10 tháng, phát hiện 100.000 lượt cơ sở vi phạm ATTP

08-11-2013 16:55 | Thời sự
google news

Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 10 tháng qua, các đoàn thanh, kiểm tra đã phát hiện gần 100.000 lượt cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó có hơn 5.000 cơ sở có sản phẩm không đạt bị tiêu hủy với tổng số 5.518 loại sản phẩm khác nhau…

Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 10 tháng qua, các đoàn thanh, kiểm tra đã phát hiện gần 100.000 lượt cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó có hơn 5.000 cơ sở có sản phẩm không đạt bị tiêu hủy với tổng số 5.518 loại sản phẩm khác nhau…

Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm, nhất là ở tuyến xã và tuyến huyện, tỷ lệ cơ sở có vi phạm không bị xử lý chiếm 80%. Trong số các cơ sở vi phạm có những cơ sở cố tình sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn như sản phẩm động vật chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, đã thối rữa hoặc sử dụng chất cấm, chất độc hại như Tinopal, Axit Maleic, Rhodamine B,... để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó một số cơ sở cố tình quảng cáo sai quy định, thậm chí quảng cáo thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong những tháng cuối của năm 2013 và bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán năm 2014, Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về VSATTP có văn bản số 17/BCĐTƯVSATTP ngày 08/11/2013 đề nghị các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp lễ tết (Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội) như bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản.., các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các làng nghề truyền thống, các cơ sở đã được phát hiện trước đó có vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP và quảng cáo thực phẩm. Đối với các tỉnh biên giới và khu vực lân cận với các tỉnh biên giới cần đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn ngốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm ATTP.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm ATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn mua, tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu; tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nói không với thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.

Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn tiếp tục lưu thông, tài liệu quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành. Đồng thời thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở vi phạm, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn…

PV

Ý kiến của bạn