Hà Nội

11 bệnh nhân nặng trong vụ cháy Carina đã được cứu sống ngoạn mục thế nào?

09-05-2018 12:27 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - 11 người nhập viện với đường hô hấp đã ám đen muội than, trong đó một trường hợp đã hôn mê, thế nhưng sau 6 tuần điều trị, toàn bộ bệnh nhân đã được cứu sống. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy gọi đó là 6 tuần cân não với rất nhiều sáng kiến lần đầu tiên được áp dụng điều trị.

6 tuần " cân não" cứu  bệnh nhân thoát cửa tử!

Hơn một tháng sau khi tiếp nhận điều trị các nạn nhân trong vụ cháy chung cư gây chấn động dư luận, những ngày đầu tháng 5, các thầy thuốc của BV Chợ Rẫy vừa có cuộc họp rút kinh nghiệm.  Theo nhận xét tóm tắt, thành công có được trong việc điều trị, ngoài sự phối hợp chuyên nghiệp của các chuyên khoa, còn do nhiều sáng kiến lần đầu được áp dụng. Đây được xem là một trải nghiệm quý báu trong công tác cấp cứu thảm họa.

Kể lại đêm kinh hoàng 23/3, Ths.BS Phạm Thị Vân Thanh, khoa Nội soi, người trực tiếp nội soi giải phóng bụi than trong đường hô hấp của các nạn nhân cho biết, chưa bao giờ lượng bệnh nhân bỏng lại cùng lúc nhập viện nhiều như thế. 18 người cứ lần lượt được đưa đến, ai cũng đen nhẻm khói bụi, trong đó hơn 10 người bị bỏng hô hấp nghiêm trọng. Đặc biệt trong đó có bệnh nhân P.L.T.N 30 tuổi, toàn thân đen nhẻm khói bụi và đã hôn mê sâu từ trước khi được đưa vào.

Trước tình huống người bệnh có nguy cơ ngừng thở do ngạt đường hô hấp, BS Thanh đã cùng các đồng nghiệp khẩn trương nội soi giải phóng muội than, việc làm này được đáng giá cao trong buổi họp rút kinh nghiệm, bởi lẽ đó là bước quan trọng đầu tiên, giúp các nạn nhân thoát suy hô hấp nhờ thông thoáng đường thở.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm hỏi bệnh nhân trong vụ cháy chung cư Carina

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm hỏi bệnh nhân trong vụ cháy chung cư Carina


“Thật không thể tin được. Một số người nằm trên băng ca vẫn thở ra luồng khói đen kịt. Hình ảnh qua camera nội soi ghi nhận toàn bộ đường thở của các bệnh nhân đặc quánh khói, bụi và cát mịn. Chúng tôi phải mất hơn 6 giờ liên tục để làm thông thoáng đường thở trước khi các đồng nghiệp ở khoa Cấp cứu đặt nội khí quản”, BS Thanh nói.

Sau khi sàng lọc tại khoa Cấp cứu, 3 trường hợp nặng đã được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, cả 3 đều thở máy, các bệnh nhân cũng tiếp tục được nội soi hô hấp bởi niêm mạc đường thở bong tróc cùng các khối xuất huyết niêm mạc gây tắc nghẽn.

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức tích cực, cho biết, dù người bệnh đã được nội soi giải phóng muội than, nhưng trước tình trạng suy hô hấp vẫn rất nặng. “Trong tình huống còn nước còn tát, chúng tôi đã lập tức xem lại các nghiên cứu gần đây và quyết định lần đầu thực hiện việc làm ẩm tích cực đường thở bằng xông khí dung, phun chất loãng đàm và chống đông làm thông thoáng hô hấp. May mắn thay, kết quả đã ngoài cả sự mong đợi. Sau khi xông chất làm loãng đàm và chất chống đông, tình trạng suy hô hấp của các bệnh nhân cải thiện rõ rệt”, BS Đại nói.

Cũng trong quá trình điều trị cho các nạn nhân bỏng nặng, trước tình huống người bệnh luôn phải đối diện với nguy cơ tắc nghẽn đường thở, dưới sự chỉ đạo của PGS.TS.BS Trần Minh Trường, Phó giám đốc bệnh viện, các bệnh nhân đã được lập tức mở khí quản. Cách làm này vừa giúp cải thiện hô hấp, vừa thuận tiện hơn trong việc hút bụi bẩn còn sót lại trong đường hô hấp. Việc tránh làm tổn thương đường thở đã được các bác sĩ cân nhắc.

“Một số trường hợp bỏng nặng phải nội soi lại được chúng tôi soi bằng ống rất mềm, dù vậy chúng tôi vẫn không nội soi quá nhiều lần để tránh gây tổn thương thêm nữa. Ngoài ra, bằng kinh nghiệm điều trị, chúng tôi cũng giúp nhau phân biệt sự khác nhau của biểu hiện tái tạo niêm mạc với triệu chứng ung mủ do nhiễm trùng. Sự phân biệt này giúp tránh tác động nhầm vào niêm mạc đang nhạy cảm của đường thở”, BS Trường nói.

