Từ sáng đến đầu giờ chiều ngày 7/7, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu liên tiếp phát đi các bản tin thông báo động đất.
Trận động đất đầu tiên xảy ra vào lúc 1 giờ 17 phút 13 giây, có độ lớn 3.1 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.799 độ vĩ Bắc, 108.618 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Tiếp đó lúc 9 giờ 31 phút 31 giây, trận động đất có độ lớn 3.9 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.783 độ vĩ Bắc, 108.331 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Sau đó, tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra 9 trận động đất khác với các cường độ khác nhau. Trận động đất gần nhất được ghi nhận vào vào hồi 11 giờ 09 phút 02 giây. Trận động đất này có độ lớn 2.5 độ Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.889 độ vĩ Bắc, 108.269 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Hiện các trận động đất này đang được Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục theo dõi.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho biết, trong số 9 trận động đất thì có 4 trận động đất diễn ra từ 9h31 phút đến 9h48 phút ông cảm nhận rõ nhất. "Lúc ấy, tôi đang ngồi họp tại hội trường ở UBND xã thì cảm nhận có rung lắc nhẹ ở bờ tường. Các đợt rung lắc kéo dài khoảng 2 đến 3 giây. Hiện tại, trên địa bàn xã chưa ghi nhận thiệt hại gì về người và tài sản sau liên tiếp các trận động đất trong sáng ngày 7/7", ông Nết nói.
Theo các chuyên gia động đất, trận động đất có độ lớn 4.2 có thể cảm nhận rõ rung chấn trên mặt đất tại khu vực xung quanh nơi xảy ra động đất. Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Những ngày gần đây, tần suất xảy ra và độ lớn của các trận động đất tại khu vực này có xu hướng tăng dần. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23/8/2022.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.động đất tại Kon Plông được nhận định có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, động đất cực đại ở khu vực này ít khả năng vượt quá 5 độ.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh cho biết từ tháng 6/2021, Viện Vật lý địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra.
Đầu tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt mới 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất tại thủy điện Thượng Kon Tum, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm.
Số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0. Viện Vật lý địa cầu thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cách Chức Trưởng Phòng Tư Pháp Vì Trộm Hoa Giấy Ở Đắk Nông | SKĐS