Đây là con số đáng báo động được đưa ra tại hội thảo khởi động chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái” do Liên Hợp Quốc tại VN và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 24/11 nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này, đặc biệt là của nam giới, đồng thời kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi người trong việc chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Cần thiết phải có hành động toàn cầu để giải quyết vấn đề này.
Số liệu từ các nghiên cứu cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% gái mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% đã bị cưỡng ép tình dục; 10% phụ nữ có chồng đã bị bạo lực tình dục từ chồng của mình.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của Liên Hợp Quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Việc ngăn chặn và tiến tới chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái dù ngoài xã hội hay trong gia đình đang là mối quan tâm của các quốc gia, tổ chức trên thế giới. Trên nhiều diễn đàn quốc tế, vấn đề này được các Chính phủ nhìn nhận như một sự vi phạm đối với nhân phẩm con người, là sự vi phạm Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là một trong các quốc gia sớm phê chuẩn Công ước này”.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng: “Bạo lực tình dục thường được coi là chủ đề quá nhạy cảm vì xã hội thường có định kiến đối với nạn nhân bị bạo lực tình dục. Nạn nhân bị bạo lực tình dục thường bị đổ lỗi là do họ sống buông thả, chính vì vậy họ đành phải giữ im lặng. Nhiều người cho rằng tán tỉnh, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em gái là một việc bình thường của đàn ông! Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm và phải phá bỏ sự im lặng này".
Chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái” sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện với nhiều hình thức như đối thoại chính sách, hội thảo, giao lưu ca nhạc, hội thi, các hoạt động xã hội ... sẽ được tổ chức từ ngày 9/11 đến 11/12/2015 tại 11 tỉnh, thành, bao gồm Hà Nội, Hải Dương, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Gia Lai, Cần Thơ, Tây Ninh, Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh... Các sự kiện trong Chiến dịch cũng sẽ được tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Đã đến lúc cần hành động nhằm xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vì, đưa bạo lực tình dục ra ánh sáng.
Số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy: 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời.
Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng.
87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
D.Hải