Nói một cách đơn giản, bình thường máu của bạn ở dạng lỏng, nhưng khi nó đông lại dưới dạng rắn thì gọi là cục máu đông. Một cục máu đông hình thành trong những mạch máu sâu ở chi dưới (ở chân) có thể dẫn đến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.
Tuy nhiên, nếu cục máu đông rời khỏi vị trí ban đầu và di chuyển tới phổi, nó có thể gây nghẽn mạch phổi và dẫn đến tử vong do ngăn cản dòng máu và oxy tới phổi. Do vậy, điều vô cùng quan trọng là bệnh nhân cần nhận biết sớm những triệu chứng của chứng huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn mạch phổi để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Khoảng 1/3 bệnh nhân với những triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ dễ tiến triển đến bệnh nghẽn mạch phổi; tỷ lệ tử vong vào khoảng 6% trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu và 12% trường hợp nghẽ mạch phổi trong vòng 1 tháng kể từ khi được chẩn đoán.
Dưới đây là những yếu tố xuất phát từ những thói quen hàng ngày của bạn mà dễ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Một cục máu đông hình thành trong những mạch máu sâu ở chi dưới (ở chân) có thể dẫn đến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.
Ngồi một chỗ quá lâu
Bạn sẽ dễ phải ngồi lâu một chỗ trong khi đi máy bay, lái xe hay ngồi trong ô tô hay khi ngồi làm việc với máy tính tại công sở hay tại nhà. Việc đứng dậy và đi lại sau mỗi 30-40 ngồi yên một chỗ là việc bắt buộc.
Tăng cường vận động các cơ tại chân sẽ giúp tăng lưu thông máu tĩnh mạch. Uốn cong và kéo giãn chân cũng có hiệu quả tương tự.
Ngoài ra, đứng quá lâu cũng gây ra những vấn đề về sức khỏe bất kể là bạn đang trên ô tô hay trên máy bay.
Chiều cao và cân nặng của bạn
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu do giảm vận động cũng như giảm tuần hoàn máu. Do vậy, đây cũng là một lý do để chúng ta cố gắng duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng giới hạn cho phép 18.5-24.9. Ngoài ra, nhiều người cũng không biết rằng chính chiều cao cũng đóng một vai trò quan trọng.
Phụ nữ cao trên 1m7 và nam giới cao trên 1m8 sẽ có nguy cơ cao bị hình thành cục máu đông. Bạn càng cao máu càng cần đi xa hơn để chống lại trọng lực và bất cứ sự suy giảm lưu thông máu nào đều có thể dẫn tới tăng nguy cơ đông máu.
Mang thai
Nồng độ cao estrogen lưu thông trong cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai có thể làm tăng số lượng các yếu tố đông máu dẫn đến hình thành cục máu đông.
Ngoài ra, việc mang thai cũng làm tăng áp lực lên xương chậu và các tĩnh mạch ở chân. Nguy cơ hình thành cục máu đông thậm chí còn kéo dài tới 6 tuần sau khi sinh. Do vậy, các bà bầu nên thực hiện các bài vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga… cả trong quá trình mang thai và sau khi sinh để giảm nguy cơ này.
Tuổi tác
Mặc dù chứng huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Theo ước tính cứ 1.000 người thì có 1 người sẽ hình thành bệnh chứng huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc nghẽn mạch phổi mỗi năm, tỷ lệ này ở những người trong độ tuổi 20 chỉ là 1/10.000 và tăng lên tới 5/1.000 người khi bước sang tuổi 70.
Mặc dù lão hóa là một quá trình tự nhiên, hãy đi khám bác sĩ thường xuyên để chắc chắn rằng bạn đang ăn uống, luyện tập đúng cách và sống một cuộc sống lành mạnh.
Nhịp tim bất thường
Bạn có thể không biết được mình đang bị mắc chứng loạn nhịp tim bởi không có triệu chứng đặc biệt nào và thường ít có khả năng phát hiện. Tuy nhiên, loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong cơ thể bạn.
Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở buồng trên của tim. Nguyên nhân là vì nhịp bất thường có thể cản trở máu bơm vào tâm thất. Máu lưu thông chậm và bắt đầu bơm vào buồng trên tim, có thể dẫn tới hình thành huyết khối. Loại huyết khối này có thể di chuyển lên não và gây đột quỵ.
Sử dụng thuốc tránh thai
Estrogen và progestin trong viên tránh thai dạng uống có thể làm tăng nồng độ của các yếu tố đông máu. Tương tự như vậy, các liệu pháp điều trị bằng hormon cũng làm tăng nguy cơ đông máu. Hãy nói chuyện với các bác sỹ phụ khoa để đảm bảo rằng bạn đang sử dụng đúng thuốc.
Ung thư
Một số dạng ung thư làm tăng số lượng một số chất gây đông trong máu. Theo một nghiên cứu, những bệnh nhân mắc ung thư não, buồng trứng, tụy, đại tràng, dạ dày, phổi và thận có nguy cơ cao nhất bị chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.
Người ta vẫn chưa biết rõ tại sao liệu pháp hóa trị có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, nhưng nghi ngờ rằng nguyên nhân có thể là do nó làm tổn thương các mạch máu và giảm sản xuất các protein ngăn cản hình thành cục máu đông. Các mạch máu bị tổn thương sẽ tăng giải phóng các chất tiền đông máu có thể khiến máu vón lại và hình thành huyết khối.
Hút thuốc
Một số hóa chất trong khói thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu. Do vậy, nếu bạn hiện đang hút thuốc, hãy lên kế hoạch cai dần và cuối cùng bỏ hẳn thói quen này.
Phẫu thuật
Nhiều loại phẫu thuật, đặc biệt ở vùng háng, bụng dưới và chân là tăng nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, do nó có thể khiến bạn tạm thời phải nằm bất động. Ngoài ra, bất kỳ những chấn thương lớn nào liên quan tới chân cũng có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu, dẫn đến hình thành huyết khối.
Tiền sử gia đình
Một số người bị một số rối loạn di truyền (chẳng hạn như yếu tố V Leiden) có thể khiến họ dễ bị huyết khối hơn. Theo nghiên cứu của Mayo Clinic, tình trạng này có thể không gây ra các rối loạn trừ khi kết hợp với một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ khác. Nhiều người không biết rằng họ đang bị rối loạn này cho tới khi mắc phải chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.
Một số căn bệnh khác có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bao gồm bệnh thận, hội chứng kháng phospholipid (một bệnh tự miễn), và các rối loạn khác ở tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch lớn mang máu từ phần dưới cơ thể tới tim). Thừa hưởng rối loạn di truyền như rối loạn fibrinogen máu, thiếu hụt protein C và thiếu protein S có thể gia tăng nguy cơ hình thành huyết khối.