Gọi là dịch cúm Tây Ban Nha không phải vì đại dịch này bắt đầu và hoành hành mạnh nhất ở Tây Ban Nha. Đơn giản chỉ vì Tây Ban Nha là quốc gia đưa ra lời cảnh báo đầu tiên về sự tàn phá của dịch cúm này.
Nguồn gốc virut cúm Tây Ban Nha
Để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc và độ nguy hiểm của loại virut cúm Tây Ban Nha này, Jeffrey Taubenberger - nhà virut học, Trưởng bộ phận nghiên cứu bệnh học phân tử tại Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ đã tiến hành nghiên cứu virut cúm Tây Ban Nha trong hơn 30 năm. Ông tiến hành nghiên cứu các mẫu chứa bệnh phẩm lưu giữ từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Những mẫu phẩm này được thu thập từ thi thể những người lính Mỹ đã chết vì đại dịch và cả những xác chết của thổ dân vùng Alaska được lưu giữ trong băng vĩnh cửu. Vào cuối những năm 1990, ông đã thành công trong việc sắp xếp những mảnh RNA vỡ trong xác những con virut cúm Tây Ban Nha và sắp xếp được thành 8 gene đầu tiên. Sau đó khoảng 1 thập kỷ, Taubenberger cùng đồng nghiệp tiếp tục hoàn thành 3 gene cuối cùng của 13.000 cặp bazơ trong bộ gene virut. Ông đã chuyển bộ gene của virut cúm Tây Ban Nha đến Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) để đưa vào tế bào tái tạo virut cúm Tây Ban Nha, làm sống lại nguyên nhân gây ra đại dịch cúm lấy đi hàng chục triệu sinh mạng người. Khi tiến hành thử nghiệm virut này trên chuột, virut cúm hồi sinh đã giết chết chuột chỉ trong vòng 3 - 5 ngày với những triệu chứng như những gì nó đã gây ra với con người vào đại dịch năm 1918.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cũng tìm tra câu trả lời: Cúm Tây Ban Nha thực chất là nhóm nhỏ của virut H1N1 bắt nguồn và lây nhiễm trên gia cầm. Thử nghiệm trên chuột cho thấy virut H1N1 gây ra cúm Tây Ban Nha vô cùng độc hại, chúng có thể sản sinh ra lượng virut gấp 39.000 lần các chủng cúm hiện nay. Khi lây nhiễm sang người, virut sẽ sinh sống trong nhiều loại tế bào phổi và phế quản dẫn đến nhiễm trùng. Và câu trả lời tại sao virut cúm lại khiến những người trong độ tuổi trẻ, khỏe mạnh tử vong nhiều hơn những người già, trẻ nhỏ, các nhà khoa học thử nghiệm trên khỉ nhiễm virut cúm Tây Ban Nha cho thấy những con khỉ này đã chết vì cơn bão cytokine - hệ miễn dịch phản ứng quá dữ dội, sản sinh quá nhiều tế bào bạch cầu và cytokine gây viêm chống lại virut, những tế bào bạch cầu này tấn công cả những tế bào khỏe mạnh và khiến người bệnh tử vong. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng do những người lớn tuổi đã từng tiếp xúc với chủng cúm H1N1 trước đó nên đã khiến hệ miễn dịch của họ phần nào thích ứng và có thể chống lại cúm Tây Ban Nha.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 được xem như một thảm họa toàn cầu.
Trong đại dịch 1918-1919, các nhà nghiên cứu đã cố gắng phát triển vắc-xin ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh này. Một số loại vắc -xin đã được thử nghiệm như với vi khuẩn Bacillus influenza (nay được gọi là Haemophilus influenzae) cũng như các chủng vi khuẩn phế cầu khuẩn, liên cầu, tụ cầu và vi khuẩn Moraxella catarrhalis. Tuy nhiên, những vắc-xin này không thể ngăn chặn được đại dịch.
Tiêm ngừa là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất
Trong 100 năm qua, kể từ năm 1918, đã có nhiều dịch cúm khác, mặc dù không gây tử vong cho nhiều người như cúm Tây Ban Nha: dịch cúm 1957-1958 giết chết khoảng 2 triệu người trên thế giới, Đại dịch 1968-1969 giết chết khoảng 1 triệu người hoặc hơn 12.000 người Mỹ thiệt mạng trong đại dịch H1N1 xảy ra 2009-2010. Nhưng không có dịch cúm nào gây thiệt hại về người nhiều như dịch cúm Tây Ban Nha bùng nổ vào năm 1918.
Dịch cúm theo mùa hàng năm gây ra khoảng 290.000 - 650.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong do dịch cúm gây ra ngày nay thấp hơn so với trước đây bởi: Vắc-xin có sẵn, việc chăm sóc sức khỏe và vệ sinh phòng dịch bệnh đã tốt hơn nhiều so với 1 thế kỷ trước, đồng thời các virut gây bệnh cúm theo mùa ít nguy hiểm hơn và ít có khả năng gây tử vong cho người nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, virut cúm có thể thay đổi từ năm này sang năm khác. Các chuyên gia tiếp tục lo lắng rằng một loại virut cúm mới có thể xuất hiện vào một ngày nào đó với khả năng tàn phá như những gì virut cúm Tây Ban Nha đã làm vào năm 1918.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng việc sử dụng vắc-xin cúm theo mùa ở châu Âu hiện có tỷ lệ thấp khiến hệ thống miễn dịch của người dân kém hơn và tăng nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay, ít hơn 1/3 số người cao tuổi được chủng ngừa ở 53 nước trong khu vực châu Âu. Theo TS. Zsuzsanna Jakab - Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO cho biết: “Chủng ngừa là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh do virut cúm gây ra. Tuy nhiên ngày nay, các báo cáo cho thấy tỷ lệ tiêm vắc-xin cúm đã giảm dần ở một số quốc gia trong khu vực châu Âu. Đây là mối quan ngại lớn nhất hiện nay đối với nhóm người dễ bị ảnh hưởng khi virut cúm tấn công”. Để lịch sử 100 năm trước không lặp lại, người dân cần tăng cường kiến thức về việc tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh.