Hà Nội

10 nhóm thực phẩm người đau cổ vai gáy nên ăn

SKĐS - Bên cạnh việc sử dụng thuốc và luyện tập thể dục, người bị đau vai gáy cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết.

Đau cổ vai gáy thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa và người trong độ tuổi lao động do chấn thương, làm việc sai tư thế và lao động gắng sức. 

Ngoài ra đau cổ vai gáy có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh xương khớp nguy hiểm, điển hình như hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm cổ, viêm cột sống, thoái hóa cột sống cổ

Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm đau nhức, tê bì, viêm, sưng và tăng khả năng chữa lành các tổn thương. 

Bài viết cung cấp thông tin về một số thực phẩm giúp hạn chế chứng đau cổ vai gáy để bạn đọc tham khảo.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Chuyên ngành Phẫu thuật Cột sống
https://suckhoedoisong.vn/dau-co-vai-...

1. Thực phẩm giàu canxi tốt cho người đau cổ vai gáy

Thực phẩm giàu canxi là nhóm thực phẩm được khuyên dùng cho những người bị đau cổ vai gáy kèm theo tê bì khó chịu. Canxi tham gia vào quá trình phát triển, phục hồi và tái tạo xương. Canxi giúp tăng khả năng chữa lành tổn thương ở sụn và các khớp xương hư tổn, giúp phòng ngừa và giảm đau hiệu quả.

Ngoài ra canxi còn giúp duy trì mật độ xương, tăng sự chắc khỏe và sự dẻo dai cho hệ thống xương khớp. Đồng thời phòng ngừa bệnh loãng xương, làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp và hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp hiệu quả như: gãy xương, viêm xương khớp, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống…

Đau vai gáy nên ăn gì cho nhanh khỏi? - Ảnh 2.

Sữa là thực phẩm giàu canxi.

Đối với bệnh nhân bị đau cổ vai gáy, thực phẩm giàu canxi giúp tăng cường chức năng và khả năng vận động vùng vai gáy. Đồng thời hỗ trợ giảm đau, giảm cảm giác tê bì và co cứng khó vận động. Để bổ sung đủ hàm lượng canxi cần thiết, người bệnh nên thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, rau lá xanh, cá mòi, cá hồi, các loại hạt, phô mai, các loại đậu, hạnh nhân, rau dền, hải sản có vỏ như tôm, cua…

Để hấp thụ canxi một cách hiệu quả, cần bổ sung đầy đủ vitamin D. Kết hợp thành phần này với canxi có thể là một cách tốt để phục hồi sau chấn thương vai hoặc bất kỳ chấn thương xương nào khác và có thể tăng cường sức mạnh của dây chằng. 

Các nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất là cá hồi, cá trích, cá mòi, dầu gan cá, lòng đỏ trứng, nấm, ngũ cốc, bột yến mạch, sữa đậu nành…

2. Trái cây và rau xanh giàu vitamin C

Vitamin C được coi là một chất dinh dưỡng chính trong việc sản xuất collagen, giúp duy trì sự toàn vẹn của cơ, gân, xương và da. Vì vậy, nếu cơ thể được cung cấp đủ vitamin C thì sẽ xây dựng lại các mô bị tổn thương nhanh hơn sau chấn thương. Ngoài ra, vitamin C bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do có thể gây hại cho cơ thể.

Để tiêu thụ chất dinh dưỡng này, có thể bổ sung các loại trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi…), kiwi, quả mọng (dâu tây, việt quất, quả mâm xôi…), xoài, đu đủ, cà chua và các loại rau như bông cải xanh, ớt chuông đỏ hoặc vàng…

3. Thực phẩm giàu vitamin A

Vitamin A cải thiện việc sản xuất tế bào bạch cầu trong máu, giúp chống lại virus và nhiễm trùng, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Các nguồn cung cấp vitamin A dồi dào là cà rốt, rau bina, bông cải xanh, khoai lang, hạt hướng dương…

Đau vai gáy nên ăn gì cho nhanh khỏi? - Ảnh 4.

Vitamin A giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

4. Thực phẩm giàu protein để lấy lại sức lực

Protein là thành phần cốt lõi để cấu tạo nên nhiều mô. Sau chấn thương, phần cơ thể bị chấn thương bị bất động rõ ràng dẫn đến giảm sức mạnh và khối lượng của cơ. Vì vậy, nếu bạn có đủ protein trong chế độ ăn uống của mình, thì bạn có thể giảm tác động đến một mức độ nào đó. Nó có thể giúp giảm viêm và thúc đẩy xây dựng lại các cơ bị mất.

Vì vậy, hãy bổ sung đều protein trong tất cả các bữa ăn. Các nguồn protein tuyệt vời là cá, thịt gia cầm, thịt, đậu phụ, đậu nành, đậu Hà Lan, quả hạch, hạt, đậu…

5. Axit béo omega-3 ngăn ngừa chứng viêm

Tình trạng viêm xảy ra trên vị trí vết thương và có thể làm chậm quá trình chữa lành. Viêm quá mức có thể được ngăn ngừa bằng cách bổ sung các thực phẩm giàu axit béo omega-3 trong chế độ ăn hàng ngày. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, omega-3 giúp kích thích sản xuất protein cơ bắp và làm giảm sự mất cơ tại thời điểm bất động.

