Bạn nghĩ rằng, trong năm đầu đời, bé còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện dạy bé những bài học về cuộc sống? Nhưng bạn biết không, những bài học lớn đôi khi bắt nguồn từ những ý niệm rất giản đơn, và bạn hoàn toàn có thể truyền đạt cho bé yêu của mình thông qua những trò chơi nhỏ thú vị.
Quả bóng đâu rồi nhỉ?
Để bé nhìn thấy bạn đặt quả bóng yêu thích của bé vào một chiếc hộp có nắp đậy, bạn hãy hỏi bé “Quả bóng đâu rồi nhỉ?”, tìm cách khuyến khích bé mở hộp và xem quả bóng bật ra hộp. Trò chơi này là một cách thú vị để nói với bé rằng quả bóng vẫn luôn ở đó, ngay cả khi bé không nhìn thấy nó.
Xe ôtô lăn bánh
Đặt bé ngồi trên sàn đối diện với bạn và lăn chiếc xe ôtô đồ chơi nhỏ về phía bé, sau đó khuyến khích bé lăn trả chiếc xe về phía bạn. Hãy cố gắng giữ cho trò chơi tiếp diễn như vậy. Trò chơi qua lại này giúp dạy cho bé ý niệm về sự luân phiên, điều này sẽ rất cần thiết cho việc dạy bé cách thiết lập các cuộc đối loại và sẻ chia.
Xây tháp bằng đồ nhà bếp
Bạn thực sự chưa cần đến một bộ đồ chơi đắt tiền để bé có thể làm quen với trò chơi lắp ghép trong năm nay đâu, chỉ cần vài chiếc hộp nhựa đựng thức ăn rỗng (nên chọn vài loại hộp có màu sắc sặc sỡ và kích thước khác nhau để thu hút sự chú ý của bé). Hãy giúp bé xếp chồng các hộp lên nhau, và với mỗi chiếc hộp được xếp lên, bạn hãy giải thích đơn giản cho bé về kích thước và màu sắc của hộp. Sau khi xây xong tháp, bạn và bé có thể đẩy nhẹ để tháp đổ ụp xuống vào tạo ra tiếng động loảng xoảng vui tai. Trò chơi này không chỉ dạy cho các bé khái niệm về hình dạng và kích thước mà còn là bài học đầu tiên về nguyên nhân và hệ quả khi bạn nói với bé: “Ồ, con xem này, khi mình chạm vào những chiếc hộp này, chúng đổ xuống và gây ra tiếng động”
Ồ, tiếng động này phát ra từ đâu nhỉ?
Một trò chơi khác để giải thích cho trẻ về sự tồn tại bất biến của đồ vật là giấu những đồ chơi phát âm thanh của bé dưới một tấm chăn. Hãy bắt đầu bằng cách chỉ che một phần đồ chơi và làm nó kêu lên, bạn hãy bảo bé đi tìm đồ chơi của mình. Khi bé đã làm tốt việc này, hãy che phủ hoàn toàn món đồ chơi, gây tiếng động và lại bảo bé đi tìm. Nhớ chúc mừng bé khi bé tìm được đồ chơi của mình nhé!
Mẹ đang ngủ
Bạn hãy ngồi xuống cạnh bé và nói “Mẹ chuẩn bị ngủ đây”, sau đó nhắm mắt lại vài giây rồi bất chợt mở to mắt và hào hứng nói “Chào con”. Việc nhìn thấy mẹ bất ngờ mở mắt và chào thông thường sẽ khiến trẻ bật cười. Sau vài lần, bạn hãy nhắm mắt lâu hơn và đợi xem phản ứng của bé nhé. Rất có thể các bé khoảng 6 tháng tuổi trở lên sẽ bắt đầu phát âm hoặc tìm cách lay gọi mẹ dậy.
Tiếng lá cây giòn tan
Nếu đang trong mùa lá rụng, bạn hãy thu gom một số loại lá khô có màu sắc, kích thước khác nhau và để bé khám phá chúng bằng tay của mình (tất nhiên là với sự giám sát của bạn rồi). Bạn hãy vò nát vài cái lá để bé có thể nghe tiếng lá khô vỡ vụn trong tay bạn và học được rằng việc vò lá cây khô sẽ tạo ra tiếng vỡ giòn tan như thế. Hãy chọn một chiếc lá to đủ để che gần hết khuôn mặt của bạn để chơi trò ú òa vui nhộn và quen thuộc với bé.
Vẽ với bột dinh dưỡng
Trò chơi này sẽ hơi bừa bãi một chút đấy, nhưng đảm bảo là rất tuyệt. Hãy đặt bé vào ghế ăn của mình hoặc cho bé ngồi trên sàn rồi bày ra vài chén bột dinh dưỡng có màu sắc khác nhau cùng với một tờ giấy lớn. Hãy để bé tự do nhúng tay vào các chén bột và vẽ bức tranh của mình. Biết đâu bạn có thể phát hiện sớm khả năng hội họa của bé đấy! Nhưng nhớ là đừng căng thẳng với việc mọi thứ trông thật bừa bộn và bẩn thỉu nhé, hãy để bé hoàn thành xong tác phẩm của mình đã rồi hãy dọn dẹp.
Khơi dậy xúc giác
Chọn vài mẫu vật bằng nhiều chất liệu khác nhau quanh nhà bạn – một cái khăn lụa, một mảnh vài thô, một tấm bìa, một nhánh cỏ, một nắm cát, hoặc bất cứ thứ gì an toàn cho - hãy để bé chạm vào từng thứ một và cảm nhận. Hãy để ý xem bé thích cảm giác nào, sự êm mịn của tơ lụa hay sự thô ráp của vải thô, đây có lẽ là cách duy nhất để bạn nhận biết sở thích của con mình. Có một lưu ý nhỏ trong trò chơi này là bạn phải theo thật sát con mình và đừng để bé bỏ thứ gì vào miệng nhé!
Vui tắm cùng bé
Hãy biến giờ tắm của bé thành một trò chơi thật vui với nước. Bạn hãy chuẩn bị cho bé vài cái tách to nhỏ khác nhau, một cái ấm trà hoặc bình tưới nhỏ bằng nhựa, và một ít thìa (muỗng) đong nhựa. Để bé rót nước từ món này sang món khác và xem điều gì đang xảy ra, sau đó đến lượt bạn rót nước và để bé cố gắng hứng nước bằng đôi bàn tay nhỏ xinh của mình. Bạn cũng có thể thử cách này: giơ cao miếng bọt biển ướt để nước nhỏ giọt lên tay bé, sau đó hãy vắt miếng bọt biển để nước chảy xuống thành dòng, chuyển miếng bọt biển cho bé và xem bé thực hành điều vừa học được như thế nào nhé.
Bộ sưu tập màu sắc
Một hoạt động hấp dẫn khác có thể giúp bạn dạy bé cách phân biệt màu sắc và đồ vật, đó là phân nhóm các đồ chơi yêu thích của bé theo màu sắc, mỗi nhóm màu nên có vài loại đồ chơi khác nhau. Sau đó, hãy để bé cầm các món đồ chơi lên, với mỗi món bé cầm lên, bạn hãy gọi tên màu sắc và tên của món đồ, chẳng hạn như quả táo đỏ, quả bóng xanh, chú vịt vàng…
Theo Web Trẻ thơ