Bất chấp những định kiến xã hội và bất bình đẳng giới, những nữ bác sĩ trong lịch sử y khoa bằng tài năng và trí tuệ của mình đã có nhiều cống hiến cho nhân loại.
Trang y khoa Proclinical đã nêu tên 10 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng thế giới trong lịch sử y học từ thời cổ đại cho tới ngày nay.
1. Metrodora (năm 200-400 sau CN)
Metrodora là một nữ thầy thuốc người Hy Lạp đã viết nên cuốn cẩm nang y khoa "Các bệnh ở phụ nữ và cách chữa các bệnh phụ nữ". Đây là cuốn y văn cổ nhất do một người phụ nữ viết nên.
Đáng chú ý, trong cuốn sách không hề đề cập tới vấn đề đỡ đẻ, vốn là lĩnh vực y học duy nhất mà phụ nữ tham gia thời kỳ đó. Bởi thời kỳ đó, vai trò của phụ nữ vốn bị giới hạn trong ngành y.
Thay vào đó, trong cuốn sách của mình, Metrodora đã bao phủ mọi vấn đề liên quan tới bệnh tật ở phụ nữ cũng như cách chữa trị. Thậm chí, bà còn đưa ra nhiều liệu pháp chữa bệnh cũng như kỹ thuật phẫu thuật mang tính cách mạng ở thời đại của bà.
Đặc biệt, người thầy thuốc Hy Lạp Hippocrates - "ông tổ" ngành y mà tới nay sinh viên y khoa vẫn còn tuyên thệ "Lời thề Hippocrates" là nguồn cảm hứng và có sức ảnh hưởng lớn tới bà.
Cho tới nay, các tác phẩm của Metrodora vẫn được nhiều thầy thuốc trong suốt lịch sử tham khảo và ứng dụng.
2. Elizabeth Blackwell (1821-1910)
Elizabeth Blackwell là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp đại học y khoa ở Mỹ. Là người gốc Anh, bà được nuôi dạy trong một gia đình có tư tưởng tân tiến và tích cực tham gia hoạt động xã hội. Cha bà là người yêu nước và ủng hộ xóa bỏ chế độ nô lệ. Những người chị em gái của bà thì tham gia phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ.
Sau khi bị vài trường đại học từ chối, Blackwell cuối cùng đã được nhận vào Trường Y khoa Geneva vào năm 1847. Ban đầu thì bà bị một số bạn học kỳ thị, tuy nhiên, sau đó bà dần dần chiếm được cảm tình của các bạn cùng lớp và đứng đầu lớp khi tốt nghiệp vào năm 1849.
Vào năm 1857, bà cùng với chị gái BS. Emily Blackwell (người thứ 3 giành được bằng cử nhân y khoa) và BS. Marie Zakrzewska mở ra Bệnh xá New York dành cho Phụ nữ và Trẻ em.
BS. Elizabeth Blackwell đóng vai trò quan trọng cả ở Mỹ và Anh về mặt nữ quyền, thúc đẩy nâng cao năng lực cho phụ nữ ngành y thông qua cuốn sách truyền cảm hứng "Công việc tiên phong mở ra nghiệp y khoa cho phụ nữ" (nguyên văn: Pioneer Work in Opening the Medical Profession to Women)
3. Marie Curie (1867-1934)
Nhà khoa học, toán học người Ba Lan Marie Curie cùng với chồng mình đã phát hiện ra 2 nguyên tố quan trọng trong bảng tuần hoàn hóa học: polonium và radium. Công trình nghiên cứu này đã mở đường cho cho sự ra đời của tia X-quang, dẫn đến nhiều tiến bộ trong y học.
Ngày nay, những tiến bộ đạt được trong công nghệ X-quang cho phép chẩn đoán bệnh, đồng thời biện pháp xạ trị còn được sử dụng trong điều trị ung thư.
Trong Thế Chiến I, Marie Curie và con gái bà đã mang máy X-quang di động tới chiến tuyến để chẩn đoán và điều trị cho hơn 1 triệu người.
Marie Curie giành giải Nobel Vật lý vào năm 1903, và Nobel Hóa học vào năm 1911. Bà là người phụ nữ đầu tiên và người phụ nữ duy nhất từng hai lần giành giải Nobel.
Viện Curie, do bà thành lập tại Paris vào năm 1920, ngày nay là cơ sở nghiên cứu ung thư lớn.
4. Gerty Cori (1896-1957)
Thêm một bóng hồng nữa giành giải Nobel là Gerty Cori. Bà giành giải Nobel Y sinh học danh giá vào năm 1947. Gerty Cori là người phụ nữ đầu tiên dành giải Nobel trong lĩnh vực Y học.
Cùng với người chồng Carl Ferdinand Cori, cả hai cùng chung đam mê trong lĩnh vực tiền lâm sàng nhằm chứng minh những khái niệm sống còn trong lĩnh vực di truyền học.
Công trình của họ dẫn tới phát hiện ra rằng sự thiếu hụt enzyme có thể dẫn tới rối loạn chuyển hóa. Họ đã thực hiện nhiều nghiên cứu về hoạt động của các hormone, tập trung vào tuyến yên.
