Nếu bạn ăn, uống những loại thực phẩm sau khi đang phải uống thuốc chữa bệnh thì có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
Thực phẩm và thuốc uống có vẻ như chẳng có mối liên hệ nào với nhau nhưng hóa ra không phải vậy. Vậy nên, khi uống bất kỳ loại thuốc nào, bạn cần cân nhắc các loại thực phẩm sau đây:
1. Nước cam
Nước cam có chứa nhiều acid nên không nên kết hợp với thuốc chống acid có chứa nhôm. Theo các bác sĩ thì nước cam cũng chống chỉ định khi dùng chung với các loại thuốc kháng sinh vì các kháng sinh kém bền vững ở môi trường acid.
2. Bưởi
Nước ép bưởi làm tăng sự hấp thụ thuốc quá nhiều vào máu, có thể gây nguy hiểm. Không nên ăn bưởi khi uống một số loại thuốc sau:
- Một số thuốc chống dị ứng: Nếu dùng chung với bưởi có thể gây tử vong cho những người bị bệnh tim.
- Các thuốc an thần, thuốc ngủ: Khi dùng với nhóm thuốc này, ăn bưởi sẽ gây ra cảm giác chóng mặt.
- Thuốc làm giảm cholesterol: Nếu bạn đang uống các loại thuốc nhằm giảm cholesterol thì đừng nên ăn bưởi, vì nó sẽ khiến cho một lượng lớn thuốc đọng lại trong cơ thể, không phát huy được tác dụng, dẫn đến tổn thương gan và suy nhược cơ bắp, dùng nhiều có thể dẫn đến suy thận.
Dù ăn hoặc uống nước ép bưởi vài giờ trước hoặc sau khi bạn uống thuốc vẫn có thể còn nguy hiểm, vì vậy tốt nhất là tránh hoặc hạn chế loại thực phẩm này.
3. Chuối
Chuối có chứa hàm lượng kali cao nên không được phép dùng chung với thuốc lợi tiểu. Rất đơn giản, nếu dùng chung hai loại này sẽ làm tăng sự tích lũy kali trong cơ thể gây biến chứng về tim mạch và huyết áp.
4. Cà phê
Cà phê cũng không được dùng để uống thuốc, nhất là với các loại thuốc kháng sinh. Bởi trong cà phê có chứa nhiều caffeine, nếu dùng với thuốc sẽ làm giảm nghiêm trọng khả năng hấp thụ sắt.
Thuốc cảm và cà phê không được dùng cùng nhau vì nếu không sẽ làm cho dạ dày bị kích thích ở cường độ mạnh và từ đó gây ra đau đớn. Một số loại thuốc cảm có chứa chất caffeine - gây kích thích đối với niêm mạc dạ dày. Đây được coi là tác dụng phụ của thuốc cảm. Vì vậy khi uống thuốc này cùng cà phê sẽ càng làm cho phản ứng phụ gia tăng, vì trong cà phê có chất caffeine tăng thêm kích thích cho niêm mạc dạ dày.
5. Trà xanh
Mặc dù trà xanh là thứ đồ uống có nhiều chất chống ôxy hóa, có khả năng “đánh bại” những tế bào ung thư, nhưng khi uống trà xanh cùng thuốc chống ung thư thì tác dụng này hầu như không còn nữa.
Không nên uống trà khi đang uống viên sắt. Hợp chất tanin sẵn có trong trà kìm hãm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Vì thế uống nước trà trong thời gian cần bổ sung sắt sẽ kém hoặc không có hiệu quả. Trường hợp cần, có thể uống vào thời điểm tối thiểu 1,5 giờ sau khi uống thuốc.
6. Sữa
Sữa không phải là loại chất lỏng được chỉ định để uống kèm với thuốc vì nó ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất sắt của cơ thể. Yếu tố canxi trong sữa được cho là có thể cản trở tính hiệu quả của thuốc điều trị các bệnh tuyến giáp. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên đợi ít nhất 4 giờ sau khi uống thuốc rồi mới dùng đồ uống giàu canxi.
Trong thời gian uống thuốc kháng sinh, cần tạm kiêng hoặc hạn chế tối đa thói quen sử dụng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa (phô mai, sữa chua…). Bởi vì canxi trong sữa phản ứng với thuốc kháng sinh, tạo ra muối canxi không tan trong nước. Hệ quả: Thuốc chỉ được hấp thụ một phần qua hệ tiêu hóa hoặc hoàn toàn bị đào thải và hiệu quả bị suy giảm đáng kể hoặc thậm chí không có.
7. Nhân sâm
Những bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc thường xuyên phải dùng thuốc huyết áp nên tránh ăn nhân sâm để tránh gây tăng huyết áp.
8. Tôm
Không nên ăn tôm trước và sau 2 giờ uống vitamin C. Vì chất hóa học đồng có trong tôm sẽ oxy hóa vitamin C và làm mất tác dụng của vitamin, thậm chí có thể gây nguy hiểm.
9. Tỏi
Tỏi là loại gia vị làm dậy mùi món ăn nhưng khi kết hợp với thuốc trị tiểu đường có thể gây giảm đường huyết trong máu đột ngột.
10. Thực phẩm quá giàu chất xơ
Nếu tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ khi uống thuốc có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thuốc của dạ dày.