Chiều 17/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thực hiện quy trình để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Kết quả biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử cho thấy, có 461/461 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,44% trên tổng số ĐBQH), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Trước đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo đó, về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước (Điều 5): Đa số ý kiến các vị ĐBQH tán thành quy định tại Điều 5 nhằm phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Một số ý kiến tuy tán thành nhưng đề nghị chuyển sang quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
UBTVQH xin báo cáo như sau: việc quy định nội dung này trong Luật Tổ chức Quốc hội là xuất phát từ yêu cầu Luật Tổ chức Quốc hội phải phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan theo đúng quy định của Hiến pháp.
UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này trong dự thảo Luật và chỉnh lý các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 để bảo đảm phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị và thống nhất với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (các điều 66, 67 và 68a): Đa số ý kiến ĐBQH tán thành cách thức quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như trong dự thảo Luật. Một số ý kiến góp ý cụ thể về tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý các nội dung sau:
- Tiếp thu, chỉnh lý quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại Điều 67 theo hướng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc/Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
- Tiếp thu, chỉnh lý quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại Điều 68a. Đối với các ý kiến góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, UBTVQH xin được tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sẽ thông qua ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội.
- Về việc thành lập các Tiểu ban của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, UBTVQH nhận thấy việc thành lập các Tiểu ban để hoạt động thường xuyên hoặc theo từng công việc, dự án cụ thể là một trong những phương thức hoạt động của Hội đồng, Ủy ban, chứ không phải là cơ cấu tổ chức cứng của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Căn cứ vào Kết luận số 111/KL-TW của Bộ Chính trị, dự thảo Luật đã thể chế hóa các thành tố hợp thành cơ cấu tổ chức của Hội đồng, Ủy ban; còn việc thành lập Tiểu ban sẽ được quy định trong Nghị quyết của UBTVQH về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như một phương thức tổ chức công việc của các cơ quan này để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với cách thức quy định về các cơ quan của Quốc hội.
Về kỳ họp Quốc hội (Điều 90): Một số ý kiến ĐBQH đề nghị thay cụm từ "Quốc hội họp bất thường" tại khoản 2 Điều 90 thành "Quốc hội họp không thường lệ" hoặc Quốc hội có kỳ họp chuyên đề.
UBTVQH xin được tiếp thu ý kiến nêu trên để sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 90 và sửa kỹ thuật tại khoản 1, khoản 3 Điều 33, khoản 2 Điều 91, khoản 1 Điều 92 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng cụ thể hóa quy định về "Quốc hội họp bất thường" tại khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp.