có thể tìm hiểu thêm về lịch sử, uy tín và đánh giá của công ty để đưa ra quyết định mua sắm sáng suốt.
10. Mã số, mã vạch sản phẩm
Mã số và mã vạch sản phẩm thường bao gồm một chuỗi ký tự và số, được in rõ trên bao bì gần tên sản phẩm hoặc mã vạch, dùng để phân biệt từng loại sản phẩm trong hệ thống bán lẻ.
Ý nghĩa của mã số và mã vạch không chỉ giúp nhận diện nhanh chóng, mà còn có thể liên quan đến kiểm tra chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.
11. Tiêu chuẩn chất lượng
Tiêu chuẩn chất lượng của sữa thường được in trên bao bì sữa hoặc ghi rõ trong phần thông tin kỹ thuật của sản phẩm. Để đọc và hiểu đúng các tiêu chuẩn chất lượng, người tiêu dùng cần chú ý đến các chứng nhận và dấu hiệu kiểm định như ISO, HACCP, GMP, Halal, Kosher, hoặc các biểu tượng chứng nhận hữu cơ (Organic).
Một số loại sữa có thể có thêm chứng nhận hữu cơ (organic), không GMO, chứng nhận Halal, logo dinh dưỡng quốc gia...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường- Người dùng đối mặt với nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng - SKĐS