Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ xuất hiện cơn hen và tỷ lệ nhập viện do cơn hen nặng của bệnh hen suyễn tăng vọt vào những tháng nhiệt độ thấp và trời nồm ẩm.
Nguyên nhân gây ra cơn hen suyễn ở người bệnh vào mùa lạnh thường là 2 thách thức sau: Một là họ dành nhiều thời gian ở trong phòng đóng kín; Hai là đi ra ngoài có nhiệt độ thấp. Khi luôn ở trong nhà với phòng đóng kín, người bệnh có nguy cơ hít thở các yếu tố dễ gây cơn hen như nấm mốc, lông vật nuôi, bụi, khói lò sưởi, khói bếp và khói thuốc lá nếu có người hút thuốc ở trong nhà. Còn khi đi ra khỏi nhà, người bệnh lại đối mặt với cuộc tấn công của không khí lạnh. Không khí lạnh khô làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn. Để phòng ngừa hen suyễn trong thời tiết lạnh, người bệnh nên thực hiện theo những lời khuyên dưới đây:
Rửa tay đúng cách và thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng và nước là một trong những cách đơn giản nhất và tốt nhất để tránh lây lan cảm cúm và các virut khác. Đối với trẻ em, việc rửa tay càng quan trọng hơn để giảm thiểu các cơ hội lây nhiễm mầm bệnh ở môi trường xung quanh. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Kiểm tra định kỳ bệnh hen suyễn. Ảnh: TM
Tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi: Người lớn, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm để phòng ngừa nhiễm virut cúm. Bởi trên một cơ địa đang mắc hen suyễn, nếu bị cúm, có thể làm khởi phát đợt cấp hen suyễn và làm cho các triệu chứng hen suyễn nặng hơn. Ngoài ra, việc chích ngừa viêm phổi để giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng cần thiết vì viêm phổi do phế cầu là ví dụ về một biến chứng liên quan đến cúm nặng có thể gây tử vong.
Đừng ngồi bên lò sưởi, tránh khói thuốc lá: Khi thời tiết lạnh, cảm giác ngồi bên đống lửa bập bùng thật tuyệt vời và ấm cúng, nhưng nó không “tuyệt vời” cho bệnh hen suyễn của bạn. Khói từ việc đốt than, củi, khói dầu hỏa, nến thơm, khói hương đều có hại với bệnh hen suyễn, trong đó nguy hiểm nhất là khói thuốc lá. Ngoài ra, bởi vì chúng ta thường đóng kín cửa sổ khi trời lạnh, các loại khói quanh quẩn trong nhà có thể làm nặng thêm bệnh hen suyễn.
Che kín miệng và tránh hít thở không khí lạnh: Có thể dùng khẩu trang, khăn len che mũi miệng khi ra ngoài trời lạnh để tránh hít thở không khí lạnh dễ bị bệnh hô hấp, nhiễm virut... là các yếu tố làm dễ tái phát bệnh hen suyễn đang mắc phải. Cách thở đúng là hít thở bằng mũi, không thở bằng miệng, nhất là khi ra ngoài trời lạnh.
Vệ sinh bộ lọc hệ thống sưởi ấm nhà và vệ sinh nhà cửa: Nếu sử dụng hệ thống sưởi ấm, cần lưu ý rằng điều hòa sưởi ấm có thể đẩy bụi và chất bẩn lưu cữu vào không khí trong nhà, đặc biệt là khi lần đầu tiên tái sử dụng vào mùa đông. Do đó, cần làm sạch và kiểm tra các bộ lọc định kỳ trong suốt mùa nóng để tránh các bụi bẩn tồn đọng làm khởi phát đợt cấp hen suyễn vào mùa đông. Ngoài ra, cần giữ nhiệt độ và độ ẩm trong nhà ở mức cho phép. Chú ý vệ sinh nhà cửa và tạo môi trường thông thoáng, hạn chế bụi nhà, lông súc vật và ẩm mốc.
Tập thể dục trong nhà: Không nên ra ngoài đường trong thời tiết lạnh. Tốt nhất là duy trì đi bộ 30 phút/ngày trong nhà kín và ấm hoặc chọn những môn phù hợp để tập trong nhà như dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền. Tập thể dục giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cơ thể trong những ngày trời lạnh và giúp chức năng hô hấp làm việc tốt.
Làm nóng người trước khi ra khỏi nhà: Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người bị bệnh hen suyễn hồi phục nhanh hơn và có chức năng phổi tốt hơn sau khi tập thể dục làm người nóng lên. Điều này khá quan trọng trước khi làm việc ngoài trời, đặc biệt là vào mùa đông, nên khởi động 20 phút trên máy chạy bộ hoặc tập thể dục tại chỗ trước khi đi ra ngoài trời trong thời tiết giá lạnh.
Ăn uống đủ chất và tránh mất nước: Chọn các món ăn theo chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ hướng dẫn, tránh các thực phẩm gây dị ứng và làm khởi phát cơn hen. Uống 6-8 ly nước ấm hàng ngày, người lớn tuổi cần uống nhiều lần trong ngày. Không uống cà phê hay rượu vì dễ làm mất nước cơ thể. Bù đủ nước để luôn làm ẩm đường thở và long đờm dễ hơn.
Thực hiện các bước để ngăn chặn bùng phát bệnh hen suyễn: Dùng một liều thuốc dự phòng bệnh hen suyễn trước khi đi ra ngoài, cho dù là tập thể dục, đi bộ hoặc đi công việc; tất nhiên thuốc và liều dùng phải được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn trước đó. Người bệnh có thể dùng thuốc giãn phế quản ít nhất nửa giờ trước khi đi ra ngoài trong cái lạnh. Liều thuốc dự phòng sẽ giúp thông đường thở và cung cấp một sự bảo vệ phòng hen suyễn cần thiết.
Có một kế hoạch hành động phòng ngừa hen suyễn: Người bệnh luôn luôn cần biết phải làm gì nếu các triệu chứng hen suyễn bùng phát. Kế hoạch hành động bao gồm làm thế nào để kiểm soát hen suyễn của bạn về lâu dài và phải làm gì nếu có một cơn cấp của bệnh hen suyễn xuất hiện. Theo dõi sát các triệu chứng hen suyễn: Nếu có các triệu chứng cảnh báo nguy cơ khó thở, cần tự xử trí ngay trong giai đoạn sớm theo hướng dẫn của bác sĩ đã tư vấn trước đó. Ví dụ: sử dụng bơm xịt giãn phế quản với liều lượng hướng dẫn. Tự nhận biết các triệu chứng nặng để gọi ngay bác sĩ và nhập viện khi cần.
Kiểm tra định kỳ bệnh hen suyễn: Làm việc với bác sĩ để xây dựng một kế hoạch điều trị hiệu quả và thường xuyên được khám kiểm tra. Điều quan trọng là làm đúng theo kế hoạch điều trị. Đừng để một công việc bận rộn khiến bạn bỏ qua kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu thấy các triệu chứng hen suyễn của mình xấu đi do thời tiết lạnh, hãy nói chuyện với bác sĩ để duy trì hay thay đổi điều trị.
Giữ cho bệnh hen suyễn nằm trong vòng kiểm soát có thể đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, mất công sức nhiều hơn một chút, nhưng các khuyến cáo mang tính chiến lược này sẽ giúp người bệnh hen suyễn đi qua những ngày giao mùa mà không làm tồi tệ thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn sẵn có.