100% đại biểu có mặt tại Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

16-11-2020 16:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 16/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). 100% đại biểu có mặt tại Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) gồm 2 điều, nhằm sửa đổi 15 điều và bãi bỏ 10 điều của luật hiện hành.

Luật bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Theo Luật mới thông qua, người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV được tư vấn, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV. Ưu tiên tiếp cận tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các đối tượng theo quy định.

Người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, do rủi ro của kỹ thuật y tế được tư vấn, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV và được hưởng các chế độ theo quy định.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết.

Đáng chú ý, Luật mới thông qua quy định người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định hiện hành.

Luật cũng quy định việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Theo Luật mới, các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kết quả biểu quyết

Việc thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hợp đồng với chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.

Luật mới cũng quy định các nhóm đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm: Người nhiễm HIV; Người sử dụng ma túy; Người bán dâm; Người có quan hệ tình dục đồng giới; Người chuyển đổi giới tính; Vợ, chồng và thành viên gia đình khác cùng sống chung với người nhiễm HIV; Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV; Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; Người di biến động; Phụ nữ mang thai; Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy, học sinh trường giáo dưỡng; Người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi…


Tuấn Dương
Ý kiến của bạn