Trong suốt cuộc đời mình, Gerty Cori đã giành nhiều giải thưởng danh giá khác tôn vinh những đóng góp của bà cho khoa học. Bà dành bằng Tiến sĩ Khoa học Danh dự từ Trường Đại học Boston, Smith College, Yale, Columbia và Rochester từ năm 1948 tới năm 1955.
5. Virginia Apgar (1909-1974)
Virginia Apgar nổi tiếng với phát minh điểm Apgar, bài kiểm tra nhanh được các bác sĩ áp dụng để phát hiện xem trẻ sơ sinh có cần được chăm sóc y tế khẩn cấp hay không.
Điểm Apgar có tác dụng làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Ngày nay điểm Apgar vẫn được sử dụng để đánh giá tình trạng lâm sàng của trẻ sơ sinh trong vài phút đầu đời.
Apgar là người phụ nữ đầu tiên trở thành giáo sư tại Đại học Y khoa và Phẫu thuật Columbia.
6. Gertrude Belle Elion (1918-1999)
Nhà hóa học người Mỹ Gertrude Belle Ellion giành giải Nobel cùng với George H Hitchins và Sir James Black nhờ phương pháp tiên phong trong thiết kế thuốc hợp lý, nhằm hiểu rõ mục tiêu của thuốc hơn là phương pháp thử và sai.
Khi chứng kiến người ông của mình qua đời vì bệnh ung thư, cô bé 15 tuổi Gertrude đã quyết tâm theo đuổi ngành y để tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh này.
Sử dụng những phương pháp mà bà đã thiết kế nên, Gertrude Elion cùng đội ngũ của mình đã đăng ký 45 bằng sáng chế đáng kinh ngạc, trong đó có các loại thuốc trị bệnh máu trắng, herpes, AIDS, các phương pháp điều trị chống đào thải ghép thận.
7. Rosalind Franklin (1920-1958)
Nhà khoa học người Anh Rosalind Franklin nổi tiếng với công trình tìm hiểu cấu trúc DNA. Việc xác định chuỗi xoắn kép đã dẫn đến những tiến bộ trong lĩnh vực di truyền học và y học hiện đại.
Franklin cũng đứng đầu công trình tiên phong về cấu trúc phân tử RNA của virus và bệnh bại liệt.
Đam mê khoa học từ nhỏ, Franklin nuôi dưỡng giấc mơ trở thành nhà khoa học khi mới 15 tuổi. Bà đã phải đấu tranh rất nhiều với gia đình để học lên cao và cuối cùng tốt nghiệp Đại học Cambridge vào năm 1941.
Nếu không bất ngờ qua đời vào năm 1958 do căn bệnh ung thư, bà rất có thể đã giành giải Nobel cả vào năm 1962 và 1982 cho công trình để đời liên quan tới cấu trúc phân tử RNA của virus và bệnh dại. Tuy nhiên, rất tiếc là giải Nobel chỉ trao cho người còn sống, chứ không vinh danh người đã khuất.
8. Rosalyn Yalow (1921-2011)
Nhà vật lý y khoa người Mỹ Rosalyn Yalow giành giải Nobel Y học năm 1977 nhờ kỹ thuật xét nghiệm miễn dịch phóng xạ (RIA), được sử dụng để đo nồng độ peptide trong máu.
Kỹ thuật chẩn đoán của Rosalyn Yalow chính xác đến mức được sử dụng để phát hiện người hiến máu mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV và viêm gan.
Phát minh của bà đã mở đường cho việc truyền máu cứu người an toàn và hiệu quả. Sau đó, phương pháp này còn giúp các nhà khoa học chứng minh rằng, bệnh tiểu đường tuýp 2 là do cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách.
9. Patricia Goldman-Rakic (1937-2003)
Nhà thần kinh học Patricia Goldman-Rakic nổi tiếng với những nghiên cứu về não bộ, đặc biệt là thùy trán và mối liên hệ với trí nhớ. Bà tốt nghiệp cử nhân Thần kinh học tại Vassar năm 1959, và sau đó lấy bằng tiến sĩ Tâm lý học Phát triển tại Đại học California vào năm 1963.
Nghiên cứu đa ngành của bà góp phần đáng kể vào sự hiểu biết về các bệnh thần kinh như sa sút trí tuệ, Alzheimer và Parkinson.
Nghiên cứu của bà về dopamine và ảnh hưởng đối với não bộ đóng vai trò sống còn đối với sự hiểu biết ngày nay về các căn bệnh như tâm thần phân liệt và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
10. Francoise Barré-Sinoussi (sinh năm 1947)
Nhà khoa học người Pháp Francoise Barré-Sinoussi được vinh danh nhờ phát hiện ra virus HIV là nguyên nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (hay còn gọi là bệnh AIDS).
Năm 2008, Francoise Barré-Sinoussi cùng với Luc Montaigner giành giải Nobel Y học nhờ phát hiện ra virus HIV đã tấn công các tế bào lympho - một loại tế bào máu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Công trình quan trọng của bà đã mở đường cho các biện pháp dự phòng và điều trị HIV, giúp hàng triệu người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.