100 bạn trẻ đón thần đồng Nga đến Việt Nam

26-12-2013 21:53 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sáng 26/12/2013, thần đồng văn học Nga Mikhail Samarsky đến Việt Nam sau chuyến bay 10 giờ Matxcơva - TPHCM. Gần 100 bạn trẻ đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất từ trước đó để chờ đón tác giả.

Sáng 26/12/2013, thần đồng văn học Nga Mikhail Samarsky đến Việt Nam sau chuyến bay 10 giờ Matxcơva - TPHCM. Gần 100 bạn trẻ đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất từ trước đó để chờ đón tác giả.

Ngay khi Mikhail Samarsky vừa xuất hiện tại cửa ra của sân bay quốc tế, hàng loạt bạn trẻ ùa tới bắt tay và chụp ảnh với tác giả của những tác phẩm mà mình yêu thích.

Mikhail Samarsky trong vòng vây của độc giả
Mikhail Samarsky trong vòng vây của độc giả.

Samarsky, sinh năm 1996, bày tỏ: “Trước khi đến Việt Nam, tôi có tìm hiểu đất nước của các bạn vì nước Nga và Việt Nam đã có mối quan hệ với nhau từ trước đó. Ngoài ra, tôi cũng có mối quan hệ bố - con nuôi với người đã chuyển ngữ tác phẩm của tôi ra tiếng Việt, đó là dịch giả Phạm Bá Thủy".

"Tôi đã tìm hiểu Việt Nam qua phim ảnh, sách báo. Đất nước của các bạn đã trải qua những cuộc chiến tranh dài và khốc liệt nhưng đó là chuyện của quá khứ. Tôi đặc biệt quan tâm tới văn hóa và văn học của Việt Nam".

"Hiện tại, tôi đã đọc xong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam”. Nhìn chung, sách văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga khá hiếm, tôi đang tìm đọc tác phẩm của các tác giả Việt Nam như Nguyên Hồng, Tô Hoài, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi…, nhưng hơi khó kiếm”.

Trước khi hai tập đầu tiên của Cầu Vồng Trong Đêm được phát hành tại Việt Nam, những tác phẩm của Mikhail Samarsky từng được xuất bản trên nhiều nước như Anh, Đức, Czech, Bungari, Thụy Điển… và hiện được dịch ra tiếng Nhật.

Mikhail Samarsky và dịch giả Phạm Bá Thủy
Mikhail Samarsky và dịch giả Phạm Bá Thủy.

Hai tập đầu tiên bộ truyện Cầu Vồng Trong Đêm được phát hành khi Mikhail Samarsky 13 và 15 tuổi, là câu chuyện về chú chó Trison với công việc dẫn đường cho những người khiếm thị như cụ ông Ivan Savelievich, cậu bé Sashka, nhà văn Anna Ygorevna Krivosheeva…

Thông qua lời kể của Trison trong hành trình giúp đỡ những người khiếm thị, xã hội loài người hiện lên đầy chân thực, có vui buồn, có thương yêu lẫn phản trắc…

Câu chuyện diễn ra với nhiều tình tiết gay cấn, hấp dẫn; bên cạnh đó tác phẩm còn là lời nhắc nhở về tình thương và lòng nhân ái, khi trong xã hội hiện đại ngày càng thưa vắng dần sự quan tâm, đồng cảm với những con người kém may mắn.

Gấp lại những trang sách cuối cùng, người đọc thực sự nao lòng trước những tình cảm của những người “có đôi mắt đã chết nhưng trái tim vẫn đang sống”, hay trước tình cảm của Trison - chú chó thông minh, tận tụy và đầy nhân ái.

Mikhail Samarsky sẽ có 9 ngày lưu lại tại Việt Nam. Trong những ngày đó, cậu sẽ có những buổi gặp gỡ, giao lưu với báo chí và bạn đọc.

Theo Tiền Phong

 


Ý kiến của bạn