100% bệnh viện trung ương triển khai phần mềm quản lý bệnh viện

23-08-2016 14:04 | Thời sự
google news

SKĐS - TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế cho biết, đến nay có 100% bệnh viện tuyến trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện.

Hồ sơ y tế điện tử

Việc ứng dụng CNTT trong y tế được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý bệnh viện là một yêu cầu cấp bách nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý bệnh viện, thúc đẩy bệnh viện phát triển toàn diện, từng bước đáp ứng được yêu cầu về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Theo số liệu thống kê, đến nay có 100% bệnh viện tuyến trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. Các phần mềm này có thể kết xuất báo cáo phục vụ công tác giám định và thanh quyết toán BHYT. Tuy nhiên, các phần mềm này vẫn chưa có khả năng kết nối, liên thông và trao đổi thông tin với nhau. Nhằm giải quyết thực trạng này, Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống trao đổi bệnh án điện tử, hình thành một số hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

Công nghệ thông tin được kết nối đến trạm y tế xã

Đồng thời, Bộ Y tế đang thí điểm Dự án Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám, chữa bệnh giai đoạn 2011-2014, được triển khai tại Bộ Y tế và 6 bệnh viện. Trong dự án này, Bộ Y tế đã chú ý áp dụng tiêu chuẩn quốc tế HL7, nhằm đảm bảo khả năng kết nối, liên thông và trao đổi thông tin y tế giữa các phần mềm quản lý bệnh viện; việc áp dụng tiêu chuẩn kiến trúc tài liệu lâm sàng CDA phiên bản 2.0 trong việc tạo lập, lưu trữ, khai thác hồ sơ bệnh án chi tiết khi cần thiết.

Hồ sơ y tế điện tử là một hệ thống phần mềm có thể chứa thông tin về tiền sử y tế, ghi chú của bác sĩ, và các thông tin khác về sức khỏe của người bệnh như triệu chứng, chẩn đoán, thuốc được kê, kết quả xét nghiệm, dấu hiệu sinh tồn, tiêm chủng, các kết quả chẩn đoán hình ảnh (X-quang, MRI, CT, …). Những thông tin được lưu giữ theo phương thức điện tử này có thể được chia sẻ giữa những nhà cung cấp dịch vụ y tế khác nhau và phục vụ cho những mục đích khác nhau trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

Hoạt động về hồ sơ sức khỏe điện tử này được đưa vào trong nội dung của Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình năm 2015”.

Y tế từ xa

Bộ Y tế đã phê duyệt và đang tổ chức thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020, theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013. Đây là dự án có sử dụng những ưu thế của CNTT để kết nối các bệnh viện hạt nhân tuyến trên với các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới, phục vụ cho trao đổi thông tin, cho đào tạo, hội chẩn và tư vấn chuyên môn.

Thử nghiệm chẩn đoán hình ảnh từ xa qua hệ thống PACS của Viewsend (Nhật Bản) giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh; Giao ban trực tuyến giữa Bệnh viện Việt Đức với 9 bệnh viện vệ tinh (ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Khu vực Sơn Tây, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Quảng Ninh, và Lào Cai); v.v.

Ngoài ra một số hoạt động khác theo hướng này cũng đã và đang được triển khai như Nhóm công tác E-Telemedicine của VinaREN với TEIN2/APAN với 10 thành viên là các bệnh viện lớn.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị bệnh viện đã có những bước tiến tích cực. Nếu như trước đây việc xếp hàng và làm các thủ tục khám chữa bệnh mất rất nhiều thời gian của khách hàng, đôi khi còn làm ảnh hưởng đến cả chất lượng khám chữa bệnh, thì hiện nay, bằng việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào các hoạt động Y tế, thời gian và chất lượng của công tác khám chữa bệnh đã được thay đổi đáng kể, người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn và thời gian thực hiện các thủ tục nhanh hơn.

Việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế đòi hỏi rất lớn nhưng tính thực hiện và khả thi còn khó khăn. Bởi lẽ, ngành y tế vừa mang tính kỹ thuật, vừa ứng dụng lên con người và mang tính xã hội, đòi hỏi sự gắn kết, liên thông chặt chẽ giữa các bệnh viện trong cả nước.


Quý Hoài
Ý kiến của bạn