10 thói quen không tốt cần tránh khi trời lạnh để phòng biến cố về sức khỏe

30-12-2022 13:48 | Bệnh người cao tuổi

SKĐS - Để tránh các biến cố về sức khỏe có thể ập đến đột ngột như: Đột quỵ, cơn tăng huyết áp, cơn đau tim, chóng mặt, mất thăng bằng, té ngã..., nhất là vào mùa lạnh rét, người dân cần thay đổi một số thói quen để bảo vệ sức khoẻ.

Người lớn tuổi đặc biệt là người từ 60, 70 tuổi và người cao niên cần hết sức cẩn thận 10 thói quen sau.

1. Khi thức giấc buổi sáng, không ra khỏi giường ngay

Tỉnh giấc, nên nằm trên giường 5 phút, mở chăn ra từ từ cho quen nhiệt độ môi trường. Bạn mở mắt, định vị lại không gian và thời gian, sau khi thật sự tỉnh táo.

Thong thả ngồi dậy cạnh mép giường, để bàn chân xuống đất mang dép vào, ngồi vài phút hít thở nhẹ đều đặn. Rồi đứng dậy từ từ và đi ra khỏi phòng ngủ.

Lý do khá đơn giản, nếu bật dậy nhanh rời khỏi giường, tuần hoàn cơ thể chưa điều chỉnh kịp, gây thiếu máu não hoặc tụt huyết áp tư thế, dẫn đến choáng và mất thăng bằng, biến cố sẽ  ập đến.

2. Không nên vận động mạnh trong 30 phút đầu tiên sau khi thức dậy

Nhiều người có thói quen ngay sau khi thức dậy là vận động, tuy nhiên 30 phút đầu tiên sau thức dậy buổi sáng là thời điểm hay xảy ra các biến cố sức khỏe.

Vì sao vậy? Theo nhịp sinh học, đầu giờ sáng là lúc thân nhiệt đang cao, huyết áp tăng hơn... Nếu vận động mạnh như chạy nhảy, leo nhanh cầu thang... làm huyết áp, mạch... tăng cao hơn nữa và hệ quả dễ xảy ra các biến cố.

Do đó, không nên vận động mạnh trong 30 phút đầu tiên khi thức dậy buổi sáng.

Thường xuyên vận động các khớp tay, chân, và xoa bóp các cơ, vì nếu không các cụ sẽ cứng khớp nhanh chóng.

Người cao tuổi mùa lạnh nên thường xuyên vận động trong nhà tránh tập luyện ở ngoài trời để phòng biến cố về sức khỏe.

3. Những ngày trời quá lạnh, nên cẩn thận khi vệ sinh cá nhân

Thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ là điều tất yếu, tuy nhiên khi trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp nhiều người vẫn có thói quen tắm hàng ngày, dễ dẫn đến các biến cố về sức khỏe. Vì vậy, những ngày lạnh giá, cách ngày hoặc 2-3 ngày nên tắm. Vẫn mang đồ ấm gọn gàng khi đi vệ sinh cá nhân. Dùng nước ấm để đánh răng, lau mặt...

Nếu dùng nước đang quá lạnh sẽ thay đổi nhanh nhiệt độ cơ thể, và kết quả nguy cơ xảy ra biến cố cao hơn.

4. Cẩn thận tư thế thay áo quần để tránh té ngã

Người lớn tuổi nếu té ngã rất nguy hiểm, vì vậy buổi sáng thay quần áo, nên ngồi nơi tránh gió lùa. Tốt nhất ngồi trên ghế hoặc thành giường khi cởi quần dài.

Tối kỵ việc đứng co một chân để cởi hay mặc quần. Đây chính là nguyên nhân hay gặp gây té ngã ở những người lớn tuổi do mất thăng bằng. Thống kê cho thấy, té ngã là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật và tử vong ở người cao tuổi. Do đó, cần thận trọng khi thay quần áo nhất là khi mới thức dậy.

5. Nên ăn đầy đủ, ấm nóng vào bữa sáng và các bữa trong những ngày lạnh rét

Mùa lạnh không nên bỏ bữa, đừng ngại ăn vì điều đó sẽ không tốt cho sức khỏe, giảm sức đề kháng. Nên ăn thức ăn nóng ấm, đủ chất, dễ tiêu, thêm gia vị tạo ấm người. Có thể uống trà và nước ấm, tránh uống nước quá lạnh.

Ăn uống ấm giúp giữ thân nhiệt ổn định, giúp quá trình trao đổi chất cơ thể dễ dàng và ổn định tuần hoàn.

6. Không nên tập thể dục ngoài trời, có thể duy trì thể dục như đi bộ, yoga... trong nhà

Duy trì thói quen tập thể dục rất tốt cho sức khỏe nhưng thời tiết lạnh không nên tập thể dục vào lúc sáng sớm hoặc đêm muộn. Cần duy trì thể dục với đi bộ, yoga, thiền... trong nhà. Chỉ cần đi bộ trên mặt bằng 30 phút hàng ngày là đạt yêu cầu.

Bởi nếu tập thể dục ngoài trời lạnh đột ngột, gây co mạch, tăng nhịp tim, tăng huyết áp... dễ xảy ra biến cố.

7. Cần chú ý các tư thế vận động đầu cổ

Không nên ngoái đầu lui, quay cổ một cách đột ngột. Bởi vì động tác quay đầu nhanh về phía sau, làm cho mạch máu và thần kinh vùng gáy cổ dễ bị chèn ép, dẫn đến gây thiếu máu và oxy cung cấp cho não một cách đột ngột làm bạn chóng mặt, mất thăng bằng dễ té ngã.

Tốt nhất, khi muốn làm một công việc gì từ phía sau lưng, bạn thong thả xoay cả người lại phía sau, tránh đứng nguyên vị trí mà chỉ quay đầu.

8. Cẩn thận khi nhấc, bưng vác vật nặng

Không bưng vác quá sức cho phép, chính động tác ráng sức gây quá tải cho hệ tim mạch và nguy cơ xảy ra biến cố

Khi nhấc vật nặng, không khom cong người quá mức, sai tư thế sẽ làm tổn thương cột sống thắt lưng, dẫn đến thoát vị đĩa đệm chèn ép các rễ thần kinh.

9. Không nên quá ngửa cổ về phía sau khi tắm vòi sen

Người lớn tuổi, khi tắm vòi sen, đôi khi ngửa cổ về sau quá mức để làm sạch vùng mặt cổ. Đây là động tác vô cùng nguy hiểm, đã có nhiều trường hợp ngất xỉu và đột quỵ vì động tác này.

Lý do, khi bạn ngửa cổ quá mức làm chèn ép mạch máu vùng đầu cổ vốn đã xơ vữa hẹp lòng mạch do tuổi tác, dẫn đến thiếu máu và oxy não cấp tính.

Tốt nhất, nên dùng vòi cầm tay có nước ấm sẵn làm sạch vùng cổ mặt, ngực và phần lưng cao.

10. Một số lưu ý khi ngủ để tuần hoàn lưu thông tốt

Không kê đầu quá cao, nên dùng gối mềm diện tiếp xúc rộng cho cả đầu vai cổ, đảm bảo lưu thông tuần hoàn tốt cho vùng đầu cổ.

Phòng đủ ấm, nệm mềm đàn hồi. Tránh dùng nệm lún nhiều, vì sẽ dễ gây bệnh đau cột sống thắt lưng.

Mời độc giả xem thêm video:

Chuyên Gia Cảnh Báo Chế Độ Ăn Kiêng Chữa Bệnh Đang Gây Sốt


TS.Bs. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn