10 vị thuốc nam hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết

22-08-2023 10:08 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Bệnh sốt xuất huyết thuộc chứng ôn dịch của Đông y. Ôn dịch là bệnh truyền nhiễm cấp tính có đặc điểm truyền nhiễm mạnh, biểu hiện sốt khát nước, xuất huyết dưới da (hồng ban) hoặc nội tạng...

Cùng với các phương pháp điều trị sốt xuất huyết của y học hiện đại như: Bồi hoàn nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt... thì việc sử dụng một số vị thuốc nam thông dụng là rất cần thiết, giảm được sự tiến triển của bệnh.

1. Cỏ nhọ nồi hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết

Có tác dụng cầm máu, do làm tăng lượng prothrombin trong máu, giống như cơ chế tác dụng của vitamin K và có tác dụng ức chế nhiều loài vi khuẩn gây bệnh.

Cỏ nhọ nồi thường được dùng làm thuốc cầm máu trị xuất huyết bên trong và bên ngoài. Mỗi ngày dùng 20g cây khô dạng thuốc sắc uống, hoặc 30-50g cây tươi giã nát vắt lấy nước uống hoặc sắc uống.

photo-1692368041330

Cỏ nhọ nồi.

2. Nụ hoa hòe

Nụ hòe chứa các hoạt chất rutin và quercetin có tác dụng tăng cường sức bền và giảm tính thấm của mao mạch đã bị tổn thương. Rutin còn có tác dụng trực tiếp làm co mao mạch và cầm máu. Do vậy nụ hòe được dùng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp xuất huyết. Ngày dùng 6-20g nụ hòe sao vàng, sắc nước uống hoặc hãm uống như nước chè.

3. Huyền sâm

Được dùng làm thuốc giảm sốt, chống viêm, làm mạnh tim trong điều trị các chứng sốt nóng, khát nước, phát ban, viêm họng, viêm amiđan, ho khan, mẩn ngứa, mụn nhọt.

Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc.

4. Huyết dụ

Lá huyết dụ có tác dụng làm mát, cầm máu, được dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh có xuất huyết như: Sốt xuất huyết, rong huyết, băng huyết, lỵ ra máu, tiểu ra máu, ho ra máu.

Ngày dùng 8-16g sấy khô hoặc 16-30g lá tươi sắc uống.

photo-1692368042597

Huyết dụ.

5. Kim ngân

Có tác dụng kháng khuẩn khá mạnh đối với nhiều loài vi khuẩn gây bệnh và hạ sốt, được dùng làm thuốc trị bệnh nhiễm khuẩn và sốt.

Ngày dùng 4-6g hoa hay 10-16g cành lá tươi dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

6. Mạch môn

Có tác dụng kháng khuẩn, cầm máu. Được dùng điều trị sốt cao và các trường hợp xuất huyết.

7. Hoàng cầm

Có hoạt tính kháng khuẩn, hạ sốt, có công dụng trị sốt cao kéo dài và các trường hợp xuất huyết.

Ngày uống 6-15g, dạng thuốc sắc hoặc bột.

8. Rễ cỏ tranh

Có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, kháng khuẩn.

Ngày dùng 20g dưới dạng thuốc sắc uống.

9. Sinh địa

Có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, bổ máu, sinh huyết dịch. Được dùng điều trị các trường hợp chảy máu, bệnh sốt có triệu chứng lưỡi đỏ thẫm và khát, ban da.

Ngày dùng 10 -16g sinh địa sống hoặc thục địa.

10. Trắc bá

Có tác dụng ức chế một số loài vi khuẩn và virus gây bệnh, có hoạt tính cầm máu theo cơ chế tác dụng làm đông máu giống như vitamin K, và tác dụng gây co mạch.

Trắc bá được dùng làm thuốc trị sốt và thuốc cầm máu trong một số trường hợp xuất huyết.

Ngày dùng 6-12g lá trắc bá (trắc bá diệp) hoặc nhân hạt (bá tử nhân).

Mời bạn xem thêm video:

Cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh nấm phổi | SKĐS

GS Đoàn Thị Nhu
Ý kiến của bạn