1.000 tỷ lát đá vỉa hè: Ngân sách hạn hẹp chớ “vung tay quá trán“!

30-03-2016 19:13 | Xã hội
google news

1.000 tỷ đồng lát đá hoa cương vỉa hè TP HCM chỉ là 1 trong nhiều dự án gây tranh cãi không nhận được sự đồng thuận của dư luận trong thời gian qua


Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về việc TP.HCM đang xem xét dự án cả nghìn tỷ, chi cho việc lát đá hoa cương vỉa hè của 130 tuyến phố tại khu vực quận I- Quận trung tâm Thành phố.  Đây chỉ là một trong nhiều dự án gây tranh cãi, không nhận được sự đồng thuận của dư luận trong thời gian qua, như dự án lát đá vỉa hè, lọc nước Hồ Tây của Hà Nội trước đây, bên cạnh những dự án kiểu “tượng đài nghìn tỷ” ở các địa phương.

Thông tin về các chỉ tiêu kinh tế quý I năm nay do Tổng Cục thống kê vừa công bố cho thấy những điều không vui: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân tăng chậm, chỉ đạt 5,46%, thấp hơn nhiều so với mức 6,12% cùng kỳ năm ngoái. Ngân sách quý I có những khó khăn, do thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp, trong đó cũng có sự hụt đáng kể nguồn thu từ dầu thô do giá dầu thế giới giảm. Trong khi đó, chi ngân sách tăng mạnh hơn cho các hoạt động đầu tư phát triển, chi trả nợ và viện trợ. Bội chi đang là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Rõ ràng, bên cạnh các giải pháp tăng thu, thì kiểm soát chi là khâu cực kỳ quan trọng. Nhưng như đánh giá của nhiều đại biểu quốc hội: kỷ luật ngân sách lỏng lẻo, là nguyên nhân chính dẫn tới bội chi ngân sách vẫn ở mức cao, cho dù nguồn thu vẫn tăng đều hàng năm.

Ngân sách địa phương, hay Trung ương, chủ yếu từ tiền thuế của dân. Do vậy, người dân không thể chấp nhận chuyện đầu tư lãng phí, vượt quá khả năng ngân sách, rồi dẫn đến nợ nần, như con số nợ công “khủng” mà mỗi người Việt Nam chúng ta hiện đang phải gánh! Những tưởng chuyện lát đá vỉa hè, đầu tư tượng đài… chẳng liên quan gì đến nợ công quốc gia, nhưng rõ ràng là có!

Nếu mỗi đồng vốn ngân sách, được tính toán căn cơ, chắt chiu, dồn vào những dự án đầu tư trọng điểm, liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh, phát triển, thì đó là những đồng tiền được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, và còn tạo được những giá trị gia tăng, đóng góp cho quá trình phát triển. Còn những đồng tiền chi cho những dự án, công trình mượn danh dân sinh, phát triển, chỉ làm hao hụt nguồn lực quốc gia, không còn nguồn cho đầu tư phát triển.

Là quốc gia đang phát triển, việc vay nợ là chuyện đương nhiên. Một so sánh thế này: Nếu căn cơ, chúng ta chỉ cần đi vay 1 đồng, để phục vụ các mục tiêu phát triển. Nhưng nếu không biết thu vén, hay có những nơi, những chỗ cố tình “thu vén” cho cá nhân, nhóm lợi ích, qua những dự án “trời ơi” để tiêu tiền ngân sách, thì túi tiền quốc gia, địa phương lại càng thiếu hụt, lẽ ra chỉ cần vay 1 đồng, lại phải đi vay thêm 2 đồng, ba đồng, thậm chí 10 đồng. Nợ công tăng lên là điều dễ hiểu!

Lại nói về chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm nay, dự báo sẽ có nhiều khó khăn để đạt được tốc độ tăng trưởng như chỉ tiêu quốc hội thông qua là 6,7%, một số đại biểu quốc hội, chuyên gia kinh tế đã nhận định, quý I có khó khăn, nhưng tiềm năng chúng ta hoàn toàn có thể đạt, và vượt con số đó, nếu… !

Vâng, vấn đề là ở chữ “nếu”: Nếu có chính sách tốt, nếu quản lý tốt, nếu kiểm soát tốt… để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra từ các chủ trương, định hướng vô cùng đúng đắn trong Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020- tầm nhìn 2030.

Vậy nên, nếu không quyết liệt trong quản lý, để tồn tại, tiếp tục “ra lò” những dự án như kiểu tuyến buýt nhanh Hà Nội khởi công gần 3 năm vẫn chỉ có mấy nhà chờ hoang tàn, xuống cấp, nhiều dự án cấp nước sạch ở các địa phương không sử dụng được, chợ xây ra bỏ hoang, đường làm ra để trâu bò đi… mục đích dự án chỉ để tiêu tiền ngân sách, tiêu tiền kiểu “vung tay quá trán”, thì khả năng “Việt Nam không chịu phát triển” như cảnh báo của đại diện một định chế tài chính quốc tế lớn sẽ sớm trở thành hiện thực./.


Ý kiến của bạn