Hà Nội

10 thực phẩm giúp xoa dịu cơn đau nhanh chóng ở người bệnh Gout

SKĐS - Bệnh Gout là một loại bệnh viêm khớp thường gặp do rối loạn chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp hạn chế những cơn đau đối với người bệnh.

“Giải oan” cho trứng - người bệnh tim mạch, bệnh gout nên biết“Giải oan” cho trứng - người bệnh tim mạch, bệnh gout nên biết

SKĐS - Theo TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, sau nhiều năm mang tiếng xấu là thực phẩm không tốt cho bệnh lý tim mạch trong đó có tăng huyết áp, người bị bệnh gout, giờ đây trứng đã được “giải oan”.

Sử dụng thực phẩm không lành mạnh ở người bệnh Gout có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, gây nên những cơn đau cấp tính. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể gây khó khăn trong điều trị khiến bệnh chuyển nặng và để lại nhiều di chứng nặng nề.

I. Thực phẩm tốt cho người bệnh Gout

1. Trái cây

Các loại trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, dâu tây, nho, ổi và kiwi… tốt cho người bệnh Gout. Vì vitamin C hỗ trợ rất tốt trong quá trình giảm nồng độ axit uric trong máu, chống viêm, chống ôxy hóa, tăng sức đề kháng và sức bền cho thành mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Trái cây giàu kali như chuối, cam, mơ, bưởi, bơ, dưa hấu và lựu cũng rất tốt cho sức khỏe của người bệnh Gout. Kali đóng vai trò quan trọng trong các quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp cân bằng nước và điện giải, giảm huyết áp và sức khỏe của xương. Kali giúp hỗ trợ tăng đào thải axit uric qua đường tiết niệu do đó làm giảm acid uric và các triệu chứng của bệnh Gout.

2. Thịt trắng

Nhiều người cho rằng thịt chứa purin không tốt cho người bệnh Gout nên loại bỏ loại thực phẩm này ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, việc kiêng thịt có thể khiến cho cơ thể thiếu đạm. Trong khi đó, có nhiều loại thịt không chứa nhiều nhân purin như thịt nạc, ức gà, cá sông, cá nước ngọt như cá trắm, cá chép, cá rô… Các loại đạm này rất tốt cho người bệnh Gout, có tác dụng chống lại sự kết tủa của axit uric.

10 thực phẩm giúp xoa dịu cơn đau ở người bệnh Gout  - Ảnh 2.

Thịt trắng tốt cho người bệnh Gout.

Khi ăn thịt, người bệnh Gout cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

  • Ăn không quá 100g chất đạm/ngày, bao gồm cả đạm từ thịt, sữa và các loại đậu, hạt. Người bệnh có thể tham khảo cách quy đổi sau: 100g thịt = 180g đậu phụ = 70g lạc hạt = 100g cá = 100g tôm.
  • Lựa chọn những loại thịt chứa ít axit uric.
  • Thịt cần được nấu chín, không ăn thịt tái sống.
  • Ưu tiên chế biến thịt dưới dạng hấp, luộc thay vì đồ chiên, rán. Không nên dùng phần nước luộc thịt, nước luộc cá, nước hầm xương.
  • Ăn thịt cùng các loại rau xanh để trung hòa bớt lượng purin có trong thịt.

3. Trứng

Mặc dù chứa hàm lượng protein dồi dào nhưng protein trong trứng không gây ra nhiều ảnh hưởng tới nồng độ acid uric trong máu. Hàm lượng chất béo Omega-3 trong trứng còn có khả năng ức chế các phản ứng viêm và làm giảm tình trạng sưng đau tại khớp bị ảnh hưởng bởi bệnh Gout.

Trong tất cả các loại trứng, trứng gà được khuyến khích thêm vào khẩu phần ăn của người bị bệnh Gout. Bởi trứng gà có chứa hàm lượng nhân purin thấp hơn các loại trứng khác nhưng hàm lượng dưỡng chất tốt cho sức khỏe lại cao.

Đối với những người bị Gout, việc chế biến trứng thường bị hạn chế hơn do một số món ăn từ trứng có thể không tốt cho quá trình kiểm soát bệnh. Người bệnh Gout nên ăn trứng luộc, trứng hấp đậu phụ, trứng hấp nấm rơm…

4. Dầu oliu, dầu thực vật

Chất béo là thành phần quan trọng đối với cơ thể trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng với người bệnh Gout, nếu dùng quá mức cần thiết sẽ góp phần làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn Gout cấp. Dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng… là những thực phẩm cung cấp chất béo tốt cho người bệnh Gout, hỗ trợ chống viêm khớp, giảm sưng đau và giảm axit uric…

Người bệnh nên thường xuyên sử dụng dầu oliu, dầu thực vật trong các bữa ăn hàng ngày, cho một số món như: salad để hấp thụ tối đa dưỡng chất, tránh chế biến ở nhiệt độ cao.

Hạn chế hoặc tránh sử dụng dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, các thực phẩm chiên rán, mỡ động vật.

10 thực phẩm giúp xoa dịu cơn đau ở người bệnh Gout  - Ảnh 4.

Dầu oliu hỗ trợ chống viêm khớp, giảm sưng đau.

5. Rau củ

Rau củ rất tốt cho những bệnh nhân đang điều trị bệnh Gout. Nên bổ sung các loại rau củ trong bữa ăn hằng ngày như cải xanh, rau ngót, khoai tây, cà tím, rau cần, dưa chuột, súp lơ, bắp cải, cải xanh… Đây là những loại rau củ ít purin. Hạn chế một số loại rau như nấm, giá đỗ, măng tây.

