Đối với chị em phụ nữ, nội tiết tố nữ được coi là một loại hormone kỳ diệu giúp duy trì sự tươi trẻ, nét đẹp vốn có đặc trưng của phái đẹp. Thế nhưng tuổi tác cùng nhiều yếu tố làm ảnh hưởng khiến chị em bị rối loạn, mất cân bằng nội tiết.
1. Nội tiết tố là gì?
ThS.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Sản Tự nguyện, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, ở cơ thể người phụ nữ có một loại nội tiết tố được sản sinh từ khi tuổi dậy thì, gọi là estrogen. Estrogen được tiết ra từ những nang trứng của buồng trứng. Khi bé gái bắt đầu dậy thì, buồng trứng hoạt động, trứng rụng đầu tiên thì nang trứng tiết ra estrogen.
Nội tiết tố nữ hay còn gọi estrogen là hormone sinh dục được tiết ra chủ yếu ở buồng trứng và một phần ở tuyến thượng thận, nhau thai… Estrogen chính là nhân tố tạo ra những đặc trưng nổi bật ở phái nữ như ngực nở, eo thon, thân hình quyến rũ… Nội tiết tố đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ thể, là một phần của hệ thống nội tiết giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển, trao đổi chất và tiêu hóa, khả năng sinh sản, căng thẳng và tâm trạng…
Khi nội tiết tố mất cân bằng, sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hoặc có thứ gì đó cản trở đường truyền tín hiệu… có thể dẫn đến các vấn đề như đái tháo đường, giảm hoặc tăng cân, vô sinh cùng các vấn đề sức khỏe khác.
2. Chế độ ăn uống ảnh hưởng thế nào đến nội tiết tố?
Những gì chúng ta ăn hàng ngày ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormone và con đường truyền tín hiệu của chúng. Nội tiết tố trong cơ thể cần được bổ sung chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ, quả hạch và hạt, cũng như chất xơ dồi dào từ trái cây, rau quả và protein chất lượng như trứng, cá và thịt…
Bên cạnh đó, cơ thể cũng cần được cung cấp đủ calo. Vì cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm với sự khan hiếm. Nếu cơ thể bạn không cảm thấy được cung cấp đủ, nó sẽ điều chỉnh việc sản xuất hormone sinh dục.
3. Dấu hiệu nhận biết nội tiết tố bị mất cân bằng
Khi đang ở trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ có thể xem xét chu kỳ của mình để biết các dấu hiệu cho thấy hormone của họ bị mất cân bằng. Vô sinh, các vấn đề về kinh nguyệt như kinh nguyệt ra nhiều, đau bụng khi hành kinh, đau nửa đầu… đều có thể là dấu hiệu cho thấy hormone mất cân bằng.
Sự dao động cân nặng đột ngột hoặc thay đổi mức năng lượng cũng có thể báo hiệu sự mất cân bằng nội tiết tố. Nhưng để biết chắc chắn nội tiết tố có bị mất cân bằng hay không thì cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.
4. Những thực phẩm tác động tốt nội tiết tố cho cơ thể
4.1 Hạnh nhân
Hạnh nhân hỗ trợ trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Về lâu dài, nó có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường typ 2. Chúng cũng giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Tuy nhiên, cần sử dụng hạnh nhân một cách điều độ vì đây là thực phẩm chứa nhiều calo.
4.2 Quả bơ
Bơ là một trong những loại trái cây giàu chất béo lành mạnh và chất xơ. Quả bơ làm giảm sự hấp thụ estrogen và nâng cao mức độ testosterone. Nó cũng cải thiện sức khỏe tim mạch. Bơ có hàm lượng calo cao và phải được tiêu thụ một cách điều độ. Ăn 1/4 quả bơ mỗi ngày có thể có lợi cho sức khỏe.
4.3 Bông cải xanh
Bông cải xanh có tác động đáng kể đến sự cân bằng hormone của cơ thể. Điều này là do ảnh hưởng của nó đến cách cơ thể phá vỡ estrogen. Một yếu tố quan trọng khác là sulforaphane trong bông cải xanh giúp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ và làm tăng con đường giải độc gan, vốn rất quan trọng để chuyển hóa estrogen. Bông cải xanh cũng cung cấp kali, canxi và magiê. Đây là một số khoáng chất quan trọng giúp cải thiện chức năng cơ và giúp xương chắc khỏe.
