100% chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi phát sinh

29-07-2024 14:58 | Xã hội

SKĐS - Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chất thải y tế được phân loại và lưu trữ trong các thùng chứa có màu sắc và biểu tượng theo quy định.

Chất thải y tế không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng và hệ sinh thái

Mỗi ngày, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương phát sinh khoảng 30kg chất thải y tế lây nhiễm sắc nhọn, 116,6 kg chất thải lây nhiễm không sắc nhọn và 1.860kg chất thải y tế thông thường. Với lượng chất thải phát sinh khá lớn, chỉ tính riêng chất thải lây nhiễm đã có khoảng 4.000 - 5.000kg/tháng - đây là một khối lượng đáng kể đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ và trách nhiệm cao".

Theo ông Nguyễn Viết Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Nội tiết Trung ương, lượng chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa tại Việt Nam đang gia tăng với tốc độ báo động. Điều này phần nào xuất phát từ yêu cầu sử dụng đồ dùng một lần trong y tế để đảm bảo an toàn và tránh lây nhiễm.

Các loại chất thải nhựa từ y tế bao gồm túi nilon, bao bì vật tư thiết bị y tế, dụng cụ đóng gói thuốc, hóa chất, găng tay, chai lọ thuốc,... Đặc tính khó phân hủy của nhựa, cùng với khả năng lây nhiễm cao, biến nó thành một thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe con người. Khi không được xử lý đúng cách, chất thải nhựa có thể giải phóng các chất độc như đi-ô-xin và furan khi đốt cháy, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

100% chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi phát sinh- Ảnh 1.

100% chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi phát sinh- Ảnh 2.

Chất thải y tế được phân loại và lưu trữ trong các thùng chứa có màu sắc và biểu tượng theo quy định.

Việc không phân loại và giảm thiểu chất thải y tế ngay tại nguồn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: Ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng nước và đất, cùng với những rủi ro về sức khỏe con người là những hệ lụy trực tiếp từ việc quản lý chất thải không đúng cách. Chất thải y tế chứa nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn tụ cầu, virus HIV, viêm gan B... có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở hoặc niêm mạc, đường hô hấp, và tiêu hóa.

Trước những thách thức này, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã ký cam kết với Bộ Y tế về việc phân loại chất thải y tế ngay tại nguồn. Theo đó, chất thải y tế được phân loại và lưu trữ trong các thùng chứa có màu sắc và biểu tượng theo quy định: Màu vàng: Chất thải lây nhiễm. Đối với chất thải lây nhiễm sắc nhọn phải được lưu chứa trong hộp hoặc thùng kháng thủng màu vàng; Màu đen: Chất thải nguy hại không lây nhiễm; Màu trắng: Chất thải tái chế; Màu xanh lá cây: Chất thải y tế thông thường.

Sau khi phân loại, chất thải được thu gom và chuyển đến khu vực lưu trữ tập trung để xử lý theo quy định.

Bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong môi trường y tế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã triển khai mô hình "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" nhằm tạo ra môi trường làm việc an toàn, cảnh quan sạch đẹp, hạn chế và ngăn ngừa nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Bà Phạm Thị Thúy - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, đoàn viên và người lao động, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường".

Các sáng kiến xanh hóa của bệnh viện bao gồm: Quản lý số hóa và áp dụng công nghệ 4.0: Bệnh viện hướng tới giảm thiểu sử dụng giấy tờ, thực hiện mua sắm xanh với các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi đựng chất thải bằng polyethylen, thay thế các hộp nhựa và thìa nhựa bằng inox, và sử dụng các chất tẩy rửa sinh học;

Sử dụng năng lượng tái tạo: Thay thế bóng đèn tiết kiệm điện, khuyến khích nhân viên tiết kiệm năng lượng và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên;

Mua sắm trang thiết bị thân thiện với môi trường: Khi xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị, bệnh viện đặt ra tiêu chí ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường như chụp phim X-quang kỹ thuật số, nhiệt kế điện tử, huyết áp điện tử;

Sử dụng các phương pháp làm sạch vật lý: Tiệt khuẩn bằng hơi nước, đèn tia cực tím thay thế cho phương pháp tiệt khuẩn hóa chất. Tái sử dụng quần áo phẫu thuật, dụng cụ phẫu thuật, và thùng đựng chất thải y tế.

100% chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi phát sinh- Ảnh 3.

Cán bộ, đoàn viên công đoàn Bệnh viện Nội tiết Trung ương tham gia vệ sinh môi trường.

Công đoàn Bệnh viện Nội tiết Trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh lao động. Bởi hơn ai hết, các cán bộ công đoàn hiểu rằng, đặc thù môi trường bệnh viện là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn và bệnh nghề nghiệp, đoàn viên và người lao động phải đối mặt với những thách thức như: tiếp xúc với nhiều tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như COVID-19, cúm gia cầm, cũng như các nguy cơ từ vật sắc nhọn đâm phải trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế...

Ngoài ra, việc quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải và chăm sóc vườn hoa công viên cũng đặt ra những thách thức riêng.

Baf Phạm Thị Thúy cho biết, công đoàn đã tham mưu cho Đảng ủy và Ban Giám đốc bệnh viện triển khai nhiều biện pháp cải thiện điều kiện làm việc và xây dựng môi trường làm việc an toàn như: Phát động phong trào và tổ chức trồng, chăm sóc cây xanh, bồn hoa, thiết kế các biển chỉ dẫn tại nơi làm việc. Bố trí thùng rác hợp vệ sinh không để rác thải ứ đọng...

Tham mưu với Ban Giám đốc đầu tư, sửa chữa trụ sở làm việc tại đơn vị, chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động như: "Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động", các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày môi trường thế giới; xây dựng quy chế khen thưởng về an toàn vệ sinh lao động; xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

Một trong những phong trào nổi bật là thi đua "5S" trong toàn bệnh viện: Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng. Phong trào này giúp tối ưu hóa không gian làm việc, đảm bảo vệ sinh, và khuyến khích nhân viên bảo vệ môi trường.


PV
Ý kiến của bạn