11 bài thuốc hay từ hoa đỗ quyên đỏ

24-04-2023 08:49 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS- Hoa đỗ quyên nở bung với nhiều sắc màu sặc sỡ là dấu hiệu báo mùa hè đang tới. Tuy nhiên, chỉ có hoa đỗ quyên đỏ mới được dùng làm thuốc trị bệnh.

Cây đỗ quyên thuộc chi đỗ quyên, họ thạch nam, danh pháp khoa học Rhododendron.

Đỗ quyên tên khác là thanh minh hoa, sơn trà hoa. Để an toàn, chỉ sử dụng loài đỗ quyên hoa đỏ làm thuốc. 

Hoa đỗ quyên có chất andromedotoxin tác dụng độc với con người, khi ngộ độc andromedotoxin gây loạn nhịp tim, nôn mửa, tụt huyết áp, choáng hô hấp khó khăn.

Hoa đỗ quyên xếp thành tán 2-6 đóa ở cành ngọn. Để dùng làm thuốc, hoa đỗ quyên được thu hái khi hoa đã nở, có thể dùng tươi, phơi trong bóng râm cho khô để dùng dần.

Y học cổ truyền cho rằng, hoa đỗ quyên vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, trừ đờm, giảm ho, khử phong thấp, giảm ngứa, chỉ huyết, hóa ứ cầm máu.

Bài thuốc từ hoa đỗ quyên:

1. Trị rong kinh: Hoa đỗ quyên 60g, sao với rượu rồi sắc uống.

2. Chữa chảy máu mũi: Hoa đỗ quyên 15g, rễ đỗ quyên 15g sắc nước uống.

3. Khí hư ra nhiều: Hoa đỗ quyên, móng giò lợn lượng vừa đủ, hầm nhừ làm canh ăn. Móng giò lợn rửa sạch, bổ đôi trần nước sôi để ráo. Hoa đỗ quyên bỏ nhị, rửa sạch để ráo. Cho tất cả vào nồi với 4 bát nước. Đun nhỏ lửa, nêm gia vị vừa ăn.

4. Kinh nguyệt không đều, thân thể khô gầy: Hoa đỗ quyên 5 bông, gan lợn 5 lạng, hành 1 củ, rượu ½ thìa, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Cho các nguyên liệu trên vào nồi, thêm khoảng 3 bát nước nấu sôi rồi nêm gia vị vừa ăn.

11 bài thuốc hay từ hoa đỗ quyên đỏ - Ảnh 2.

Hoa đỗ quyên đỏ có tác dụng chữa bệnh nhưng có chứa độc tố cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

5. Mệt mỏi, bồn chồn: Hoa đỗ quyên với hồng hoa, mỗi thứ 8g. Hãm uống với nước nóng.

6. Mề đay: Dùng 10g hoa đỗ quyên, 10g lá đỗ quyên, 10g ké đầu ngựa. Sắc lấy nước rửa ngoài, vị trí vùng da nổi mề đay.

7. Ngoại thương xuất huyết: Lấy một lượng vừa đủ hoa, lá đỗ quyên giã nát, đắp ngoài vết thương.

8. Chữa viêm phế quản mạn tính: Hoa đỗ quyên 60g đem ngâm với 500ml rượu trắng. Sau 10 ngày dùng được. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10ml.

9. Chữa phong thấp, chân tay tê yếu, suy nhược cơ thể: Hoa đỗ quyên tươi 12g, rễ kim anh 3g, rửa sạch, ngâm rượu uống. Chỉ dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ em.

10. Chữa rụng tóc: Hoa đỗ quyên 15g, cốt toái bổ 15g, sinh khương 10g, hà thủ ô 10g. Ngâm 1 lít rượu trong 7-10 ngày. Khi dùng lắc đều, dùng qua bông tẩm rượu, bôi vào vùng tóc rụng.

11. Trị nấm tóc: Lấy 60g hoa đỗ quyên, 30g hoa trẩu, phơi khô tán bột, trộn đều cùng dầu trẩu, bôi lên chỗ nấm bệnh.

Lưu ý: Trong cây hoa đỗ quyên có chứa một số độc tố, dù ăn phải một lượng nhỏ cũng gây ngộ độc với các biểu hiện: Chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đau đầu... Do đó để hoa đỗ quyên đỏ trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần được thăm khám và đánh giá từ các bác sĩ chuyên khoa.

Mời bạn xem tiếp video:

Bác sĩ hướng dẫn cách phòng ngừa ung thư | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Khoa Đông Y, Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống, Thanh Hóa
Ý kiến của bạn