Chuyên gia về thực phẩm chức năng và thuốc bổ Mark A.Moyad cho rằng, nhiều người quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, đồn thổi của các loại thực phẩm chức năng và thuốc bổ, thậm chí họ cho rằng nó là “thần dược” với sức khỏe, nếu uống các loại thực phẩm bổ sung sẽ đảm bảo cho sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên điều này có phải là sự thật? TS. Moyad cho biết, khi dùng thực phẩm chức năng, bạn cần nắm giữ 10 quy tắc sau nếu không muốn rước thêm bệnh vào người:
Không cần dùng thực phẩm chức năng nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh
Nếu phải dùng bất cứ loại thuốc nào, hãy tìm một lý do chính đáng. Theo các chuyên gia y tế, nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh không cần phải uống bất cứ một loại thuốc nào. Bởi thực phẩm chức năng vẫn là một loại thuốc, nó sẽ ít nhiều tác động đến cơ thể của bạn. Đối với những người có nguy cơ bị bệnh tim, tiểu đường do lối sống ít vận động, béo phì hay tiền sử gia đình có người mắc bệnh, bạn cần cân nhắc đến việc uống thuốc bổ sung bởi nó sẽ tác động tới tình trạng bệnh của bạn.
Cân nhắc khi uống thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ sung
Khi muốn uống bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, bạn cần cân nhắc kỹ càng, giữa lợi ích và nguy cơ có thể mang đến cho cơ thể. Hãy nhớ rằng nhiều thuốc bổ sung có hoạt chất không khác gì việc bạn bổ sung nó qua thực phẩm với chế độ ăn uống hợp lý, khoa học.
Bắt đầu với liều lượng dành cho trẻ em
Với việc uống các loại thuốc bổ, nên bắt đầu với liều lượng thấp, để nhận được tác dụng chậm, từ từ. Điều này còn giúp bạn tránh bị hội chứng ruột kích thích do uống các loại thuốc bổ sung. Với các chiến lược tiếp thị thuốc, viên thuốc bổ ngày càng lớn hơn, nhưng điều này không cần thiết với nhiều người. Bởi thuốc lớn hơn, có thể tác dụng phụ cũng nhiều hơn tương ứng. Với một số thuốc vitamin tổng hợp, nên uống liều lượng trẻ em dễ dàng và an toàn hơn. Bởi thuốc nói chung và thuốc bổ nói riêng liều lượng được khuyến cáo trên vỏ thuốc phù hợp với người châu Âu có thể trạng và trọng lượng khác hẳn người châu Á.
Không uống thuốc bổ vô thời hạn
Không có một loại thuốc bổ hay thực phẩm chức năng nào dùng mãi mãi, từ ngày này sang tháng khác. TS. Moyad cho biết, theo các nghiên cứu hiện đại, các loại thuốc bổ nên được dùng với liều thấp nhất, với mức giá thấp nhất và có thời gian ngắn nhất. Với quy tắc này, người dùng thuốc sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào thuốc hoặc trở nên nghiện các loại thuốc bổ, thay vào đó họ có thể tập trung vào việc thay đổi lối sống, trong đó bao gồm cả chế độ ăn uống lành mạnh giúp bổ sung những dưỡng chất còn thiếu cho cơ thể.
Tuy nhiên có những loại thuốc có thể giúp ngăn ngừa tái phát ung thư hoặc ngăn ngừa bệnh tật được bác sĩ kê đơn, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị.
Không phải cứ thuốc đắt mới tốt
Hầu hết các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng đều được bán ra với giá thành khá cao, trong đó phần nhiều là được cấp bằng sáng chế. Nói cách khác, nếu bạn đang trả rất nhiều tiền cho một loại thực phẩm chức năng đắt đỏ, chưa chắc nó đã tốt hơn những loại thuốc bổ sung có hoạt chất tương tự nhưng rẻ tiền.
Xem xét nhãn thuốc trước khi mua
Khi mua bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm nào, cần nhớ xem xét kỹ nhãn bao bì và hướng dẫn sử dụng của thuốc. Bởi trong hướng dẫn sử dụng bao giờ cũng có những khuyến cáo với người dùng, như thuốc có dùng cho người bệnh tim, người đang mang thai, trẻ em hay ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần hay không. Bên cạnh đó, những loại thực phẩm chức năng phải đảm bảo không có phthalate, màu nhân tạo, hương liệu nhân tạo, đường hay chất làm ngọt nhân tạo, không có gluten, không sử dụng hormon, lactose, sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ, không có chất bảo quản, không có men, các thành phần gây dị ứng (như đậu nành, đậu phộng, hạt cây...), thuốc không có các kim loại nặng như arsenic, cadmium, chì, thủy ngân, thuốc cũng được thử nghiệm đạt các tiêu chuẩn về an toàn.