6. Ngũ cốc nguyên hạt

Loại thực phẩm này chứa các chất chống ôxy hóa có tác dụng chống viêm và hỗ trợ giảm đau xương khớp. Các loại ngũ cốc và tinh bột chứa lượng purin ở ngưỡng an toàn và giúp làm giảm và hoà tan axit uric trong nước tiểu. Đặc biệt, các loại ngũ cốc nguyên hạt có lượng calo thấp, thích hợp sử dụng ở những đối tượng có vấn đề về tăng axit uric trong máu như người bệnh Gout.

7. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa là nhóm thực phẩm chứa rất ít purin nên không ảnh hưởng tới bệnh nhân Gout. Trong sữa còn có một số protein có khả năng ức chế, kháng viêm với những cơn đau do Gout và giúp quá trình đào thải axit uric qua thận nhanh hơn bình thường.

Người bệnh hãy lựa chọn sữa động vật, nhất là sữa bò và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai... Ưu tiên chọn các loại sữa tách béo, sữa ít đường hoặc không đường để bảo vệ sức khỏe.

Người bệnh Gout nên hạn chế các loại sữa nhiều ngọt như sữa đặc, sữa giàu năng lượng… Đặc biệt, sữa đậu nành có chứa nhiều nhân purin, có khả năng chuyển hóa, làm gia tăng hàm lượng acid uric trong máu khiến các tinh thể muối urat lắng đọng nghiêm trọng ở khớp xương. Nếu sử dụng sữa đậu nành thường xuyên sẽ khiến tình trạng bệnh ngày một chuyển biến xấu hơn.

8. Cà phê

Cà phê chứa nhiều hợp chất gồm khoáng chất, polyphenol và cafein. Cà phê có thể làm giảm nồng độ axit uric thông qua một số cơ chế hoặc làm giảm nồng độ axit uric bằng cách tăng tốc độ cơ thể bài tiết axit uric. Cà phê còn cạnh tranh với enzym phân hủy purin trong cơ thể, khiến làm giảm tốc độ tạo ra axit uric. Việc sử dụng một lượng cà phê đen vừa đủ trong ngày rất tốt cho người bệnh Gout.

9. Trà xanh

Trà xanh là đồ uống tuyệt vời dành cho người bệnh Gout. Do nồng độ chất chống ôxy hóa trong nước trà xanh rất cao giúp giảm các triệu chứng đau, sưng.

Trà xanh pha đúng cách và dùng một lượng vừa đủ mỗi ngày giúp giảm thúc đẩy sự hình thành nước tiểu và đẩy nhanh quá trình đào thải axit uric.

10. Uống đủ nước

Bệnh nhân Gout cần uống nhiều nước trong ngày, đảm bảo từ 2 - 2.5l nước/ngày, đặc biệt là nước khoáng kiềm, không gas sẽ tăng cường giúp thải axit uric qua đường tiểu. Các loại nước uống tốt cho người bệnh Gout là nước lọc, nước ép dứa, nước ép dưa chuột, nước ép táo…

II. Bệnh Gout kiêng gì?

10 thực phẩm giúp xoa dịu cơn đau ở người bệnh Gout  - Ảnh 5.

Người bệnh Gout nên hạn chế các món từ hải sản.

Người bệnh Gout nên tránh ăn những thực phẩm giàu purin và fructose cao để kiểm soát được nồng độ axit uric ở mức độ ổn định. Các thực phẩm nên tránh như:

Thịt đỏ (bò, lợn, dê…): Chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao làm tăng nồng độ axit uric trong máu, là nguyên nhân gây ra bệnh Gout. Chỉ nên ăn tối đa 2 lần/tuần, không quá 100g/ngày. Chế biến kỹ ở dạng luộc, kho hay hấp sẽ tốt hơn ăn nướng, chiên xào, hạn chế được lượng mỡ tối đa nạp vào cơ thể.

Nội tạng động vật (gan, thận, tim, dạ dày, óc…) chứa nhiều purin, chính là chất gây tăng nồng độ axit uric trong máu, khiến bệnh trở nên trầm trọng: sưng, đau nhiều hơn.

Hải sản: Các loại hải sản (như cá trích, cá ngừ, động vật có vỏ nghêu, sò, ốc,…) chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bao gồm cả chất purin. Trong hải sản cũng chứa nhiều chất đạm nên người bệnh Gout nên hạn chế ăn.

Hạn chế tối đa rượu, bia cũng như các chất kích thích, đồ uống có đường như nước ngọt, nước trái cây, nước có gas…

Thực phẩm đóng hộp (nem chua, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng…) không tốt cho người bệnh Gout. Nên sử dụng thực phẩm tươi, tự chế biến để đảm bảo được hàm lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.

Tránh ăn bánh ngọt và bánh quy vì đây là những thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ axit uric.

Người bệnh Gout cần kiểm soát cân nặng và đảm bảo nguyên tắc ăn uống với hàm lượng dinh dưỡng đưa vào mỗi ngày, cụ thể:

Năng lượng: 30 - 35 kcal /kg cân nặng/ ngày.

Chất đạm: 0.8g/kg cân nặng/ngày.

Chất béo: 18-25% nhu cầu năng lượng.

Lượng muối: Không quá 5g/ngày

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phản ứng phụ sau tiêm, khi nào cần đến cơ sở y tế?


Vũ Thái An
Ý kiến của bạn