Hà Nội

10 quy tắc ứng xử mẹ cần dạy bé

27-06-2014 11:29 | Đời sống
google news

SKĐS - Uốn nắn những cách thức sống văn minh cho bé ngay từ bây giờ sẽ là công cụ giúp bé trở thành một người lịch thiệp về sau.

Uốn nắn những cách thức sống văn minh cho bé ngay từ bây giờ sẽ là công cụ giúp bé trở thành một người lịch thiệp về sau.

1. Lịch sự trên bàn ăn

Khi nhà có khách, bạn nên dạy bé phép lịch sự như xếp bát đũa cho khách trước, mời cả nhà ăn cơm. Đặc biệt, bé nên ăn uống từ tốn, tránh tình trạng vừa ăn vừa nói…

2. Cách thức nghe điện thoại

Nếu bạn hướng dẫn bé quay số gọi điện thoại cho một người bạn của bé, nên dạy bé lễ phép chào hỏi người cầm máy ở đầu dây bên kia trước khi yêu cầu gặp người bạn đó. Tương tự, bạn nên chỉ dẫn bé phải chào hỏi khi nghe điện thoại trước đã, sau đó mới chuyển máy cho bố mẹ.

3. Bày tỏ sự cảm kích

Bất kì là việc gì, dù là nhỏ nhất, bé làm giúp bạn, bạn cũng nên cảm ơn bé. Làm như vậy, bé sẽ tự giác học được thói quen giao tiếp lịch thiệp. Bé cũng sẽ biết sử dụng cụm từ cảm ơn thường xuyên, đúng lúc.

4. Hòa nhã khi phản hồi

Xây dựng cho bé tinh thần vui vẻ khi trả lời những câu hỏi từ cha mẹ, người thân hay bạn bè… Gợi ý để bé hiểu rằng, dù bực bội, bé vẫn cần phải đáp lại những câu hỏi từ phía người khác.

5. Cởi giày khi vào nhà người khác

Trong lúc giúp bé mặc quần áo mỗi ngày, bạn nên hướng dẫn bé cả cách cởi (tháo) giày để bé có thể tự mình làm được việc này khi cần thiết. Nếu đưa bé đi sang chơi nhà một người khác, bạn có thể yêu cầu bé cởi và để giày ở ngoài cửa. Không nên nhân nhượng nghĩ bé còn nhỏ mà châm chước cho hành động đi cả giày (dép) vào nhà của bé.

6. Đặt ra những câu hỏi

Bé có thể thắc mắc bất kì vấn đề nào với riêng bạn nhưng nên hướng cho bé đến sự tế nhị trong giao tiếp. Chẳng hạn, bạn có thể nói để bé hiểu rằng, những câu hỏi trước mặt bạn bé như “Sao da bạn đen thế?”, “Sao bạn béo thế?” hoặc “Sao bạn xấu thế?” là những điều không nên nói.

7. Đưa (nhận) đồ từ tay người lớn

Nguyên tắc khi muốn đưa (nhận) đồ vật từ tay người lớn là bé phải đứng thẳng người, đưa hai tay ra đón (trao) đồ vật. Bé có thể kèm theo những lời cảm ơn hoặc “Con xin”.

Nếu người lớn đưa cho bé một món đồ ăn, bé có thể nhận hoặc từ chối. Nếu nhận, bé nên cảm ơn rồi ăn từng miếng nhỏ, không nên nhai nhồm nhoàm cả khoang thức ăn đó.

8. Chia sẻ đồ ăn cho anh (chị, em) bé

Khi bạn mua đồ ăn về nhà, nên khuyến khích các bé biết cách chia đều cho nhau. Không nên thiên vị hay đối đãi tốt với bé này mà xem nhẹ bé khác. Bạn nên hướng dẫn các bé có tinh thần chia sẻ. Sau này, dù không có bạn ở bên cạnh, các bé cũng sẽ biết cách dàn xếp ổn thỏa với nhau.

9. Thân thiện với các bạn

Nếu bé đã đến tuổi mẫu giáo, bạn nên hướng dẫn bé cách kết bạn. Hãy để các bé được làm quen với nhau tự nhiên, bạn chỉ cần can thiệp khi các bé xuất hiện những hành vi xấu. Đề ra những nguyên tắc như không đánh, cắn… hay nói xấu bạn chơi để bé tự nhận thức và thực hiện theo.

10. Dùng câu 3 từ

Đó là những câu nói đơn giản nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa mà bé có thể sử dụng tùy theo hoàn cảnh. Chẳng hạn “Con cảm ơn”, “Con xin lỗi”, “Con rất vui…”…

 

 


Ý kiến của bạn