Từ ngày 8-11/10/2014, tại Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, Hội Đông máu - Huyết khối Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị Khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc và Hội nghị Đông máu – Huyết khối Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là Hội nghị được đánh giá là có quy mô lớn nhất và có chất lượng chuyên môn vượt trội so với các Hội nghị đã từng tổ chức trước đây. Với hơn 800 đại biểu trong nước và gần 200 chuyên gia quốc tế hàng đầu; hơn 150 bài báo cáo khoa học, chuyên luận trong nước và hơn 100 bài chuyên luận, đề tài khoa học của chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực Huyết học – Truyền máu và Đông máu – Huyết khối sẽ được trình bày. Hầu hết báo cáo tại Hội nghị bao trùm các chuyên khoa trong ngành như: miễn dịch, di truyền, sinh học phân tử, tế bào gốc, Thalassemia, truyền máu, huyết học, đông máu… Có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu như: Quy trình thu thập, xử lý, bảo quản tế bào gốc; Quy trình sàng lọc Thalassemia; Đột biến gen trong các bệnh về máu,...
Đặc biệt, có nhiều báo cáo, nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật trong điều trị các bệnh về máu như: tiến bộ trong liệu pháp chống đông máu; phương pháp điều trị mới bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch ở người lớn; tiến bộ trong đông máu và huyết khối; tương lai của điều trị bệnh Hemophilia; các rối loạn đông máu ở phụ nữ; các vấn đề về huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi…
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Trưởng ban tổ chức cho biết: “Huyết học – Truyền máu là lĩnh vực luôn thay đổi và được cập nhật từng ngày; có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều chuyên khoa sâu và các chuyên khoa liên quan đến cấp cứu. Các rối loạn đông máu thường gặp ở sản khoa/ngoại khoa, kỹ thuật ghép tạng, phẫu thuật tim hay tai nạn giao thông… đều cần đến sự hỗ trợ đắc lực của chuyên khoa này. Vì vậy Hội nghị này không chỉ có ý nghĩa với riêng ngành Huyết học – Truyền máu mà còn là cơ hội để các chuyên ngành liên quan cập nhật tiến bộ trong y học hiện đại – đặc biệt là tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị đông máu – tắc mạch”.
Chuyên ngành Huyết học – Truyền máu Việt Nam đang thể hiện sự thành công qua hợp tác quốc tế trong việc chẩn đoán, điều trị, ứng dụng các phác đồ điều trị khác nhau để điều trị thành công các bệnh về máu.
Bên lề Hội nghị là các hoạt động thu hút được nhiều sự quan tâm: Lễ tôn vinh các cán bộ có nhiều thành tích, đóng góp cho chuyên ngành Huyết học – Truyền máu, Lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” cho chuyên gia nước ngoài, triển lãm về các sản phẩm, trang thiết bị hỗ trợ điều trị các bệnh thuộc chuyên khoa Huyết học – Truyền máu, Đông máu – Huyết khối.
Hội nghị Khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc được tổ chức hai năm một lần. Hội nghị thu hút đông đảo cán bộ ngành y tế tham gia, là dịp để các cán bộ, chuyên gia gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và nhìn lại hoạt động chuyên môn Huyết học – Truyền máu trong cả nước, đóng góp thiết thực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Hội nghị Đông máu – Huyết khối Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng được tổ chức 2 năm một lần. Việt Nam là thành viên của Hội Huyết khối và Cầm máu Châu Á Thái Bình Dương, gọi tắt là APSTH (Asian Pacific Society on Thrombosis and Hemostasis) - một tổ chức phi lợi nhuận, là “sân chơi” khoa học dành cho các cán bộ nghiên cứu thuộc lĩnh vực Đông - Cầm máu nói riêng và chuyên ngành Huyết học – Truyền máu nói chung thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Năm nay, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị, kết hợp cùng Hội nghị Khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học không chỉ trong lĩnh vực Huyết học – Truyền máu, mà cả các lĩnh vực khác nhau của y học trong nước và quốc tế.
Dương Hải