100 năm Cách mạng Tháng Mười, nhớ bạn bè Nga

06-11-2017 08:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thật thú vị khi được tán gẫu với ông vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười. Nhưng trong cuộc trò chuyện này, chúng ta không bàn về cuộc cách mạng vĩ đại ấy nữa.

Xin dành việc lớn ấy cho các kênh truyền thông. Tôi chỉ muốn nghe chuyện những người bạn Nga của ông. Các thầy cô Nga thì ông kể rồi. Trên mạng vẫn lưu cuộc “gặp gỡ” của ông với các thầy cô Nga rất thú vị và cảm động. Bây giờ bạn đọc chỉ tò mò chuyện ông với các bạn Nga...

100 năm Cách mạng Tháng Mười, nhớ bạn bè NgaThật thú vị khi được trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa về những kỷ niệm thời sinh viên của ông trên đất nước Nga vĩ đại vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười (tác giả).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Người bạn Nga đầu tiên của tôi là anh bạn cùng phòng. Một người đàn ông to béo phục phịch với gương mặt rậm rịt râu ria, mang theo một chiếc va-li cũ nát đựng đầy sách. Những cuốn sách cũng cũ kỹ và bụi bặm như ông chủ của chúng. “Tôi là hàng xóm của anh. Ông Trưởng khoa Ngoại quốc bảo anh là Đại úy quân đội. Đúng không? Tôi cũng là Đại úy phục viên”. Anh bạn nói bằng một thứ tiếng nghe xèo xèo như rán tóp mỡ. Sau những lời ỗm oãm của anh, tôi lờ mờ hiểu rằng, anh cũng đã từng là một người lính, làm nghĩa vụ quốc tế đánh nhau ở Apganixtan và để lại trên vùng đất xa xôi ấy một nửa bàn chân trái, do giẫm phải mìn. Đó là Ivan Nôvitxki mà anh bảo là Ivan no whisky - nghĩa là Ivan không có rượu. Chúng tôi thân nhau khá nhanh. Có lẽ chính cái chất nông dân quê kiểng đã giúp chúng tôi sớm “bắt” nhau. Tôi ở sông Kinh Thầy; còn Ivan ở sông Đông. Anh là đồng hương của Mikhain Sôlôkhôp. Thành phố Rôxtôp trên sông Đông, quê anh có thể gọi là thành phố M. Sôlôkhôp. Ngay từ khi nhà văn còn sống, người ta đã dựng tượng ông bên bờ sông Đông, đã có cả một bảo tàng M.Sôlôkhôp do chính ông, ăn lương nhà nước, biên chế làm nhân viên hướng dẫn bảo tàng. Các phố, đại lộ và ga tàu điện ngầm trong thành phố đều mang tên các nhân vật của M.Sôlôkhôp, chứ không phải tên các danh nhân văn hóa hay các vị chính khách như ở các thành phố Nga khác. Ở đó có cả ga Grigôri. Nhà Ivan trên đại lộ Acxênhia. “Tiếc là bây giờ chẳng còn Acxênhia nữa - Ivan lầu bầu - Các cô gái sông Đông bây giờ nghiêm trang lắm, cứ như những cây cột điện mặc váy. Phụ nữ mà không lẳng lơ thì chán lắm, vì mất hết sự hấp dẫn”. Ivan như cái radio di động. Không cần biết ông bạn ấm ớ ở trên sao hỏa kia có nghe được mình hay không. Có khi nửa đêm, anh còn lôi tôi dậy, bắt nghe hàng loạt thơ mới. Anh viết lại nhiều. Mà viết được bài nào, anh cũng bắt tôi phải nghe. Có ngày, anh nhăn nhó với tôi: “Hôm nay đối với tớ, quả là một ngày xúi quẩy. Một ngày rất xấu vì tớ chỉ viết được... mười một bài thơ thôi”. Tôi tròn mắt kinh hãi. Còn anh thì lầu bầu đọc thơ. Anh đọc chậm. Thỉnh thoảng lại hỏi: “Cậu có hiểu không?”