Sau đây là 10 thói quen hàng ngày có thể khiến tóc hư tổn và cách ngăn ngừa.
1. Thoa dầu gội theo chiều dài tóc, ngọn tóc
Việc thoa dầu gội theo chiều dài tóc, vào ngọn tóc có thể khiến tóc hư tổn. Nguyên nhân là do phần đuôi tóc thường khô hơn, do đó, khi thêm dầu gội sẽ càng khiến tóc trông khô hơn, xơ hơn.
Cách ngăn ngừa:
- Da đầu là nơi cung cấp các chất thiết yếu cho nang tóc. Do đó, nên thoa dầu gội vào da đầu, dưỡng chất trong dầu gội dễ dàng thấm vào chân tóc, giúp nuôi dưỡng và phục hồi tóc hư tổn.
- Massage da đầu nhẹ nhàng.
- Xả sạch dầu gội trên da đầu.
Lưu ý, để dầu gội chảy dọc theo chiều dài tóc và hạn chế chà xát dầu gội vào tóc.
2. Không dùng dầu xả
Không dùng dầu xả tóc sẽ khô, xơ hơn.
Cách ngăn ngừa: Sử dụng dầu xả sau mỗi lần gội đầu, xả kỹ với nước để đảm bảo sạch dầu xả. Dùng dầu xả sau khi gội gội mang lại độ ẩm cho tóc, giúp tóc suôn, mềm hơn.
3. Không bảo vệ tóc khi đi bơi
Hóa chất trong bể bơi có thể gây hại cho tóc, khiến tóc dễ gãy, rụng hơn.
Cách ngăn ngừa: Đội mũ bơi, xả sạch tóc ngay sau khi bơi, sau đó gội đầu bằng loại dầu gội dành riêng cho người đi bơi và dùng dầu xả dưỡng sâu.
4. Dùng khăn chà xát làm khô tóc sau khi gội đầu
Việc làm khô tóc sau khi gội đầu bằng cách chà sát, vò tóc với khăn có thể khiến tình trạng tóc hư tổn, chẻ ngọn, khô, dễ gãy càng nặng hơn.
Cách ngăn ngừa: Quấn tóc bằng khăn mềm mại để thấm nước, giảm ma sát quá mạnh lên lớp sừng và nang tóc rồi để tóc khô tự nhiên.
5. Chải tóc khi còn ướt
Chải tóc khi còn ướt sẽ tác động đến chân tóc, nang tóc và lâu dần có thể làm tóc dễ gãy rụng hơn.
Cách ngăn ngừa: Nên để tóc đỡ ướt rồi chải nhẹ bằng lược răng thưa.
6. Sấy tóc sau khi gội đầu
Việc thường xuyên sấy tóc sau khi gội đầu có thể khiến tóc trở nên khô, xơ, dễ gãy rụng do nhiệt độ cao, nhất là với những người có tóc mỏng, yếu.
Cách ngăn ngừa: Để tóc khô tự nhiên nếu có thể. Nếu cần phải dùng máy sấy tóc nên sử dụng ở mức nhiệt thấp nhất. Trước khi sấy tóc, nên xịt kem dưỡng tóc. Khi tóc gần khô nên chuyển sang lau nhẹ với khăn để tránh tóc bị khô do tiếp xúc với nhiệt độ cao quá lâu.
7. Sử dụng các sản phẩm tạo kiểu tóc
Việc dùng các sản phẩm tạo kiểu tóc, giữ nếp tóc quá thường xuyên có thể khiến tóc khô, gãy rụng, nhiều gầu, tóc xỉn màu và bạc.
Cách ngăn ngừa: Cố gắng để kiểu tóc mà không cần dùng đến các sản phẩm này.
8. Nối tóc
Nối tóc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới da đầu. Hóa chất trong keo nối tóc có thể gây kích ứng, mẩn ngứa, viêm chân tóc, khiến tóc khô, yếu, gãy rụng, tóc lâu mọc hơn và thiếu sức sống…
Cách ngăn ngừa: Nối tóc nhẹ để tóc không bị kéo căng; sSử dụng tóc nối trong tối đa 2 hoặc 3 tháng; giữ vệ sinh da đầu khi sử dụng tóc nối; thay đổi kiểu tóc để tránh phải nối tóc.
9. Thường xuyên nhuộm, uốn hoặc duỗi tóc
Hóa chất trong thuốc nhuộm có thể khiến tóc khô, giòn và dễ gãy, rụng...
Cách ngăn ngừa: Hạn chế nhuộm, uốn, duỗi tóc, đặc biệt là trong thời tiết hanh, khô; nên kéo dài thời gian giữa các lần nhuộm, duỗi hoặc uốn tóc từ 8 đến 10 tuần hoặc lâu hơn; chỉ nhuộm, duỗi hoặc uốn tóc đơn lẻ. Nếu muốn thực hiện cùng lúc, nên uốn hoặc duỗi tóc trước và chỉ nhuộm tóc sau đó 2 tuần.
Sử dụng dầu xả sau mỗi lần gội đầu và khi ra nắng, bảo vệ tóc bằng cách đội mũ rộng vành.
10. Chải tóc quá nhiều lần trong ngày
Chải tóc quá nhiều lần trong ngày và chải quá mạnh có thể khiến tóc yếu, dễ gãy rụng hơn.
Cách ngăn ngừa: Nên chải tóc khoảng 2 lần/ngày và chỉ chải tóc để tạo kiểu; tránh kéo, giật tóc khi chải hoặc tạo kiểu tóc; sử dụng lược răng thưa và chải tóc nhẹ nhàng, đồng thời luôn làm sạch lược trước khi chải tóc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lý do khiến tóc rụng?