Bệnh nhân Trần Văn Dẫn 49 tuổi, Ninh Kiều, Cần Thơ mắc bệnh lý đái tháo đường 15 năm và tăng huyết áp. 20h30 phút ngày 5/2/2020 bệnh nhân đột ngột lên cơn đau ngực trái dữ dội, kéo dài trên 10 phút kèm vã mồ hôi nhiều nên vào cấp cứu tại bệnh viện tuyến dưới sau đó được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Khi vào viện, anh Dẫn đau ngực trái nhiều, vã mồ hôi, khó thở. Dựa vào thăm khám lâm sàng, đo điện tâm đồ các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước rộng giờ thứ 2, có chỉ định chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu.
Hình ảnh trước can thiệp...
Bệnh nhân được chuyển thẳng đến phòng can thiệp. Thời gian từ lúc vào viện đến khi chuyển đi can thiệp là 20 phút. Trong thời gian chuyển đến phòng can thiệp khi vừa đến thang máy, bệnh nhân đột ngột co gồng người, tím tái, ngừng tim.
Do đã tiên đoán các biến chứng có thể xảy ra trên đường di chuyển đến phòng can thiệp nên ê kíp bác sĩ can thiệp đi cùng với đầy đủ phương tiện và thuốc cấp cứu, tiến hành xoa bóp tim, sốc điện, hô hấp hỗ trợ, sau 10 phút cấp cứu bệnh nhân có nhịp tim trở lại, các bác sĩ vừa hồi sức kết hợp sử dụng thuốc chống loạn nhịp và nhanh chóng chuyển đến phòng can thiệp.
...và sau can thiệp
Tại phòng can thiệp, do đã được khởi động sẵn sàng hệ thống máy chụp mạch vành nên quá trình thực hiện rất nhanh. Ê kíp can thiệp do Ths. BS Trần Văn Triệu (thủ thuật viên chính); BS Huỳnh Minh Thông - Khoa Tim mạch can thiệp đã tiến hành chụp và can thiệp mạch vành cho bệnh nhân.
Thời gian từ lúc đâm kim đến lúc tái thông mạch vành là 10 phút. Kết quả chụp mạch vành thân chung mạch vành không hẹp, động mạch vành nhánh liên thất trước đoạn I bị tắc và có huyết khối, hẹp 30 % đoạn III.
Ê kíp tiến hành sử dụng bóng nong nhánh liên thất trước, can thiệp thành công san thương nhánh liên thất trước đoạn I-II bằng stent phủ thuốc. Thời gian hoàn tất quá trình đặt stent là 15 phút. Sau can thiệp sinh tồn bệnh nhân ổn định, bớt đau ngực nhiều, không khó thở, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt và được tiếp tục theo dõi tại Khoa Tim mạch can thiệp.
Sáng 6/2/2020, bệnh nhân Dẫn đã hồi phục tốt
Sáng 6/2/2020 bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, đau ngực giảm nhiều, bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường.
Theo ThS.BS. Trần Văn Triệu: Nhồi máu cơ tim cấp tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Những năm gần đây ở Việt Nam, số ca nhồi máu cơ tim cấp có xu hướng tăng để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo Hội Tim mạch Mỹ, nhồi máu cơ tim có tỷ lệ tử vong cao, có đến 50% các trường hợp tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện.
Đặc biệt, những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trước rộng là bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong những giờ đầu vì biến chứng loạn nhịp, suy bơm. Tử vong của nhồi máu cơ tim xảy ra với tỷ lệ cao nhất chính là vào giờ đầu tiên. Bởi vậy, việc chay đua với thời gian là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng của bệnh nhân.
Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim đột ngột bị cắt đứt, gây tổn thương tế bào cơ tim và xuất hiện cơn đau ngực. Đây là kết quả của sự tắc nghẽn một hay nhiều động mạch vành. Nếu 1 vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, lúc này chức năng bơm máu của tim không còn toàn vẹn như trước gây nên các hậu quả như suy tim, sốc tim, đột tử do tim.
Nguyên tắc chung là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim do thiếu máu nuôi dưỡng nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết vì hoại tử do thiếu máu.
Những trường hợp người bệnh còn sống sót nhưng không được can thiệp kịp thời thì một phần cơ tim sẽ bị chết và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng co bóp của cơ tim.
BSCKII. Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn BVĐK Trung ương Cần Thơ cho rằng, khi phát hiện những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp, nên đến bệnh viện sớm nhất có thể để có những xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong. Các phương pháp tim mạch can thiệp có thể giúp mở thông lại động mạch vành giúp lập lại dòng máu và cứu sống bệnh nhân.
Phương pháp tim mạch can thiệp có thể giúp cho bệnh nhân giảm triệu chứng, làm bệnh nhẹ đi, dự phòng hoặc giảm tối đa tổn thương cơ tim. Khi nhồi máu cơ tim, việc tiến hành các phương pháp can thiệp nhanh nhất có thể sẽ giúp người bệnh cải thiện được nhiều nhất tình trạng sức khỏe, bệnh tật.
Tim mạch can thiệp có hiệu quả nhất nếu chúng ta làm trong giờ đầu tiên sau khi có nhồi máu hoặc ít hơn 6 tiếng sau nhồi máu sẽ thu hiệu quả nhiều hơn. Chậm trễ hơn mỗi giờ sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Vì vậy, cần đến bệnh viện có đơn vị can thiệp sớm nhất có thể khi có dấu hiệu bệnh.