Đánh giá thành công trong cấp cứu thảm họa cho các bệnh nhân, ngoài nổ lực chữa trị chuyên môn, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng công tác hỗ trợ tinh thần cũng giữ một vai trò hết sức quan trọng bởi nhiều nạn nhân còn bị mất mát cả người thân.

Trong số các nạn nhân đến cấp cứu, L.P.T.N là người được quan tâm đặc biệt bởi anh có vợ con và em trai tử vong trong vụ cháy. Để giúp bệnh nhân tránh stress tâm lý có thể gây rối loạn tâm thần hoặc có những hành vi tiêu cực, các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới - nơi có kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh nhân bị biến cố tâm lý, đã phải cẩn trọng từng câu nói khi giao tiếp với người bệnh, đồng thời mời các bác sĩ tư vấn tâm lý từ các bệnh viện khác đến hỗ trợ điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân vụ cháy Carina tại BV Chợ Rẫy

Chăm sóc bệnh nhân vụ cháy Carina tại BV Chợ Rẫy

“Chúng tôi phải gợi dần các thông tin về người thân để bệnh nhân chuẩn bị tâm lý. Riêng ngày công bố sự thật, chúng tôi đã phải tính toán để tiên lượng hết những tình huống xấu có thể xảy ra. Bệnh nhân cũng bị sốc khá nặng nhưng nhờ sự phối hợp an ủi của gia đình và các chuyên gia, sau hai tuần được chăm sóc, đến nay sức khỏe tinh thần của bệnh nhân đã dần ổn định. Việc điều trị thành công cho bệnh nhân L.P.T.N cũng là một trong những kinh nghiệm quý báu trong cấp cứu thảm họa”, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới nói.

Và những kinh nghiệm sống còn

Đánh giá thành công của việc điều trị cho các bệnh nhân vụ cháy chung cư Carina, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho rằng, việc tham gia cứu chữa người bệnh trong các thảm họa nói chung và trong vụ cháy Carina nói riêng không chỉ là công việc của một chuyên khoa mà sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Ban đầu là khoa Cấp cứu, đến Nội soi, Hồi sức cấp cứu, Tai Mũi Họng, Nội Hô hấp, Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh Nhiệt Đới.

“Việc điều phối để tập trung cứu chữa người bệnh là rất quan trọng, bởi nó không phải là nhiệm vụ của riêng một chuyên khoa nào. Trong vụ cháy Carina, BV Chợ Rẫy đã cử PGS BS Trần Minh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện - đại diện Ban Giám đốc tiến hành các buổi hội chẩn, phân loại điều trị cũng như tiếp nhận bệnh nhân từ đơn vị này đến đơn vị khác…đã góp phần thành công cho quá trình điều trị cho bệnh nhân. Minh chứng rõ nét nhất là trường hợp của bệnh nhân L. P.T.N, một nạn nhân cận kề cửa tử đã được hồi sinh sau ….ngày điều trị”, ông Sơn nói.

Riêng vấn đề hạn chế hậu quả từ thảm họa cháy nổ, theo BS Sơn, một trong những ưu tiên hàng đầu là sự cần thiết trong việc giáo dục, trang bị cho người dân sống tại các khu chung cư những biện pháp bảo vệ về mặt y tế khi có các thảm họa cháy, nổ xảy ra.

Cũng theo BS Sơn, trong y học hiện đại, việc phòng ngừa thảm họa cháy nổ không chỉ đơn thuần là phòng chống cháy nổ mà còn có thêm lực lượng cấp cứu tại chỗ. Trong lực lượng cấp cứu tại chỗ này nên có cả đội ngũ bác sĩ tâm lý. Nghĩa là khi thảm họa xảy ra, nạn nhân không chỉ được cấp cứu về thể chất mà còn được “cấp cứu” về mặt tinh thần, giúp bệnh nhân ổn định tinh thần trước khi nhập viện.

Đối với các đơn vị tiếp nhận bệnh nhân thảm họa, việc phối hợp, liên kết điều trị giữa các chuyên khoa là rất cần thiết. Thực tế tại B.V Chợ Rẫy cho thấy, các nạn nhân vụ cháy Carina được theo dõi liên tục để nội soi gắp các mảng mô bong, tróc (sau khi bị phỏng khí quản) cũng như xúc rửa bụi, khói…  đã được tiến hành thường xuyên. Chính nhờ việc liên kết, phối hợp này đã mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.

Giải quyết vấn đề tâm lý sau khi ổn định về mặt thể chất là điều quan trọng bởi bệnh nhân cần được chăm sóc tinh thần để có thể vượt qua những cú sốc khi đối diện với sự mất mát, đau thương… “Thời điểm này, các chuyên gia hay bác sĩ tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp bệnh nhân tránh được tình trạng trầm cảm, phòng ngừa những phản ứng tiêu cực người bệnh với chính bản thân và gia đình”, giám đốc BV Chợ Rẫy nói.


Bài và ảnh: Thiên Chương
Ý kiến của bạn