100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe

09-12-2016 16:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới với mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đề án trên được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án sẽ thực hiện củng cố, hoàn thiện tổ chức của mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở.

Mạng lưới y tế cơ sở ngày một rộng khắp trên cả nước phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân              (Ảnh minh họa)

Trong đó, sẽ tổ chức thống nhất trong cả nước mô hình trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh phục hồi chức năng; các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh (nếu có) và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm y tế huyện.

Các trạm y tế xã phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên.

Đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, nâng mức hỗ trợ đối với người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế...

Liên quan đến công tác y tế cơ sở, phát biểu tại Hội thảo nâng cao chất lượng dịch vụ tuyến y tế cơ sở do Bộ Y tế tổ chức ngày 9-12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, y tế cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, đóng vai trò là nền tảng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân là giải quyết được ở tuyến cơ sở. Trong khi năng lực cung ứng dịch vụ các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, chưa được chuyển đổi kịp thời để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân dẫn đến quá tải một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, một số chuyên khoa, hệ thống y tế hoạt động không hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy, một trong những vấn đề hạn chế của y tế cơ sở đó là vấn đề cần phải tiếp tục bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ y tế tuyến cơ sở. Kiến thức và thực hành của tuyến dưới có những hạn chế. Tuy nhiên, nếu như họ được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và có mô hình hoạt động tốt thì họ đều có khả năng đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Tại hội thảo, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) đã công bố nghiên cứu điều tra cơ sở y tế tại 6 địa phương (gồm: Bình Định, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, khu vực nông thôn Hà Nội) về năng lực trong khai thác bệnh sử và khám bệnh của bác sĩ tuyến huyện và xã đối với 5 bệnh thường gặp (gồm: viêm phổi trẻ em, tiêu chảy trẻ em, lao, tăng huyết áp, đái tháo đường) chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, khả năng chẩn đoán đúng và chỉ định điều trị hợp lý còn rất hạn chế, nhất là bệnh viêm phổi trẻ em và tăng huyết áp (chiếm khoảng 50%). Trình độ học vấn của cán bộ y tế cũng có mối tương quan thuận với khả năng chẩn đoán, điều trị. Cán bộ y tế tuyến huyện có trình độ cao hơn tuyến xã.


Thái Bình
Ý kiến của bạn