Hà Nội

100 lớp học dành cho người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ miễn phí

09-06-2017 10:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo một thống kê gần đây cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở mọi lứa tuổi. Hàng năm có khoảng 230.000 ca mắc đột quỵ mới và ước tính ngành y tế Việt Nam chi phí khoảng 48 triệu USD/năm.

Những hậu quả nặng nề do đột quỵ để lại không chỉ là nỗi khổ  của người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo đó, phục hồi chức năng cho người đột quỵ là nhu cầu luôn cần thiết để giúp người đột quỵ nhanh chóng hoà nhập cuộc sống và cộng đồng.

Theo PGS.TS Lương Tuấn Khanh – Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai), số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…
Đặc biệt, chỉ có 20-30% số bệnh nhân sau điều trị tự đi lại phục vụ bản thân, 20-50% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày, 15-25% bệnh nhân đột quỵ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Do đó, vấn đề phục hồi chức năng là bức thiết vì bệnh đột quỵ tăng nhưng ý thức cộng đồng thấp, nhiều bệnh nhân còn bị giữ lại cạo gió, chữa dân gian.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho hay, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ trong thời gian gần đây ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến các bệnh viện gần như luôn trong tình trạng quá tải.

PGS.Ngọc cũng phân tích, tại một số bệnh viện lớn, bệnh nhân bị đột quỵ đến điều trị rất đông, chẳng hạn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Cũng theo PGS. Ngọc, Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sau đột quỵ được phục hồi chức năng trở lại cộng đồng cao hơn những bệnh nhân không được phục hồi chức năng.

Một lớp hướng dẫn Phục hồi chức năng cho người nhà bệnh nhân tại BV Bạch Mai

Tổ chức Đột quỵ Thế giới khuyến cáo những phương pháp phục hồi chức năng cần được tiến hành bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát.

Trước thực trạng trên và với mong muốn  bệnh nhân đột quỵ sau điều trị giai đoạn cấp được tiếp cận với các phương pháp trị phục hồi chức năng một cách có hệ thống và bài bản, chương trình Avant ra đời nhằm chuẩn hóa hệ thống hóa việc phục hồi thần kinh sau đột quỵ thông qua các khóa đào tạo dành cho đối tượng tham gia là các bác sỹ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.

Dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Đột quỵ thế giới, Tổng hội y học Việt Nam và Hội phục Hồi chức năng Việt Nam triển khai chương trình phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ.

Chương trình này nằm trong chương trình hợp tác y tế giữa Việt Nam và Áo nhằm chuẩn hoá và hệ thống hoá việc phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ thông qua các khoá đào tạo dành cho đối tượng tham gia là các bác sĩ, kỹ thuật viên phuc hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân

Dự kiến sẽ có 100 khóa tập huấn dành cho các cán bộ y tế và 100 lớp học cho người nhà bệnh nhân diễn ra trong ba năm, từ 2017-2020.

Phát hiện và xử trí đột quỵ:

3 nghiệm pháp đơn giản phát hiện đột quỵ
- Yêu cầu bệnh nhân MỈM CƯỜI.
- Yêu cầu bệnh nhân NÓI một câu đơn giản: ví dụ như nói tên của người thân, đếm ngón tay…
- Yêu cầu bệnh nhân GIƠ TAY: yêu cầu giơ tay trái, giơ tay phải, giơ cả 2 tay.
3 bước xử trí đột quỵ
- Bước 1: Để bệnh nhân nằm ngửa.
- Bước 2: Gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn và bố trí ê kíp cấp cứu.
- Bước 3: Vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khi bác sĩ cho phép (vận chuyển bằng ô tô nhưng phải để bệnh nhân nằm ngửa).
3 điều không làm khi đột quỵ
- Không để bệnh nhân nằm nghiêng, co quắp, ngồi hay đi lại.
- Không tự ý vận chuyển bệnh nhân khi chưa có tư vấn của bác sĩ.
- Không chích máu ngón tay hay dái tai.
BS. Trần Văn Phúc


Tuệ Nguyên
Ý kiến của bạn