Dấu hiệu nhận biết tình trạng căng thẳng
Căng thẳng mệt mỏi do nhiều nguyên nhân gây ra như: áp lực công việc, thành tích học tập, chấn thương tâm lý từ khi còn nhỏ, ly hôn, tài chính… Tình trạng căng thẳng mệt mỏi liên tục và kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe, thể chất và tinh thần của người bệnh. Khi rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, người bệnh thường có những dấu hiệu điển hình sau:
- Cảm xúc: Người bệnh dễ bị kích động, chợt vui chợt buồn, tức giận, nóng nảy, trầm cảm…
- Hành vi: Ăn uống nhiều, uống rượu, hút thuốc, bồn chồn, khóc lóc… là những biểu hiện dễ nhận thấy ở người bị căng thẳng, stress kéo dài.
- Thể chất: Người bệnh hay bị mất ngủ, mệt mỏi, đau nửa đầu, tim đập nhanh…
- Tinh thần: Trí nhớ bị giảm sút, khó tập trung khi học tập, làm việc, lơ ngơ…
Thực phẩm tuyệt vời giúp giảm căng thẳng
1. Khoai lang
Không chỉ là món ăn ngon miệng, bổ dưỡng mà chất xơ và beta-carotene có trong khoai lang có tác dụng giảm stress, tăng cường hệ miễn dịch và chuyển hóa protein hiệu quả. Ăn khoai lang giúp tăng hàm lượng seratonin, một chất dẫn truyền thần kinh tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Chất này có khả năng điều trỉnh tâm trạng, tạo giấc ngủ ngon và tăng cường trí nhớ…
Ăn khoai lang vào bữa trưa là thích hợp nhất, vì cơ thể cần 4-5 giờ mới hấp thu được hết lượng canxi trong khoai lang. Nên dùng khoai luộc, hấp vì những phương pháp chế biến này giữ được khoáng chất, sinh tố, dinh dưỡng của khoai lang.
2. Gạo lứt giúp giảm căng thẳng
Khi tình trạng căng thẳng kéo dài, hàm lượng vitamin B tích lũy trong cơ thể bị sụt giảm. Lúc này việc bổ sung gạo lứt là cách phục hồi rất hiệu quả vì đây là thực phẩm chứa rất nhiều vitamin B. Vitamin B giúp tim, hệ thống miễn dịch, não cũng như tâm trạng khỏe mạnh. Nếu thường xuyên cảm thấy lo âu, căng thẳng, hãy bổ sung gạo lứt vào chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng này.
3. Yến mạch
Yến mạch không chỉ là một món ăn ngon miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe. Chất carbonhydrate trong yến mạch hỗ trợ não bộ sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin giúp giảm căng thẳng.
Ngoài ra, yến mạch chứa hàm lượng đường ít sẽ không khiến đường huyết tăng cao.
Có thể nấu cháo yến mạch hoặc trộn bột yến mạch với sữa chua thành những món ăn tốt cho người bị căng thẳng, mệt mỏi. Đặc biệt, nếu ăn cháo yến mạch vào bữa sáng sẽ giúp kiểm soát tinh thần được tốt hơn.
4. Bông cải xanh
Các loại rau họ cải như bông cải xanh là nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp các vitamin và khoáng chất như magiê, vitamin C và folate… có tác dụng mang lại cảm giác bình tĩnh, giảm căng thẳng.
Sulforaphane trong bông cải xanh giúp hỗ trợ chống ôxy hóa, giảm căng thẳng và bảo vệ niêm mạc đường hô hấp…
Tốt nhất là hấp bông cải xanh vừa đủ và chín tới để đảm bảo giữ nguyên chất dinh dưỡng của siêu thực phẩm này.
5. Rau bina
Rau bina rất giàu vitamin A, C và vitamin B, magiê và folate, sản xuất dopamine giúp giảm căng thẳng, ổn định tâm trạng và giữ bình tĩnh hơn.
Có thể chế biến rau bina bằng cách ép nước hoặc luộc, nấu canh, trộn salad… Khi luộc hay nấu canh, lưu ý không nên để sôi quá lâu mất đi dinh dưỡng của rau.
6. Bơ
Quả bơ là loại quả có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Không chỉ giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu, bơ còn giàu chất chất xơ và chất béo thực vật thay thế bơ từ sữa động vật rất tốt.
Ăn bơ giúp tác động lên hệ thần kinh, giảm mệt mỏi và căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái. Có thể ăn bơ chấm vừng, xay sinh tố hoặc trộn salad…
7. Việt quất
Việt quất chứa lượng lớn vitamin K, E, C, A, các khoáng chất, chất xơ... Những quả mọng như việt quất chứa nhiều chất chống ôxy hóa flavonoid có tác dụng chống viêm và giảm căng thẳng thần kinh, cải thiện tình trạng stress rất hiệu quả.
Ăn việt quất thường xuyên giúp chống lại mất ngủ, trầm cảm và các triệu chứng rối loạn tâm trạng khác. Do hàm lượng chất xơ phong phú và ít calo, quả việt quất cũng giúp ích rất nhiều trong việc giảm cân. Có thể trộn việt quất với bột yến mạch, sữa chua, làm salad trái cây… để có những món ăn hấp dẫn.
8. Cá hồi
Khi căng thẳng mệt mỏi, cơ thể có xu hướng sản sinh nhiều hơn các hormone lo lắng như adrenaline và cortisol. Các loại cá béo như cá thu, cá trích, cá hồi và cá mòi rất giàu chất béo omega-3 và vitamin D, những chất dinh dưỡng có tác dụng giúp giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
Chế biến cá hồi thành các món ăn như áp chảo, sốt bơ hay sốt cam, đơn giản hơn nữa là làm ruốc ăn với cơm hoặc cháo trắng… không chỉ tốt cho sức khỏe não bộ và tâm trạng mà còn có thể giúp cơ thể xử lý căng thẳng.
9. Trà xanh
Trà xanh chứa các chất chống ôxy hóa mạnh và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Uống trà xanh giúp làm giảm căng thẳng. Nếu cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, chi cần nghỉ ngơi và uống một tách trà xanh sẽ thấy dễ chịu, thoải mái. Nếu không thích trà xanh, có thể thay thế bằng trà hoa cúc hoặc trà bạc hà cũng rất tốt.
10. Sữa chua
Sữa chua là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, hàm lượng canxi và vitamin B cao giúp tăng cường sức khỏe tinh thần. Ăn thường xuyên các thực phẩm lên men như sữa chua có chứa probiotics mỗi ngày lượng bạch cầu tăng lên rõ rệt. Từ đó giúp cơ thể chống lại việc bị nhiễm trùng, mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn, hạn chế tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.
Để có cuộc sống tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress cần:
- Sắp xếp công việc hợp lý.
- Thay đổi môi trường học tập, làm việc nếu cảm thấy không thích hợp…
- Thường xuyên nói chuyện với bạn bè, người thân, đi dạo, tập thể thao.
- Hạn chế dùng điện thoại, máy tính quá lâu.
- Trường hợp mức độ stress quá nặng và dẫn tới các vấn đề khác như mất ngủ, suy nhược cơ thể… thì cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?