4.4 Táo
Táo là một nguồn phong phú của quercetin, một chất chống ôxy hóa giúp giảm viêm trong cơ thể. Loại trái cây này giúp chống lại bệnh tăng huyết áp, giảm nguy cơ ung thư và ngăn ngừa nhiễm virut. Nó là loại trái cây hoàn hảo để giảm cân vì nó cung cấp dinh dưỡng dày đặc trong khi ít calo và giàu chất xơ.
4.5 Hạt lanh
Thêm hạt lanh vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể làm nên điều kỳ diệu cho sức khỏe của bạn. Nó rất giàu chất chống ôxy hóa, chất xơ và chất béo lành mạnh. Hạt lanh từ lâu đã là một thực phẩm chính trong một chế độ ăn uống lành mạnh vì nó chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng và axit béo thiết yếu. Trên thực tế, hạt lanh xay có nhiều chức năng và hương vị rất ngon.
4.6 Hạt bí ngô
Hạt bí ngô là một nguồn cung cấp magiê tuyệt vời. Magiê là khoáng chất chống căng thẳng hoạt động cùng với vitamin C và vitamin B5 để hỗ trợ tuyến thượng thận và giảm mức độ căng thẳng.
4.7 Đậu nành
Đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành chứa nhiều isoflavones và protein có tác dụng thúc đẩy sản sinh estrogen, từ đó hạn chế viêm nhiễm, giảm khô hạn... Ăn những thực phẩm từ đậu nành giúp cho quá trình mang thai tốt hơn, ngăn ngừa bệnh u xơ tử cung, ung thư vú, tình trạng lão hóa cũng như các triệu chứng rối loạn nội tiết tố khác trong giai đoạn tiền mãn kinh. Mỗi ngày, nên bổ sung khoảng 100g đậu nành để cân bằng estrogen trong cơ thể một cách tự nhiên nhất.
4.8 Tỏi
Không chỉ được dùng để chế biến nhiều món ăn, tỏi còn được sử dụng để ngăn ngừa nhiều bệnh lý như viêm xoang, viêm họng… Đặc biệt, nó còn được biết là một loại thực phẩm tăng cường nội tiết tố nữ estrogen cho phụ nữ. Theo các chuyên gia, trong khoảng 100g tỏi có chứa khoảng 60,3mcg phytoestrogen. Chất này có tác dụng kích thích cơ thể tăng tiết nội tiết tố. Ăn tỏi còn chống được các chất ôxy hóa và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Chính vì vậy, nếu cơ thể đang bị thiếu nội tiết tố, ăn 1-2 tép tỏi mỗi ngày có thể cải thiện tình trạng này.
4.9 Trứng
Trứng chứa một lượng choline lành mạnh, một loại vitamin giúp cơ thể sản xuất chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh, sức khỏe não bộ, trí nhớ và sự phát triển. Trứng rất giàu axit béo omega 3, chất béo chống viêm giúp hỗ trợ não bộ. Khi tâm trí và hệ thần kinh khỏe mạnh, một người có thể đối phó với căng thẳng tốt hơn.
4.10 Cá béo
Các loại cá béo như cá hồi, cá thu... không chỉ giúp duy trì một trái tim khỏe mạnh mà còn có thể đảm bảo sự cân bằng nội tiết tố. Cá béo giàu chất dinh dưỡng omega-3, có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giúp ngừa hội chứng buồng trứng đa nang, nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố nghiêm trọng.
Các hormone tác động đến sự tăng trưởng và phát triển, sự trao đổi chất, tiêu hóa, khả năng sinh sản, căng thẳng, tâm trạng, năng lượng, sự thèm ăn, cân nặng...
Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, chất béo lành mạnh và protein giữ cho các hormone cân bằng. Thiếu ngủ, căng thẳng, rượu bia và thực phẩm chế biến sẵn cũng có thể loại bỏ hormone trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, nơi giữ cho hormone cân bằng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tiêm chủng an toàn ở TP.HCM