Khi sử dụng thuốc không cần xét nghiệm máu thường xuyên
Với một số trường hợp, người bệnh cần phải được xét nghiệm máu để tìm kiếm hoạt chất mà cơ thể đang thiếu hụt như kali, magie, sắt, vitamin B12. Ví dụ như nếu một người phụ nữ bị mệt mỏi do mất máu kinh nguyệt quá nhiều cần có một xét nghiệm nghi ngờ bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên những xét nghiệm máu về các hoạt chất rất đơn giản và ít có ý nghĩa bởi sau một thời gian uống thuốc bổ sung, có thể xét nghiệm máu của bạn sẽ được cải thiện, nhưng điều này không có nghĩa là sức khỏe của bạn được cải thiện. Do vậy xét nghiệm máu kiểm tra sau thời gian uống thực phẩm bổ sung là không cần thiết. Xét nghiệm máu thực sự có ý nghĩa để tìm và phát hiện bệnh ban đầu.
Phối hợp giữa bác sĩ và dược sĩ
Thông thường bác sĩ là người kê toa và dược sĩ là người tư vấn dùng thuốc. Đối với những người có thói quen tự mua thuốc về dùng, họ thường chỉ hỏi dược sĩ về tác dụng của thuốc và tự dùng. Thực tế là uống thực phẩm chức năng hay thuốc đều cần đến sự tư vấn của bác sĩ và dược sĩ. Bởi chỉ có bác sĩ và dược sĩ mới là người hiểu về sức khỏe của bệnh nhân, có thể dùng thuốc gì, hay những tương tác với thuốc người bệnh đang sử dụng, các phản ứng phụ có thể xảy ra trên mỗi cơ địa của bệnh nhân.
Dùng thuốc với thực phẩm
Thực phẩm chức năng thường được bổ sung trong hoặc ngay sau bữa, trừ một số loại thuốc khuyến cáo người bệnh dùng lúc đói. Những nghiên cứu cho thấy, tác dụng phụ phổ biến nhất ở mọi người khi sử dụng thuốc bổ sung hay thực phẩm chức năng là rối loạn dạ dày, tốt nhất nên uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn sẽ giúp dịch vị dạ dày và thức ăn dễ hấp thu thuốc nhất vào cơ thể.
Quá liều khi thực phẩm bổ sung
Những người thích sử dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng có thể nói đến vô vàn các lợi ích của chúng mang lại, nhưng thực tế, chúng cũng là một loại thuốc. Những viên thuốc có thể gây hại cho các bộ phận trong cơ thể của bạn như gan, thận ... ví dụ như bạn có thể bị quá liều vitamin D. Thực tế đã chỉ ra, nếu quá liều seleium (200mcg mỗi ngày) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, ung thư tuyến tiền liệt, tái phát ung thư da, và không có lợi cho sức khỏe tim mạch. Selen là một chất dinh dưỡng tuyệt vời và có thể ngăn ngừa bệnh tật, tuy nhiên, quá ít hoặc quá nhiều có thể gây hại.
Dưới đây là một số kiến thức bạn cần biết trước khi dùng các loại thuốc hay thực phẩm chức năng:
Quá nhiều vitamin A : nhiễm độc gan
Quá nhiều canxi, vitamin D, hoặc vitamin C : sỏi thận
Quá nhiều gạo đỏ lên men (một loại thuốc điều hòa cholesterol): đau cơ, nhiễm độc gan
Quá nhiều 5-HTP hoặc St John wort (một loại thảo dược điều trị trầm cảm) : buồn nôn
Quá nhiều vitamin B6 : bệnh thần kinh ngoại biên
Quá liều dầu cá: khó chịu đường tiêu hóa và tăng cholesterol xấu (LDL)
Quá nhiều kẽm: mất hương vị và mùi
Quá nhiều sắt: táo bón
Quá nhiều magiê: tiêu chảy
Quá nhiều iốt: sẽ gặp vấn đề tuyến giáp