Các nguồn giàu axit béo omega-3 là quả óc chó, hạt chia, cá và hạt lanh.

6. Thực phẩm giàu kẽm để phục hồi và phát triển mô

Kẽm được coi là một thành phần quan trọng đối với việc sản xuất các enzym và protein, do đó có thể giúp chữa lành, sửa chữa và phát triển các mô. Vì vậy, cung cấp đủ kẽm trong chế độ ăn uống có thể giúp vết thương mau lành hơn.

Thực phẩm tuyệt vời để hấp thụ kẽm là đậu, quả hạch, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt và hải sản có vỏ như hàu, cua...

Đau vai gáy nên ăn gì cho nhanh khỏi? - Ảnh 5.

Hàu là thực phẩm giàu kẽm tốt cho người bệnh đau vai gáy.

7. Vitamin K1 và K2 tăng cường sức mạnh của xương

Những chất dinh dưỡng này đưa canxi đến xương và góp phần cải thiện sức mạnh của xương. Các nguồn tốt nhất trong số này là mận khô, lòng đỏ trứng, cải Brussels, các sản phẩm từ sữa bò, rau lá, dưa cải bắp…

8. Creatine thêm năng lượng và khối lượng cơ bắp

Creatine là một loại hoạt chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể con người. Bổ sung creatine với số lượng nhỏ hàng ngày có thể giúp tạo ra nhiều năng lượng hơn trong khi tập thể dục nặng. Ngoài ra, nó có thể giúp lấy lại khối lượng cơ và sức mạnh đã mất trong thời gian ngắn. Chất dinh dưỡng này có trong thịt, cá và gia cầm một cách tự nhiên.

9. Magiê giúp xương chắc khỏe hơn

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, cơ thể thiếu magiê chính là một trong những nguyên nhân gây đau nhức xương khớp và đau vai gáy. Phần lớn hàm lượng magiê trong cơ thể tập trung ở xương. Khoáng chất này kết hợp với phospho và canxi tham gia vào quá trình tạo xương, cải thiện độ bền và chức năng xương khớp.

Lượng magiê còn lại phân bố ở máu, tổ chức mô mềm và cơ bắp, có tác dụng đảm bảo sự co cơ và tính ổn định trong dẫn truyền thần kinh. Điều này giúp duy trì sức khỏe, phòng ngừa căng cơ dẫn đến đau nhức. Chính vì những điều trên, việc bổ sung đủ magiê cho cơ thể có thể giúp bạn phòng ngừa và hỗ trợ giảm đau cổ vai gáy hiệu quả.

Đau vai gáy nên ăn gì cho nhanh khỏi? - Ảnh 6.

Khi bị đau cổ vai gáy nên ưu tiên những thực phẩm giàu magiê.

Khi bị đau cổ vai gáy, có thể bổ sung các loại thực phẩm như hạt điều, đậu phộng, gạo lứt, đậu tây, đậu lăng, sữa, vỏ khoai tây, hạnh nhân… vì những thực phẩm này rất giàu magiê.

Ngoài ra, boron ( một khoáng chất vi lượng tự nhiên) có thể hữu ích để giữ lại magiê và canxi trong cơ thể để tăng cường sức khỏe của xương. Nó cũng khuếch đại tác dụng tích cực của vitamin D trong cơ thể và do đó nên được thêm vào chế độ ăn uống của bạn. Các nguồn cung cấp boron là mận khô, táo, đậu khô, sữa, cà phê…

10. Thực phẩm giàu chất xơ

Bệnh nhân bị đau cổ vai gáy được khuyên ăn nhiều rau xanh và bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ khác. Chất xơ giúp loại bỏ chất cặn bã, cải thiện tiêu hóa và tăng khả năng chuyển hóa các chất. Ngoài ra chất xơ còn có tác dụng duy trì sức khỏe xương khớp, hỗ trợ giảm cân, giảm áp lực lên cột sống dẫn đến đau nhức. Đồng thời hỗ trợ giảm đau và đẩy lùi tình trạng viêm sưng ở những bệnh nhân bị đau vai gáy.

Danh sách những loại thực phẩm giàu chất xơ nên bổ sung vào chế độ ăn uống mỗi ngày: Các loại rau lá xanh, cà rốt, bông cải xanh, quả mọng, chuối, táo, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu (đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh…)

Để hạn chế cơn đau, người bệnh đau cổ vai gáy cần hạn chế thực phẩm sau:

  • Thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo vì những thực phẩm này sẽ làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Thực phẩm mặn, nhiều muối.
  • Thực phẩm cay, nóng
  • Thực phẩm ngọt, nhiều đường.
  • Rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và bài tập hạn chế cơn đau Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và bài tập hạn chế cơn đau

SKĐS - Do tính chất công việc và lối sinh hoạt hằng ngày khiến cho hiện nay, nhiều người mắc bệnh đau cổ vai gáy ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Chuyên ngành Phẫu thuật Cột sống về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp điều trị và tập luyện đối với bệnh nhân bị đau cổ vai gáy.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Động tác đơn giản thực hiện ngay tại nơi làm việc giúp hạn chế cơn đau cổ vai gáy


Vân Khanh
Ý kiến của bạn