. Nếu thấy mặt tôi nghệt ra, anh lập tức lật từ điển. Ivan tra từ điển ma quái như một nhà ảo thuật. Anh chỉ lật một, hai nhát đã ra ngay được chữ cần tra. Đi dạo, hay ngồi trò chuyện với tôi, bao giờ anh cũng cặp kè bên nách cuốn từ điển nặng đến mấy ký. Tôi nghe thơ Ivan lâu thành quen, quen đến mức không cần từ điển cũng hiểu được hết. “Cậu viết khỏe thật - Tôi bảo - Ở Việt Nam, đến thi sĩ lớn cũng không thể viết nổi một ngày chục bài. Có người hàng tháng, thậm chí phải hàng năm mới viết được một bài. Ngày xúi quẩy mà cậu còn sản xuất được hơn chục bài thì cậu đúng là thiên tài. Nhưng thiên tài thì không nên đọc thơ, Ivan ạ, chỉ báo số lượng bài cho thiên hạ hãi thôi, chứ đừng đọc thơ nhá, vì thơ như thế này mà một ngày cậu viết được có mười một bài thì... ít quá”. Ivan cười hự hự, rồi dứ dứ nắm đấm lên trước trán tôi. Tôi cũng cười khụt khịt. Đúng là hai lão dở người. Có hôm Ivan lỉnh kỉnh khuân về bao nhiêu đồ ăn. Anh reo lên: “Tớ tìm được thơ cậu đây này. Có đúng là thơ cậu không?”. Rồi anh giơ lên đầu một cuốn sách mỏng dính, đen nhẻm, trông rất nhem nhuốc. Đúng là thơ tôi, tập “Bên cửa sổ máy bay” in ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, bằng tiếng Việt, thời còn bao cấp. Tôi rất kinh ngạc, làm sao Ivan có thể biết được đó là thơ tôi, khi ở trên bìa, ở khắp cuốn sách chẳng có một chữ Nga nào. “Tớ tìm được ở Hiệu sách Hữu nghị, phố Gorki đấy. Ở đó, có rất nhiều sách Việt Nam. Trông tên tác giả, tớ đoán là cậu. Tớ mua những chín côpêch cơ đấy”. “Tớ viết chật vật suốt mười năm mới được có chín côpêch, trị giá bằng một quả trứng gà loại ba... Trứng gà loại một thì một quả những mười hai côpếch cơ”. “Thế là quá đắt đấy. Tập thơ cậu bằng chín côpêch, chín côpêch mua được chín bao diêm. Mà chỉ một que diêm thôi cậu đã đốt được cả Matxcơva rồi. Thế thì có gì mà cậu phải quàng quạc như con quạ già mất tổ thế?”. Ivan khá hóm hỉnh và thông minh. Trong những cuộc tranh biện, anh luôn có những ý kiến bất ngờ. Những lúc rỗi, Ivan rất hay xem tướng cho bạn bè. “Thế còn tớ? - Tôi bảo - Cậu thấy tớ sao? Thử hé cánh cửa cho tớ lé mắt nhòm vào tương lai tí chút”. “Cậu ấy à? Thảm lắm!”. Ivan vớ cái bút dạ, vẽ khoanh tròn một củ hành tây, bên trên lòa xòa những lá, còn ở dưới thì lờ phờ mấy cái rễ xoăn xeo. “Đây chính là chân dung của cậu, khi cậu mới vào trường. Còn đây là khi cậu tốt nghiệp ra trường...”. Ivan xoay củ hành tây, chúc ngược đầu xuống. Rồi anh cười ầm lên. Gương mặt hoang vu rậm rịt của anh bỗng nhoe nhoét nước mắt. “Có đúng là cậu không nào? Khi vào trường, cậu là anh chàng tóc dài, râu ngắn, còn khi ra trường thì cậu chỉ có râu mà chẳng còn sợi tóc nào”. Điều Ivan nói, bây giờ mới chính thức thành hiện thực. Đúng là thảm thật!

- Nghe giang hồ đồn thổi, hồi học ở Nga, bạn cùng phòng có mang gái về ngủ, ông cũng không hé mắt. Theo ông, cái tâm lý hay nhòm qua lỗ khóa nhà người khác và “hạnh phúc của họ là bất hạnh của ta” ở người Việt Nam mình, nhất là dân miền Bắc mình, đáng thương hay đáng giận?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đó là điều ghê rợn, chứ không còn là chuyện thương hay giận nữa. Ở một số người Việt có một đức tính rất đáng sợ đó là sự vô cảm. Vô cảm trước nỗi đau của người khác nhưng lại tò mò, tọc mạch những chuyện riêng tư của người ta. Mình học được nhiều điều rất hay của thiên hạ. Có một đức tính mình thích nhất ở người Nga là chuyện đâu bỏ đó. Không chõ mũi vào nhà người khác, nếu ở đó không có gì liên quan đến mình. Ở nước Nga, một cặp tình nhân khỏa thân ôm nhau trong phòng, dù có mở toang cửa cũng chẳng ai nhìn, thậm chí mọi người còn tránh xa để không làm phiền họ. Nhiều cặp trai gái ôm nhau, hôn nhau trong toa tàu điện ngầm, có ai để ý đâu. Đấy là cõi riêng của họ. Chỉ có họ ngự trị. Nếu có người nhìn thì chỉ người Việt mình thôi. Đấy là một hành động rất man rợ mà chúng ta không tự biết. Chuyện bà hỏi là chuyện riêng của Ivan. Tại sao bà biết nhỉ? Ivan có cô bồ trẻ. Chàng cứ băn khoăn. Nếu cần phải có một phòng riêng thì người phải ra khỏi phòng là Ivan chứ không phải ta, vì ta là khách ngoại quốc. Ta bảo: Các bạn cứ thoải mái. Đừng quan tâm đến tớ làm gì. Mất vui. Thế là họ lên tiên. Còn mình nằm quay mặt vào tường và... đọc sách. Hai cái giường kê sát nhau. Nhưng đó là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt. Cả hai xứ sở đều tự do tuyệt đối. Nhưng cũng có một bài học rất hay của người Nga mà ta không học được. Sự kém cỏi này, làm ông bạn Ivan rất... khinh bỉ ta. Sự việc bắt đầu từ buổi Ximena tác phẩm của Nhina Rubacova, một cô bạn Nga rất đẹp. Thơ Nhina Rưbacova rất ngộ: “Những quả đồi khỏa thân - Nằm mê man như những người đàn bà - Trong lúc chúa trời đang táy máy”. Rồi “Những con quạ - Nhìn ta -  Bằng con mắt nghĩa địa - Sỏi đá rì rầm - Hiện tại của tôi là tương lai của bạn”. Thơ ấy không hề dở. Thậm chí còn hay là đằng khác. Nhưng bè bạn chê dữ quá. Chỉ có mỗi ta khen. Nhưng ta không khen thơ mà khen cô ấy đẹp. Ta còn nói với lũ đầu gấu đang xỉa xói cô ấy rằng: “Các bạn hãy nhìn lại đi. Có phải Natasa vừa bước từ trang sách của L.Tonxtoi ra không? Không! Natasa còn có vết chủng đậu mờ mờ ở cánh tay, còn nàng tiên cá này không có khuyết tật gì cả. Cái nhược điểm lớn nhất của Nhina là không có nhược điểm gì”. Mọi người vỗ tay còn cô bé mặt đỏ bừng rạng rỡ. Tưởng chỉ là chuyện vui. Ai ngờ tối ấy, Nhina gõ cửa phòng mình. Ivan giơ một ngón tay lên, làm một cử chỉ rất kỳ quặc, rồi anh bạn ôm chăn mền ra ngoài phòng. Mình chẳng hiểu gì cả. Đêm ấy, không thấy Ivan về. Mình lại thấy Nhina ôm chăn mền sang trải trên chiếc giường của Ivan. Rồi cô bé tắt điện trút bỏ quần áo chui vào chăn. Qua ánh sáng của ngọn đèn đường hắt qua cửa sổ, ta còn thấy lồ lộ một nàng Bạch Tuyết. Và đấy cũng là lần đầu tiên ta thấy vẻ đẹp thiên thần của phụ nữ. Vậy mà ta lại tưởng phòng cô bạn có khách, nên phải sang ngủ nhờ giường Ivan. Thế là hai đứa lại tiếp tục chõ miệng sang giường nhau chuyện trò. Rồi ta ngủ lúc nào chẳng biết nữa. Sáng hôm sau, Ivan “khinh bỉ” ta ra mặt: “Mày là một thằng nhà thơ rất tốt nhưng là một thằng đàn ông vô cùng tồi tệ. Kinh tởm. Mày không phải đàn ông”. Bây giờ, nghĩ lại, vẫn còn thấy bàng hoàng. Đúng là mình kinh tởm thật!


Song Yến (ghi)
Ý kiến của bạn